Quân đội căng mình chống dịch, chống bão

13/09/2021 15:02

Kinhte&Xahoi Những ngày qua, hoàn lưu bão số 5 đã gây mưa lớn cho các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, gây ngập úng nhiều nơi.

Giúp ngư dân neo đậu tàu cá.

Ứng phó với bão lũ, Quân đội duy trì và sẵn sàng huy động 530.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ và hơn 3.400 phương tiện để tham gia cùng các lực lượng khác ứng phó trước, trong và sau bão số 5 (Côn Sơn) khi có tình huống xấu xảy ra.

Sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu sau bão số 5

Bão số 5 chuyển thành áp thấp nhiệt đới gây mưa dai dẳng nhiều ngày qua, khiến nhiều nơi bị ngập trắng. Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Hải quân, Binh đoàn 18 chuẩn bị tốt máy bay và các tàu bay đã sẵn sàng bay tìm kiếm cứu nạn trên biển khi có tình huống xấu xảy ra.

Hiện nay quân đội vẫn duy trì và sẵn sàng huy động hơn 530.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ và hơn 3.400 phương tiện để tham gia cùng các lực lượng khác ứng phó với bão số 5 khi có tình huống xấu xảy ra.

“Đặc biệt, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng 15 máy bay, 105 tàu, hơn 1.000 xuồng các loại và 160 xe đặc chủng để sẵn sàng tham gia ứng cứu cho tình huống xấu xảy ra khi bão đổ bộ”, Đại tá Phạm Hải Châu cho biết.

Tại địa bàn Quân khu 4 và 5, Đại tá Phạm Hải Châu cho biết, khu vực này Bộ Quốc phòng đã huy động hơn 2.000 lượt cán bộ, chiến sĩ và hơn lượt 200 phương tiện sẵn sàng ứng phó.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 5, Bộ Tư lệnh (BTL) Quân khu 5 đã chỉ đạo Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) 7 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận) phối hợp với Bộ đội Biên phòng thông báo cho hơn 26.000 tàu thuyền với hơn 182.000 ngư dân di chuyển tránh khỏi vùng ảnh hưởng của bão và trú tránh an toàn. Đồng thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuẩn bị về mọi mặt vừa sẵn sàng ứng phó với bão, vừa phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả.

Các đơn vị đóng quân trên địa bàn có nguy cơ lũ ống, lũ quét, sạt lở đất sẵn sàng phương án di chuyển ra khu sơ tán; sẵn sàng, lực lượng phương tiện hỗ trợ nhân dân khi có tình huống. Đồng thời, Quân khu 5 đã thành lập 3 Sở chỉ huy tiền phương về phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đặt tại các tỉnh Quảng Nam, Phú Yên và Gia Lai.

Những ngày qua, đội mưa, đội gió, lực lượng Quân đội tham gia phòng chống dịch đã kiêm thêm nhiệm vụ kép: chống dịch và chống bão, chia nhau đi vào các ngõ, hẻm sâu, đến gõ cửa từng nhà dân để giúp đỡ bà con chằng chống, sửa lại từng nóc nhà bị mưa giọt....

Trước diễn biến phức tạp của bão số 5, BTL Quân khu 5 đã thành lập 2 đoàn công tác kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão tại các đơn vị trực thuộc trên địa bàn Quảng Nam và Đà Nẵng. Đại tá Trương Quang Nhạn, Phó Tham mưu trưởng Quân khu làm trưởng đoàn công tác kiểm tra tại Quảng Nam. Đại tá Tống Phú, Phó Tham mưu trưởng Quân khu làm trưởng đoàn công tác kiểm tra tại TP. Đà Nẵng.

Qua kiểm tra cho thấy, các đơn vị duy trì nghiêm trực 24/24 giờ, bảo đảm 100% quân số, trang thiết bị, tổ chức chằng chống kho trạm, doanh trại; chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, hậu cần cho lực lượng tham gia phòng, chống bão; thường xuyên theo dõi, nắm tình hình, cập nhật thông tin diễn biến của bão; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”; thành lập các sở chỉ huy tiền phương; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng giúp nhân dân buộc tàu thuyền, chằng chống nhà cửa; kiểm tra tuyến đê kè, hạ du hồ, đập; các tuyến ven biển, ven sông, vùng thấp trũng, các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, vùng bị chia cắt, cô lập… thực hiện tốt các phương án ứng phó. Đồng thời, làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Dân quân huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) đã chuẩn bị khu tránh bão cho đối tượng F1 trên địa bàn. Các cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn 971 (Bộ CHQS Đà Nẵng) có mặt tại các khu vực phong toả đường Trần Cao Vân (phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) hỗ trợ người dân chống bão Côn Sơn.

Đại tá Nguyễn Quang Vinh, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS Đà Nẵng cho biết, lực lượng quân đội vừa kết hợp giúp dân vừa khảo sát các khu vực xung yếu phục vụ việc di dời nếu có.

Bộ đội hối hả gặt lúa giúp dân

Hiện tại, các địa phương đang bước vào vụ mùa, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, các đơn vị Quân đội đang hối hả giúp dân gặt lúa. Vụ mùa năm 2021, tỉnh Thanh Hóa gieo cấy 116.587ha lúa, hiện tại, nhiều diện tích lúa đã bước vào thời kỳ thu hoạch, trong đó diện tích lúa đã chín đạt từ 80% trở lên khoảng 23.000ha, các địa phương đã thu hoạch đạt trên 10.000ha, số diện tích còn lại địa phương này đang huy động lực lượng thu hoạch trước khi bão Conson đổ bộ. Tuy nhiên, một số địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các địa phương rà soát và hỗ trợ nông dân thu hoạch lúa khi đã chín tới 80%.

Bộ đội, công an giúp dân gặt lúa.

Ban CHQS huyện Như Thanh, (Bộ CHQS Thanh Hóa) đã huy động gần 300 cán bộ, chiến sĩ thường trực, dân quân tự vệ xuống đồng hỗ trợ giúp dân gặt lúa vụ mùa năm 2021. Theo ông Vũ Hữu Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Như Thanh, toàn huyện có tổng diện tích lúa mùa là 2.890ha. Trong đó, diện tích đã thu hoạch 580ha, diện tích đã chín 820ha. Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 5, huyện đã tổ chức huy động các lực lượng Quân đội, Công an, đoàn viên, thanh niên tham gia thu hoạch lúa giúp dân, phấn đấu đến ngày 12/9 thu hoạch xong 800ha lúa đã chín, diện tích còn lại thu hoạch xong trước ngày 23/9…

Thượng tá Phan Huy Chung, Chính trị viên Ban CHQS huyện Như Thanh cho biết: Chúng tôi ưu tiên lực lượng giúp đỡ các địa phương đang thực hiện giãn cách như xã Phú Nhuận, Yên Thọ, thị trấn Bến Sung; đối với các địa phương còn lại, lực lượng dân quân cơ động được huy động giúp các gia đình chính sách, gia đình neo người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Quan điểm chung là các vùng có diện tích diện trũng thấp tổ chức gặt trước, vùng cao ít có nguy cơ ngập úng sẽ tổ chức gặt sau…

Vượt bão cứu ngư dân hai tàu cá

Trưa 11/9, nhận được thông tin tàu cá QNg 95058TS của ông Dương Văn Thạch (ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) từ nơi đánh bắt hải sản trên đường về tránh bão số 5 thì tàu bị hỏng máy cách đảo Lý Sơn 28 hải lý, trên tàu có 5 lao động.

Cảnh sát biển vượt hiểm nguy cứu 5 ngư dân trên tàu cá đang chìm.

Nhận được tin báo, BTL Vùng Cảnh sát biển (CSB) 2 đã chỉ đạo tàu CSB 8002 đang hoạt động trên biển, nhanh chóng cơ động tiếp cận vị trí cứu hộ, cứu nạn người và phương tiện. Sau hơn 6 giờ đồng hồ vượt sóng to gió lớn, vào lúc 18h15 cùng ngày, tàu CSB 8002 đã tiếp cận tàu bị nạn, lúc này tàu cá QNg 95058TS đã bị chìm, tính mạng của 5 thuyền viên bị đe dọa. Trong điều kiện thời tiết xấu, sóng to, gió lớn của bão số 5, cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 8002 đã dũng cảm tiếp cận, leo lên tàu cá cứu 5 thuyền viên. Tình trạng sức khỏe của 5 thuyền viên bình thường.

Khi đang neo tránh trú bão ở vùng biển thôn Đông An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tàu cá QNg 95058TS bị lưới quấn chân vịt không hoạt động được và trôi dạt cách đảo Lý Sơn khoảng 17 hải lý. Sau khi cứu nạn 5 thuyền viên của tàu cá QNg 95058TS, trên hành trình trở về, nhận được tin báo, tàu CSB 8002 tiếp tục xuyên bão tìm kiếm cứu hộ cứu nạn tàu kéo số hiệu ĐNa0494 gồm 13 thuyền viên do ông Nguyễn Dũng (SN 1964 cư trú ở quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) làm thuyền trưởng.

Mặc dù đêm tối, điều kiện mưa to, sóng gió lớn, nhưng tính mạng của ngư dân bị đe dọa nghiêm trọng, nên cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 8002 quyết tâm tìm kiếm, cứu nạn phương tiện và người bị nạn. Sau gần 6 giờ liên tục tìm kiếm và liên lạc với tàu bị nạn, đến 1h30 ngày 12/9, tàu CSB đã tiếp cận với tàu cá ĐNa0494 và 13 thuyền viên.

Tàu CSB 8002 nhanh chóng triển khai các biện pháp cứu nạn và tổ chức lai dắt tàu bị nạn về đất liền. Trưa hôm qua (12/9), tàu CSB 8002 đã đưa 5 thuyền viên của tàu cá QNg 95058TS và 13 thuyền viên cùng tàu cá ĐNa0494 về bờ an toàn.

17 giờ ngày 9/9, chị H’Niên (SN 1990, ở buôn Ia Prông, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) cùng con trai 6 tuổi đi làm rẫy về qua con suối Ia Prông (gần nhà) thì bị nước cuốn trôi. Lúc này, con trai của chị ở trên bờ đã hô hoán mọi người ứng cứu. Tuy nhiên thời điểm xảy ra vụ việc, suối Ia Prông có lưu lượng nước lớn, chảy xiết, thành lũ đột ngột do nước ở đầu nguồn đổ về nên việc cứu người trở thành vô vọng.

Sau khi xuyên đêm đi dọc dòng suối, lực lượng tìm kiếm gồm 20 cán bộ, chiến sĩ (5 bộ đội thường trực, 15 dân quân) thuộc Ban CHQS huyện Krông Pa và chính quyền địa phương, người dân đã phát hiện thi thể chị H’Niên tại điểm cách nơi bị cuốn trôi khoảng 5 km. Chị H’Niên có 3 con nhỏ, gia đình là hộ nghèo của xã. 

Lam Hạnh - Ngọc Diệp - Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội phát hiện thêm 1 ca mắc Covid-19 từ ổ dịch cũ

Trưa 13/9, Hà Nội ghi nhận 15 ca mắc Covid-19 trong đó 14 ca tại khu cách ly, 1 ca khu vực ổ dịch cũ; Phân bố theo quận, huyện: Thanh Xuân (6) , Đan Phượng (2), Hai Bà Trưng (2), Thanh Trì (2), Hoàng Mai (1), Ứng Hòa (1), Thường Tín (1).

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/quan-doi-cang-minh-chong-dich-chong-bao-d166120.html