Phụ huynh có con cuối cấp mong học sinh được đến trường

27/10/2021 16:48

Kinhte&Xahoi Nhiều phụ huynh có con học cuối cấp rất mong ngày học sinh đến trường để học và ôn luyện kiến thức chuẩn bị cho kỳ thi. Đến thời điểm này, các trường cũng đã lên phương án phòng chống dịch cũng như kế hoạch ôn luyện khi học sinh trở lại trường.

Phụ huynh mong mỏi

Từ khi có hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về những trường ở vùng xanh được đi học, nhiều phụ huynh, đặc biệt những người có con học cuối cấp luôn cũng mong mỏi ngày học sinh đến trường bởi họ cho rằng, học trực tiếp, việc ôn luyện cho con sẽ hiệu quả hơn.

Phụ huynh mong học sinh được đi học trở lại (Ảnh cô trò trường THCS Đống Đa đón năm học mới - Ảnh tư liệu)

Anh Nguyễn Đình Thi, có con học lớp 9 trường THCS Ngọc Lâm (Long Biên) cho biết: “Năm nay con tôi sẽ thi vào lớp 10. Tôi rất lo ngại bởi học trực tuyến, kiến thức tiếp thu bị hạn chế nhiều. Đã thế, dường như cháu phải học cả ngày trên máy tính nên với sức khỏe và tâm lý đều không tốt. Mong rằng sớm được đến trường, học trực tiếp, nhìn các bạn cố gắng, thầy cô bảo ban tận tình, các con buộc phải nỗ lực để học".

Chị Nguyễn Thị Cúc có 2 con đều học cuối cấp cũng chia sẻ: “Tôi mong các cháu sớm được đến trường học trực tiếp để ôn luyện kiến thức, chuẩn bị cho kỳ thi sắp tới. Tuy nhiên tôi cho rằng, nếu đi học trở lại, các trường sẽ phải lên phương án, kết hợp với phụ huynh đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Với học sinh, nên ở tại trường đến khi hết buổi, không mua quà vặt hay gặp gỡ bạn bè ở ngoài cổng trường. Phụ huynh cũng nên thận trọng trong việc tiếp xúc hàng ngày để đảm bảo an toàn cho con mình”.

Hoạt động của học sinh trưởng Tiểu học Ngọc Lâm (Ảnh tư liệu)

Nhiều cha mẹ có con đang học lớp 1 cũng rất mong ngày con được trở lại trường, bởi không ít trẻ hiện nay ở nhà, ít tiếp xúc với bên ngoài. Nhiều trẻ đang có trạng thái tâm lý mất ổn định: Ham mê chơi điện tử, hay cáu gắt, thích ngồi lỳ với các thiết bị công nghệ… Ngoài ra bố mẹ phải đi làm, không có người trông con, để con một mình với thiết bị điện tử học trực tuyến khiến họ không yên tâm.

Các môn thi sẽ học trực tiếp

 Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội, ngoài việc dạy trực tuyến, các trường luôn sẵn sàng đón học trở lại khi có điều kiện. Không chỉ chuẩn bị về cơ sở vật chất, nhiều trường cũng lên mọi phương án đảm bảo phòng chống dịch khi học sinh đi học.

Giáo viên trường tiểu học Ngọc Lâm vệ sinh lớp học

Cô Nguyễn Thị Bích Huyền, Hiệu trưởng trường Tiểu học Ngọc Lâm cho biết: “Trường lúc nào cũng sẵn sàng đón học sinh trở lại.

Ngoài việc chuẩn bị cơ sở vật chất, nhà trường cũng tiếp tục xây dựng phương án cụ thể. Nếu học sinh đầu cấp và cuối cấp được đi học, trường sẽ bố trí người đón các con ở cổng trường đo thân nhiệt, khử khuẩn…

Trong lớp học có 2 phương án, giãn cách và học cả lớp. Cấp tiểu học mà ngồi giãn cách thì hơi khó, bởi lớp học sẽ chia làm 2 ca, một nửa học sáng và 1 nửa học chiều, như thế, các cô sẽ bị quá tải…

Trường Tiểu học Ngọc Lâm chuẩn bị sẵn sàng đón học sinh trở lại trường

Về kế hoạch dạy học, khi quay lại trường, các cô vừa dạy bài mới và tận dụng mọi thời gian trên lớp để ôn lại kiến thức cho các con. Với các lớp học trực tuyến, ở tiểu học dễ phân công lịch hơn, vì mỗi lớp có 1 cô chủ nhiệm, chỉ thầy cô bộ môn là dạy các lớp. Nhà trường sẽ xếp lại thời khoá biểu để đảm bảo giáo viên bộ môn vẫn dạy được các bạn đi học trực tiếp, đồng thời vẫn bố trí thời gian dạy lớp học trực tuyến.

Giáo viên trường THCS Đống Đa vệ sinh lớp học thường xuyên

Ở cấp THCS, cô Đinh Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Ngoài việc tổng vệ sinh trường lớp, chúng tôi sẽ xếp thời khoá biểu dạy trực tiếp các ôn Văn, Toán, Ngoại ngữ, Lý, Hoá và dạy trực tuyến các con còn lại. Điều chỉnh kế hoạch dạy học, ưu tiên các môn thi vào 10 với lớp 9.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ kiểm tra, rà soát, củng cố, bổ sung những kiến thức cơ bản trong thời gian học trực tuyến, sau đó dạy tiếp kiến thức mới; Tiếp tục bổ trợ học sinh yếu kém, hỗ trợ các em học trực tuyến…

Ngoại thành bố trí cách lớp, cách phòng

Tại huyện Thạch Thất (Hà Nội) các trường học đều sẵn sàng cho việc đón học sinh trở lại. Nhiều thầy cô, nhất là những giáo viên chủ nhiệm lớp 9 đều mong học sinh được trở lại trường để ôn luyên kiến thức thi vào lớp 10.

Ông Đỗ Toàn Thắng, Trưởng phòng Giáo dục huyện Thạch Thất cho biết: “Về mặt phương án, chúng tôi đã có văn bản yêu cầu toàn bộ trường học trên địa bàn thực hiện các điều kiện về cơ sở vật chất, từ việc tổng vệ sinh, lau chùi bàn ghế… sẵn sàng đón học sinh quay trở lại trường bất cứ khi nào có chỉ đạo của thành phố.

Phòng GD&ĐT huyện cũng yêu cầu các trường chuẩn bị sẵn sàng thuốc men, các điều kiện y tế, cũng như đón học sinh như thế nào để đảm bảo giãn cách; Phương án khi học sinh tan học đảm bảo từng khối mà không bị ùn ứ hay diễn ra cùng một thời điểm.

Lễ khai giảng của trường Tiểu học Tiến Xuân B (huyện Thạch Thất) - Ảnh tư liệu

Quan trọng nhất là tuyên truyền tới cha mẹ học sinh, kiểm tra sức khoẻ của con trước khi đến trường, đồng thời hạn chế cho các con ra khỏi thành phố. Bản thân bố mẹ khi đi làm, nhất là ở những khu công nghiệp phải đảm bảo việc tiếp xúc của mình để không ảnh hưởng đến con cái.

Nếu như đầu cấp và cuối cấp được đi học trực tuyến, chúng tôi cũng đã tính đến phương án tương đối an toàn. Theo đó, lớp 9 sẽ học một buổi, lớp 6 sẽ học một buổi, cách ra để hạn chế tiếp xúc.

Khoảng cách giữa học sinh là vấn đề khó khăn nhất, bởi chia tách lớp ra làm đôi sẽ bị quá tải với giáo viên, vì thế chúng tôi sẽ ổn định trong lớp. Lớp 9 mỗi trường chỉ có từ 6, 7 lớp, trong cả một không gian nhà trường rộng như thế chúng tôi sẽ bố trí lớp cách lớp, phòng cách phòng để đảm bảo an toàn, đặc biệt học sinh sẽ không tụ tập giữa các lớp với nhau. Ngoài ra, lớp 6 sẽ bố trí lệch lớp với khối 9. Ví dụ khối 9 học 1, 3, 5, 7 thì lớp 6 sẽ học 2 , 4, 6, Chủ nhật… lớp chiều không trùng lớp buổi sáng…

Còn phương án đối với giáo viên, chắc chắn vừa phải dạy kiến thức mới và củng cố lại kiến thức khi học trực tuyến cho các con. Thời gian đầu, nếu điều kiện an toàn, các con có thể học thêm 1 buổi tăng cường nữa để củng cố kiến thức ở trên lớp. Trong trường hợp không an toàn, chúng tôi sẽ tổ chức củng cố kiến thức cho học sinh bằng hình thức trực tuyến.

Về việc phân công giáo viên, chúng tôi phải đề ra một thời khoá biểu tương đối hợp lý. Ví dụ cô dạy lớp 6 trực tiếp buổi sáng, lớp 7 sẽ học trực tuyến vào buổi chiều. Phân định ra như thế, tôi nghĩ vẫn sẽ đáp ứng được việc dạy của giáo viên mà không bị quá số tiết theo quy định…”.

Đình Trung - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/phu-huynh-co-con-cuoi-cap-mong-hoc-sinh-duoc-den-truong-181374.html