Hợp phần Chi Lăng – Hữu Nghị cần sớm được đầu tư để cao tốc Bắc Giang – Chi Lăng phát huy hiệu quả kinh tế
Lạng Sơn lo lắng
Hợp phần 1 cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, đoạn TP Bắc Giang – xã Sao Mai, huyện Chi Lăng đang được chuẩn bị để thông xe kỹ thuật. Trong khi hợp phần 2, đoạn Chi Lăng – cửa khẩu Hữu Nghị chưa được thực hiện nên sau khi thông xe kỹ thuật hợp phần 1, các phương tiện di chuyển lên Lạng Sơn trên cao tốc này sau khi đến địa phận xã Sao Mai sẽ phải di chuyển qua đường Quốc lộ 1A để tiếp tục về TP Lạng Sơn, cửa khẩu Hữu Nghị.
Ông Nghiêm Văn Hải, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Lạng Sơn cho biết, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang – Lạng Sơn là mơ ước bấy lâu nay của người dân Lạng Sơn; khi hoàn thành sẽ tạo thành trục đường cao tốc thông suốt từ Thủ đô Hà Nội đến đến cửa khẩu Hữu Nghị, tạo thuận lợi đi lại cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế Lạng Sơn và vùng lân cận phát triển.
Tuy nhiên, do hiện nay nhà đầu tư chưa thu xếp được vốn thực hiện đoạn còn lại (Chi Lăng – Hữu Nghị) nên lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cũng như các ban, ngành liên quan đang lo lắng. “Cùng với chủ đầu tư, chúng tôi chạy đôn đáo mấy tháng nay, đã họp hành rất nhiều cuộc nhưng đến nay vẫn chưa sắp xếp được vốn. Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, lo lắng; Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn cũng vào cuộc. Cả tỉnh lo lắng và đang cùng nhà đầu tư tìm biện pháp”, ông Hải nói và cho biết, dự án cao tốc này nằm trong Nghị quyết của tỉnh. Ngoài ra, Thủ tướng đã báo cáo Quốc hội là đến năm 2020 sẽ thông xe kỹ thuật toàn tuyến.
Ông Dương Công Vĩ, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn cho biết, việc kiểm đếm giải phóng mặt bằng đoạn Chi Lăng – Hữu Nghị đã thực hiện xong, giờ chỉ chờ vốn nhà đầu tư để đền bù cho người dân. Còn ông Nguyễn Ngọc Nghĩa, Bí thư Huyện ủy Cao Lộc, nơi có dự án đi qua cho biết, người dân rất ủng hộ dự án, nhưng không biết khi nào được nhận tiền đền bù nên một số người dân nảy sinh tâm lí lo lắng.
Tích cực tìm nguồn vốn
Ông Phạm Minh Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP BOT Bắc Giang – Lạng Sơn cho biết, liên quan đến phương án vốn, hiện chủ đầu tư là Tập đoàn Đèo Cả đang phối hợp với các ngân hàng, đối tác để sớm ký kết hợp đồng tín dụng. Theo ông Đức, chủ trương trước đây là vay vốn từ đầu mối Vietinbank, tuy nhiên, gần đây ngân hàng này gặp một số khó khăn và số tiền cho vay xây dựng BOT của ngân hàng này đã sắp tới mức giới hạn theo quy định. “Hiện chủ đầu tư đang tiếp tục đàm phán với các ngân hàng để thu xếp vốn”, ông Đức nói.
Theo tìm hiểu, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đã rất tích cực, chủ động tìm kiếm nguồn vốn cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, lãnh đạo tỉnh này đã cùng chủ đầu tư nhiều lần họp bàn bạc, gặp gỡ lãnh đạo các ngân hàng để tìm phương án vốn.
Trong khi đó, liên quan đến phương án vốn đoạn Chi Lăng – Hữu Nghị, ông Phạm Ngọc Thưởng, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Đã có hướng rồi nhưng còn phải xác định cụ thể phương án”. Lãnh đạo tỉnh này cũng cho biết, địa phương sẵn sàng bố trí hơn 500 tỷ đồng hỗ trợ dự án.
Theo nguồn tin của Báo PLVN, có thể BIDV sẽ là một trong những tổ chức tín dụng nghiên cứu, thu xếp vốn cho dự án Chi Lăng – Hữu Nghị.
Chính phủ tìm cách hỗ trợ dự án
Chiều 13/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về tín dụng để đầu tư tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng và Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).Thủ tướng đánh giá cao 2 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng về tinh thần dám nghĩ, dám làm, vượt khó, quyết tâm thực hiện các dự án hạ tầng trên, coi đây là trục quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Với dự án cao tốc Chi Lăng – Hữu Nghị, Thủ tướng hoan nghênh các ngân hàng đã vào cuộc tích cực; khẳng định Chính phủ tiếp tục tìm cách hỗ trợ dự án; đề nghị xử lý dứt điểm vấn đề tài chính cho dự án. |