Quận Ba Đình (Hà Nội): Tài sản chung “hô biến” thành tài sản riêng

11/02/2020 19:24

Kinhte&Xahoi Tranh chấp liên quan đến vấn đề cho thuê mặt bằng, địa chỉ số 33 Tân Ấp, quận Ba Đình, Hà Nội có dấu hiệu thiếu minh bạch, từ tài sản chung của doanh nghiệp được cấp sổ đỏ thành tài sản riêng của một cá nhân?

Không minh bạch khi cho thuê nhà…

Do có nhu cầu muốn thuê mặt bằng kinh doanh, nên năm 2008, ông Lê Sỹ Hiệp đã được ông Nguyễn Việt Trung (tại thời điểm 2008 đang giữ chức vụ Giám đốc Xí Nghiệp VLXD Phúc Xá, công ty con của Công ty Xây dựng Hồng Hà) kết nối và thỏa thuận để ký hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh tại địa chỉ số 33 phố Tân Ấp, Phúc Xá, Ba Đình, Hà Nội với thời hạn 10 năm.

HĐ thuê nhà giữa ông Hiệp và Công ty Hồng Hà (cũ)

Năm 2018, khi thời hạn hợp đồng thuê nhà sắp hết hạn, ông Hiệp được ông Trung hứa hẹn cho ký hợp đồng thuê tiếp căn nhà số 33 phố Tân Ấp. Tin tưởng ông Trung, ông Hiệp đã quyết định đầu tư sang sửa lại toàn bộ mặt bằng để ký Hợp đồng mới.

Thế nhưng cũng tại thời điểm đầu năm 2018 ông Nguyễn Việt Trung đã bị bãi nhiệm tại Xí Nghiệp VLXD Phúc Xá, giải thể Xí Nghiệp. Đồng thời công ty Xây dựng Hồng Hà đã ký hợp đồng liên doanh với một đơn vị khác lập nên công ty mới là Công ty CP Vật liệu xây dựng & Xuất nhập khẩu Hồng Hà (gọi tắt là Công ty Hồng Hà).

Như vậy, Công ty Hồng Hà sẽ tiếp quản toàn bộ các kho tàng bến bãi nằm trên khu đất 33 Tân Ấp. Về nguyên tắc Ông Nguyễn Việt Trung phải bàn giao lại toàn bộ các hạng mục nằm trên thửa đất trên cho công ty Hồng Hà. Trước vấn đề này, ông Hiệp đã thắc mắc với Ông Nguyễn Việt Trung và được ông Trung cho biết mặt bằng ông Hiệp đang thuê hiện tại là nhà riêng của Ông Trung và không phải ký hợp đồng khác. Tiền thuê nhà hàng tháng sẽ gửi cho Ông Trung.

Trước lời nói của ông Trung, ông Hiệp vẫn tiếp tục nộp tiền đều hàng tháng. Thế nhưng, cuối tháng 9 năm 2019, ông Hiệp được ông Trung thông báo không cho thuê nhà tại số 33 Tân Ấp nữa, đến tháng 12 phải trả lại mặt bằng mà không có bất kỳ lí do nào. Ông Hiệp có đề nghị trả lại số tiền đã bỏ ra đầu tư xây sửa lại nhưng ông Trung không đồng ý.

Không những bị đòi trả lại mặt bằng kinh doanh, không được trả lại số tiền đã bỏ ra đầu tư, sửa sang lại nhà xưởng, ông Hiệp còn bị ông Trung gây khó dễ khi bị cắt điện và cắt nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc kinh doanh với lý do số nhà 33 Tân Ấp đã được cấp sổ đỏ cho ông Trung.

... lộ việc “hô biến” tài sản chung thành tài sản riêng

Theo tìm hiểu của phóng viên, địa chỉ tại số 33 phố Tân Ấp hiện đang có sự thiếu minh bạch trong xác định ai mới là chủ sở hữu thực sự. 

Cụ thể, thì địa chỉ trên đã được UBND quận Ba Đình cấp sổ đỏ vào ngày 14/7/2017 cho ông Nguyễn Việt Trung. Thế nhưng, khi pv làm việc với phường Phúc Xá và các cấp chính quyền có liên quan thì đều nhận được câu trả lời đổ về Công ty CP Vật liệu xây dựng & Xuất nhập khẩu Hồng Hà và cho rằng chỉ khi tài sản đã được bán đấu giá hoặc thanh lý cho ông Trung thì ông Trung mới có thể làm sổ đỏ.

Bằng cách nào đó, mà ông Trung lại được UBND quận Ba Đình cấp sổ đỏ phần tài sản của Công ty Hồng Hà?

Ông Trần Thanh Cự, phó Tổng giám đốc Công ty CP Vật liệu xây dựng & Xuất nhập khẩu Hồng Hà cho hay, việc bán đầu giá tài sản ở công ty từ trước đến nay chưa từng xảy ra, nếu có tổ chức thì phải có văn bản rõ ràng. Đặc biệt là lô đất mà công ty Hồng Hà cho ông Trung thuê lại càng không có việc thanh lý hay bán đấu giá.

“Giai đoạn trước năm 2012 do thế hệ lãnh đạo khác không biết lúc ấy có vấn đề gì không, nhưng giai đoạn sau năm 2012 khẳng định không có 1 văn bản nào nói về việc thanh lý tài sản cho 1 cá nhân nào hoặc 1 tổ chức nào vì trước đấy có hay không công ty đang phải tìm hiểu vì ông giám đốc trước đây đã vi phạm pháp luật và đã phải xử lý hình sự. Thời điểm năm 2017 đã rà soát lại tài sản của công ty, ông Trung cũng đã ký vào kiêm bản kiểm kê tài sản xác nhận là tài sản của công ty, công ty vẫn nắm các tài liệu về nó.” ông Cự nhấn mạnh.

Công ty Hồng Hà và ông Trung - ai mới là chủ nhân "đích thực" của căn nhà số 33 Tân Ấp, Ba Đình, Hà Nội?

Đối với hướng giải quyết vấn đề đang vướng mắc cho ông Lê Sỹ Hiệp, khi ông này thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính là nộp tiền thuê đất đầy đủ hàng năm cho công ty thì ông Cự thẳng thắn “Anh Hiệp có hợp đồng mình cứ cho là hợp pháp, nhưng thực tế Ban lãnh đạo công ty hiện tại chúng tôi chưa nhìn thấy bao giờ. Công ty không có hợp đồng này, không quản lý hợp đồng, điều này có nghĩa là không quản lý nguồn tài chính phát sinh từ hợp đồng. Cho nên công ty phải tìm hiểu, phải bóc tách vấn đề, làm việc để đi đến kết luận, công ty không biết nguồn tiền cho thuê đất ấy đi về đâu."

Ngoài ra, ông Cự cũng cho biết thêm, ngày 16 tới đây (tức sau Rằm tháng Giêng - PV) tổ công tác của công ty gồm các trưởng, phó ban kiểm tra sẽ xuống làm việc, kiểm tra lại toàn bộ công tác quản lý, sử dụng và khai thác khu vực đó, thời gian kiểm tra phải phụ thuộc vào mức độ phức tạp đến đâu, ngay sau khi có kết luận sẽ thông tin lại cho cơ quan báo chí.

Bên cạnh đó, ông Phạm Quang Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Vật liệu xây dựng & Xuất nhập khẩu Hồng Hà khẳng định tài sản tại địa chỉ 33 phố Tân Ấp, phường Phúc Xá cho đến giờ phút này vẫn là của công ty. “Hàng năm, công ty đều thực hiện công việc kiểm kê tài sản. Theo đó, vào ngày 28/7/2018, công ty có kiểm kê lại toàn bộ tài sản trong đó có cửa hàng bán lẻ vật liệu Phúc Xá và cửa hàng bán lẻ 2 tầng Phúc Xá (số 33 phố Tân Ấp) trên có nằm trong danh sách tài sản của công ty và ông Trung vẫn ký vào văn bản.”

Ông Tuấn cũng cho biết thêm, phía công ty không có chủ trương giao hay cho đất ông Trung, “quả thực trước đây công ty có giao đất cho ông Trung quản lý nhưng khi có sự kiện biến động chuyển giao, ông Trung nghỉ và chuyển giao toàn bộ tài sản nhưng có 1 giai đoạn chuyển giao có thể nó chưa rõ ràng và chưa nắm được. Nên sự việc ông Trung khẳng định đất tại số 33 Tân Ấp thuộc chủ quyền của ông ấy đã liên quan đến vấn đề pháp luật, việc này Công ty Hồng Hà và ông Trung sẽ giải quyết, trong trường hợp ông Trung không xuống làm việc, công ty phải có trách nhiệm giải quyết”, ông Tuấn nói.

Như vậy, Ban lãnh đạo Công ty Hồng Hà khẳng định rằng hiện tại khu 33 Tân Ấp vẫn là tài sản của công ty, công ty chưa bao giờ tổ chức bán đấu giá tài sản hay thanh lý tài sản nên việc ông Nguyễn Việt Trung được cấp sổ đỏ tại địa chỉ nêu trên có rất nhiều uẩn khúc, thiếu minh bạch.

Không rõ bằng cách nào mà ông Nguyễn Việt Trung lại có thể "hô biến" tài sản của công ty thành tài sản của riêng mình? Đề nghị các cơ quan chức năng và các đơn vị có liên quan, đặc biệt là Công ty CP Vật liệu xây dựng & Xuất nhập khẩu Hồng Hà nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, làm sáng tỏ vấn đề, sớm có câu trả lời cho dư luận và đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Link bài gốc http://tieudungplus.vn/quan-ba-dinh-ha-noi-tai-san-chung-ho-bien-thanh-tai-san-rieng-20200210115857791.html