Phụ huynh động viên trước khi bước vào phòng thi.
Tròn một tuần sau khi Hà Nội thông báo tạm dừng việc học trực tiếp tại lớp để chuyển sang hình thức học trực tuyến tại nhà do ảnh hưởng dịch COVID-19, chị Nguyễn Thương Nga (quận Ba Đình) và cậu con trai lớp 9 luôn trong tình trạng vừa học, vừa nghe ngóng thông tin dịch bệnh và thi cử.
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa kỳ thi tuyển vào lớp 10 THPT công lập Hà Nội năm học 2021 - 2022 sẽ diễn ra. Nếu dịch kéo dài, chị Thương lo kỳ thi sẽ khó diễn ra đúng kế hoạch. Việc học tập và ôn luyện chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 cũng không được đảm bảo.
Chị Nga và nhiều phụ huynh khác mong muốn Sở GD&ĐT Hà Nội rút môn Lịch sử khỏi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm nay để giảm bớt áp lực cho thí sinh.
"Kỳ thi chuyển cấp cận kề, trong khi một ngày các con chỉ học online được 3 tiết theo chương trình của nhà trường. Học trực tuyến, giáo viên không thể sát sườn huớng dẫn từng học sinh, chất lượng buổi học so với trực tiếp trên lớp bị giảm đi rất nhiều. Những kiến thức như vậy không thể đủ để các con thi vào lớp 10, đặc biệt là môn Lịch sử", vị phụ huynh lo lắng.
Chị Nguyễn Thị Thuỷ (Thanh Xuân, Hà Nội) băn khoăn, năm học trước Hà Nội từng bỏ môn thi thứ tư vào lớp 10, chất lượng thi cử và điểm chuẩn các trường vẫn không thay đổi quá nhiều. "Vậy tại sao năm nay, cũng trong điều kiện dịch COVID-19 bùng phát mạnh mẽ, Sở GD&ĐT lại không bỏ bớt áp lực thi cử cho các con", chị Thủy băn khoăn.
Theo phụ huynh này, học và kiểm tra trong mùa dịch là điều rất khó khăn với cả giáo viên và phụ huynh. Do đó, Sở GD&ĐT Hà Nội nên xác định việc tuyển sinh đầu vào lớp 10 bằng chất lượng tương ứng với điều kiện thực tế dịch bệnh, không nên đòi hỏi quá cao vào thí sinh.
Ngay từ đầu năm học, chị Trần Thị Hoa Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) lên kế hoạch chi tiết cho con ôn luyện, đặt mục tiêu vào trường THPT chuyên Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, dịch bệnh bùng phát trở lại đã phá vỡ kế hoạch của mẹ con chị.
Chị Hoa lo lắng khi con học online, bởi phương pháp này không hiệu quả bằng đến lớp được thầy cô giảng dạy trực tiếp. Trong khi đó, con trai chị phải thực hiện 5 môn thi vào trường chuyên, áp lực và sức nóng của kỳ thi dường như đang nhân lên gấp bội.
Gia đình chị Hoa tính đến phương án thuê gia sư một thầy một trò để cho con ôn luyện. Mức chi phí cho hình thức học này là 300.000 đồng/buổi học kéo dài 2 tiếng.
"Tôi nghĩ, Sở GD&ĐT Hà Nội rút môn thi thứ 4 vào lúc này chưa muộn. Đó không những là sự chia sẻ khó khăn trong tình hình COVID-19 mà cũng là động viên các con trong kỳ thi vào lớp 10 mùa dịch bệnh. Tôi cũng hy vọng đề thi năm nay vừa sức với học sinh trong điều kiện tình hình dịch COVID-19 phức tạp, không nên đánh đố hay đề quá khó khiến học sinh áp lực", vị phụ huynh chia sẻ.
Tiến sĩ Lê Thống Nhất cho rằng, Hà Nội nếu rút bớt môn thi thứ 4 trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT không ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào lớp 10 THPT công lập. Như Hải Phòng từng thi 7 môn nhưng giờ rút còn 3 môn thi. Việc thi 3 hay 4 môn đánh giá đúng năng lực học sinh hơn là không có cơ sở.
Nếu nói bỏ thi môn Lịch sử khiến học sinh không học Sử là quan điểm không đúng. Lịch sử là môn học rất hay nhưng quan trọng là cách dạy. Không phải lấy chuyện thi để học sinh phải thích học môn Sử. Do vậy, trong điều kiện dịch thế này, Sở GD&ĐT Hà Nội nên bỏ môn Lịch Sử và điều này không ảnh hưởng đến chuyện thích học hay không thích học môn này.
Tính đến nay, Hà Nội và Bắc Giang là hai địa phương tổ chức thi vào lớp 10 THPT công lập bằng 4 bài thi độc lập (Toán - Văn - Anh - môn thi thứ tư). Các địa phương còn lại chủ yếu tổ chức ba môn độc lập hoặc có hai môn Toán - Văn và bài thi tổ hợp nhằm giảm áp lực và phù hợp với tình hình dạy học năm học 2020 - 2021 khi chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch COVID-19.
Ông Phạm Văn Đại, Phó giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên tuần này (từ 10/5) toàn bộ học sinh các cấp tiếp tục dừng đến trường đến khi có thông báo mới.
Sở thường xuyên chỉ đạo các trường tiếp tục dạy học trực tuyến, chưa vội kiểm tra, đánh giá, chờ hướng dẫn của Sở GD&ĐT về việc kiểm tra học kỳ, kết thúc năm học. Nếu dịch được kiểm soát trong tuần này, học sinh có thể quay lại trường học để kiểm tra, nếu không sẽ tính phương án khác. Hiện Sở GD&ĐT Hà Nội đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án cho kỳ thi vào lớp 10 THPT an toàn, giảm áp lực và đảm bảo chất lượng đầu vào các trường THPT.
Trước lo ngại về thời gian thi tốt nghiệp THPT và thi vào lớp 10 ở các địa phương bị ảnh hưởng do COVID-19 như năm 2020 từng xảy ra, Phó giáo sư Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT cho biết, dù tạm nghỉ nhưng hoạt động dạy học trực tuyến vẫn được các trường học duy trì, thời gian kết thúc năm học tạm thời chưa cần điều chỉnh. Vì vậy, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Đối với các kỳ thi chuyển cấp như thi vào lớp 10, ông cho biết, việc quy định về hình thức thi, địa điểm, thời gian thi,… sẽ do các địa phương chủ động kế hoạch, điều chỉnh căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương. Do đó, học sinh, phụ huynh hoàn toàn yên tâm, tập trung ôn tập thật tốt cho kỳ thi cuối cấp quan trọng sắp tới. |
Hà Cường - Theo VTC News