Ảnh minh họa
Tất cả 5 huyện ngoại thành của TP HCM đều sẽ phấn đấu từ nay đến năm 2030 lên TP.
Tại một số địa phương khác như Hải Phòng, ngày 25/8/2021, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng cũng ra quyết định thành lập BCĐ xây dựng đề án thành lập TP Thủy Nguyên.
Như vậy, có thể nói có một “trào lưu” học hỏi mô hình của TP Thủ Đức. Điểm khác là, TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở 3 quận, từ một văn bản cá biệt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Còn các trường hợp “đang nghiên cứu” trên, là huyện, thậm chí có những huyện còn nhiều xã thuần nông.
Căn cứ pháp lý các huyện này đưa ra, là địa phương đủ điều kiện lên TP khi đạt 5 tiêu chuẩn về quy mô dân số; diện tích tự nhiên; số đơn vị hành chính; được công nhận đô thị loại I, II hoặc III; cơ cấu, trình độ phát triển kinh tế - xã hội. Đối chiếu các quy định này, mô hình huyện lên TP dễ thực hiện hơn mô hình huyện lên quận.
Một nguyên nhân nữa khiến các huyện bỏ mục tiêu lên quận là quy định 100% đơn vị hành chính cấp xã phải đạt tiêu chuẩn phường, tức địa phương phải bỏ hẳn vùng nông thôn. Trong khi đó, tiêu chuẩn lên TP chỉ yêu cầu 65% xã lên phường.
Nói như vậy có đúng hay không? Nhiều ý kiến cho rằng quy định đó chỉ áp dụng với TP trực thuộc tỉnh, còn TP trực thuộc TP trực thuộc Trung ương thì chưa có các quy định pháp luật rõ ràng; không thể áp dụng các tiêu chí trên.
Trong lịch sử, sau khi sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của tỉnh Hà Tây (cũ) vào 1/8/2008, Hà Nội từng có có hai “TP trong TP” là Hà Đông và Sơn Tây. Tình trạng này duy trì đến 7/5/2009, cho tới khi Trung ương ra nghị quyết điều chỉnh lại, “hạ cấp” Hà Đông xuống quận và Sơn Tây xuống thị xã.
Khi Hiến pháp 2013 ra đời, trong “Chương IX: Chính quyền địa phương”, khoản 1 Điều 110 có quy định: "Tỉnh chia thành huyện, thị xã và TP thuộc tỉnh; TP trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và đơn vị hành chính tương đương"; tuy nhiên không đề cập rõ "đơn vị hành chính tương đương" là gì.
Cho đến ngày 9/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 1111/NQ-UBTVQH14 thành lập TP Thủ Đức thuộc TP HCM; trên cơ sở sáp nhập diện tích dân số quận 2, quận 9, quận Thủ Đức. Nên nhớ, Nghị quyết 1111 chỉ là một văn bản cá biệt.
Thực tế cũng cho thấy từ khi TP Thủ Đức được thành lập, sự thay đổi phát triển cũng chưa được như kỳ vọng, thậm chí có thể nói chưa thấy thay đổi gì nhiều ngoài việc địa giới rộng hơn. Bản thân Thủ Đức và TP HCM cũng từng mở nhiều hội nghị, hội thảo, đề xuất Trung ương bàn bạc cho những cơ chế mới để tăng thẩm quyền với cấp hành chính “TP trong TP”.
Khát vọng được phát triển của 5 huyện ngoại thành TP HCM hay huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) là đáng được tôn trọng. Nhưng điều cần thiết trước tiên, là Trung ương cần có những văn bản hướng dẫn cụ thể về đơn vị hành chính “TP trong TP”, để chấm dứt những tranh luận. Cần làm như vậy để có sự sàng lọc nhất định cho phù hợp với định hướng chủ trương của Đảng, Nhà nước, pháp luật. Và một điều nữa, TP thuộc TP hay quận không quan trọng; quan trọng hơn là để làm gì và đem đến lợi ích gì cho xã hội, cho người dân.
Minh Khang - Pháp luật Plus