Quân đội đóng vai trò then chốt trong phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá

10/01/2025 09:49

Kinhte&Xahoi Bài học rút ra từ kinh nghiệm của Quân đội Hoa Kỳ, Trung Quốc tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự cho thấy, quân đội các nước này đều chú trọng vấn đề hợp tác, liên kết đào tạo; qua đó, nền giáo dục các nước được tiếp cận những kinh nghiệm, nội dung, phương pháp giáo dục tiên tiến, hiện đại, trực tiếp góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; trong đó, Trung Quốc thực hiện tốt vấn đề này.

Quân đội hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp, góp phần phát triển nguồn nhân lực và nâng cao đời sống cộng đồng. Ảnh: Internet

Vì vậy, các cơ sở đào tạo trong Quân đội được giao nhiệm vụ tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước cần tăng cường hợp tác, liên kết đào tạo, phát triển nguồn nhân lực dân sự, nhất là việc hợp tác, liên kết đào tạo, phát triển nguồn nhân lực với các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế.

Qua hợp tác, các cơ sở đào tạo trong Quân đội có điều kiện nâng cao khả năng, năng lực thực hành của người học, sử dụng đội ngũ chuyên gia, có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu và tiếp nhận sự hỗ trợ về tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị đào tạo... góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực quân sự và dân sự.

Ở Việt Nam, công nghiệp hoá, hiện đại hoá được thực hiện bằng sự phát triển rút ngắn nhưng không bỏ qua những vấn đề có tính quy luật để giải quyết mối quan hệ giữa tuần tự và nhảy vọt trong quá trình phát triển. Để nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá, thì đào tạo, phát triển nguồn nhân lực theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, đó là: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, ưu tiên nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến căn bản, mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ người tài; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, ý chí phấn đấu vươn lên, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Cần giải quyết đúng mối quan hệ giữa đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành, lĩnh vực mũi nhọn, đặc biệt là đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý giỏi; đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ, văn hoá đầu đàn; đội ngũ doanh nhân và lao động lành nghề. Đồng thời, đẩy mạnh đào tạo nghề nghiệp theo nhu cầu phát triển của xã hội, chú trọng đào tạo nghề nghiệp cho nông dân và các đối tượng chính sách xã hội nhằm tạo sự phát triển nguồn nhân lực toàn diện đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Vì vậy, quân đội cần khai thác, sử dụng tiềm năng thế mạnh của mình, nhất là năng lực đào tạo hiện có, để tham gia đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước với các trình độ đào tạo khác nhau từ nguồn nhân lực trình độ  cao (đại học, thạc sĩ, tiến sĩ) đến đào tạo nghề nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước hiện nay.

nguonluc.com.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Học sinh cấp THCS Yên Bái thí điểm học 5 ngày/tuần

Từ học kỳ II, năm học 2024 - 2025, tỉnh Yên Bái triển khai thí điểm dạy học 5 ngày/tuần từ thứ Hai đến thứ Sáu (nghỉ ngày thứ Bảy và Chủ nhật) đối với học sinh cấp THCS trên địa bàn toàn tỉnh.

https://nguonluc.com.vn/quan-doi-dong-vai-tro-then-chot-trong-phat-trien-nguon-nhan-luc-phuc-vu-cong-nghiep-hoa-hien-dai-hoa-a18726.html