Trước việc Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố hành vi “trốn thuế” đối với hàng loạt các Hộ kinh doanh cá thể, Hợp tác xã thu mua cây nguyên liệu của bà con nông dân để sơ chế nguyên liệu giấy bán cho các công ty lớn sản xuất giấy khiến nhiều hộ kinh doanh lo lắng, dẫn đến đóng cửa dừng sản xuất.
Theo phản ánh của người dân, hàng năm các hộ kinh doanh cá thể đều đóng thuế theo hình thức thuế khoán. Mức thuế khoán từng tháng do cơ quan thuế của huyện ấn định cho từng hộ kinh doanh. Tuy nhiên, từ tháng 5/2020, Cơ quan Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố hàng loạt các hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã về hành vi “trốn thuế”. Điển hình như, Hộ kinh doanh của bà Dương Thị Kim L. (huyện Thanh Ba), Hợp tác xã nông nghiệp Duy Bảo (huyện Hạ Hòa) …
Hành vi “trốn thuế” của những hộ kinh doanh này được Cơ quan Công an tỉnh Phú Thọ xác định rằng, các hộ kinh doanh này đã khai báo gian dối về mức doanh thu, sản xuất hàng năm. Các hộ kinh doanh này không thuộc đối tượng được hưởng mức thuế khoán như lâu này họ vẫn đóng. Do đó, mức thuế mà một số hộ kinh doanh, sản xuất dăm gỗ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Cục thuế tỉnh Phú Thọ đã áp mức thuế 4,5% (thuế GTGT là 3%, thuế TNCN là 1,5%) đối với hộ kinh doanh cá thể.
Việc thay đổi mức thuế đột ngột cùng hàng loạt các hộ kinh doanh bị khỏi tố hành vi “trốn thuế” khiến nhiều gia đình, hợp tác xã, công ty phải đóng cửa dừng sản xuất để cắt giảm khoản lỗ cũng như lo sợ bị lại bị Cơ quan công an khởi tố.
Những đống nguyên liệu sử dụng để làm dăm sản xuất giấy bị nhiều hộ kinh doanh để mặc ngoài đường
Trao đổi với PV, bà Dương Thị Kim L. tại khu 7 xã Năng Yên (nay là khu Đồng Thọ, xã Quảng Yên) huyện Thanh Ba cho biết, hàng loạt hộ dân thuộc các huyện huyện Thanh Ba, huyện Hạ Hòa, huyện Đoan Hùng đã phải đóng cửa dừng sản xuất sơ chế gỗ (bóc vỏ, băm nhỏ). Lý do bà L. đưa ra là do một phần ảnh hưởng của dịch Covid-19 sản phẩm không tiêu thụ được, một phần là do Cơ quan Công an áp thuế 4,5% khiến người dân không thể sản xuất vì nếu sản xuất sẽ bị thua lỗ.
Tâm trạng buồn chán, ông Dương Văn P. trú tại khu 7 xã Quảng Yên cho biết: Gia đình đã dừng sản xuất vì không có đơn hàng, thuế bị áp cao quá nên phải dừng.
“Ngày trước chúng tôi theo thuê khoán nhưng chỗ nào người ta mua cũng hỏi phải có hóa đơn và áp thuê cao lên đến 4,5%/năm nên chúng tôi phải dừng thôi không làm được”, ông P. cho hay.
Còn chia sẻ với PV, ông Đinh Quốc A. khu Cây Sa, xã Quảng Yên ngao ngán cho biết gia đình ông bắt đầu dừng hẳn vì áp thuế cao quá.
“Chúng tôi là hộ cá thể kinh doanh hàng năm đều đóng theo thuế khoán của Chi cục thuế khu vực Thanh Ba – Hạ Hòa. Bây giờ Công an áp theo 4,5%/năm cộng với lãi xuất 1% vay tiền từ ngân hàng là 5,5%/năm thì chúng tôi làm sao làm được. Ví dụ, chúng tôi mua đầu vào 1 tấn gỗ là 1 triệu thì chúng tôi chịu 55 nghìn đồng thì chúng tôi kinh doanh cái gì cho lãi được”, ông A. cho hay.
Theo ông A., nếu áp thuế thì cơ quan thuế phải gửi thông báo, tập huấn, phát sổ sách để các hộ kinh doanh tham khảo nhưng đằng này lại không hề có.
“Vì chúng tôi là hộ kinh doanh, sản xuất nhỏ nên được áp theo hình thức thuế khoán mà hình thức này thì áp cả tỉnh Phú Thọ chứ không phải riêng Thanh Ba hay Hạ Hòa. Ngoài ra, chúng tôi hỏi các tỉnh khác như Tuyên Quang, Yên Bái đều áp thuế. Như vậy, khúc mắc đang ở chỗ nào, tôi đề nghị cơ quan chức năng làm rõ? Nếu mà áp thuế theo 4,5% thì tôi bán cả nhà, bán cả xưởng sản xuất cũng không lại”, ông A. cho biết thêm.
Trước việc dừng sản xuất, nhiều gia đình đã lâm vào cảnh kinh tế khó khăn cuộc sống đảo lộn. Nhiều người đã chọn cách là đi làm thuê để kiếm tiền trang trải gia đình bởi họ cho rằng việc dừng sản xuất chưa biết bao giờ mới bắt đầu trở lại.
Còn anh Đinh Đức T. - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Duy Bảo có trụ sở tại xã Phụ Khánh – huyện Hạ Hòa – tỉnh Phú Thọ, người bị Cơ quan công an khởi tố tội “trốn thuế” cho biết trên huyện Hạ Hòa khoảng gần 300 hộ kinh doanh cá thể đã phải dừng sản xuất. Một phần do thị trường không tiêu thụ được và một phần do áp thuế cao.
“Ngày trước các hộ kinh doanh đều theo thuế khoán bây giờ áp thuế, bắt họ bán hàng phải xuất hóa đơn, họ không xuất được nên phải dừng. Tất cả các xưởng bóc gỗ hay ép gỗ cũng nghỉ khoảng 90%. Khi tôi bị khởi tố thì giờ đáo hạn xong ngân hàng không cho vay tiền nữa, họ sợ bị công an hỏi. Không có tiền làm ăn hiện Hợp tác xã của chúng tôi đang trên bờ vực phá sản”, ông Thuận cho hay.
Khu sản xuất dăm gỗ của nhiều hộ kinh doanh cá thể, Hợp tác xã tại tỉnh Phú Thọ ảm đạm
Trước đó, khi trả lời báo chí, ông Nguyễn Quốc Toản - Phó chi cục trưởng Chi cục thuế khu vực Thanh Ba – Hạ Hòa cho biết, theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh; theo hướng dẫn tại Quy trình quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh ban hành kèm theo Quyết định số 2371/QĐ-TCT ngày 18/12/2015 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế.
“Thực ra căn cứ thu thuế thì theo quy đinh và Thông tư, theo Thông tư 92 là HKD cá thể là thu theo thuế khoán. Mới đây là Thông tư 92 và Quyết định số 2371 của Tổng Cục thuế từ 2015 thì ngành thuế đang áp dụng. Hàng năm Chi cục thuế đều triển khai công tác tuyên truyền về thuế cho Hộ kinh doanh theo chỉ đạo của ngành thuế; phối hợp đài truyền thanh huyện để tuyên truyền đến các xã, thị trấn; công khai thông tin dự kiến doanh thu, mức thuế, tiếp nhận phản hồi của nhân dân và các tổ chức..vv”, ông Toản cho biết.
Sự việc trên đã khiến hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh điêu đứng, họ mong cơ quan chức năng có thẩm quyền trả lời những câu hỏi. Cụ thể, đối với hộ kinh doanh cá thể sơ chế sản phẩm trồng trọt tại địa phương có phải mở sổ sách tự kê khai nộp thuế 4,5% không? Hình thức nộp tiền (mức thuế, số tiền thuế và cách tính thuế) như thế nào là đúng?.
Còn đối với HTX, Công ty sơ chế gỗ dăm khi công ty trung gian không lấy hóa đơn thuế thì việc phát hành hóa đơn thuế cho ai? Việc không phát hành hành hóa đơn thuế có gọi là trốn thuế và truy thu thuế 10% hay không?
Phóng viên