Bài viết khẳng định rằng quan hệ hữu nghị và hợp tác trên nhiều lĩnh vực giữa hai nước sẽ bước sang một giai đoạn phát triển mới sau chuyến thăm Cairo của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Nhật báo Al-Messa của Ai Cập nhận định quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Ai Cập sẽ bước sang một giai đoạn phát triển mới. (Nguồn: Vietnam+)
Theo tác giả bài báo, chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang có ý nghĩa hết sức quan trọng, làm sâu sắc thêm mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, vốn được vun đắp trong 55 năm qua.
Chuyến thăm sẽ tạo nền tảng tốt cho sự hợp tác hiệu quả và thực chất giữa Việt Nam và Ai Cập trong nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, du lịch...
Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp hai nước gặp gỡ và trao đổi thông tin nhằm tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và du lịch.
Về triển vọng hợp tác song phương trong thời gian tới, bài viết dẫn lời ông Reda El Taify, cựu Đại sứ Ai Cập tại Việt Nam, cho rằng lãnh đạo hai nhà nước sẽ chứng kiến lễ ký các thỏa thuận hợp tác trong nhiều lĩnh vực. Hai nước sẽ đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa vào thị trường của nhau.
Về đầu tư, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể đến Ai Cập đầu tư vào các dự án hạ tầng, trong khi giới đầu tư Ai Cập có thể tìm kiếm các cơ hội kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Ai Cập và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về các giá trị lịch sử, văn hóa cũng như nền văn minh lâu đời. Cả hai nước đều là những điểm đến hấp dẫn đối với du khách quốc tế.
Quang cảnh một hội thảo kinh tế thương mại Việt Nam-Ai Cập. (Ảnh: Nguyễn Trường/Vietnam+)
Ai Cập mong muốn đón tiếp ngày càng nhiều khách du lịch Việt Nam đến trải nghiệm các giá trị văn hóa và lịch sử của quốc gia Bắc Phi này.
Tác giả Khaled bày tỏ hy vọng Việt Nam sớm mở đường bay trực tiếp giữa thủ đô Hà Nội và thủ đô Cairo để thúc đẩy hợp tác du lịch giữa hai nước.
Tác giả cũng đề xuất một số giải pháp nhằm thúc đẩy một cách hiệu quả hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực.
Thứ nhất, về hợp tác văn hóa và du lịch, hai bên cần tổ chức các chương trình quảng bá văn hóa, giao lưu văn hóa ở cả Ai Cập và Việt Nam để giới nghệ sỹ hai nước có dịp giao lưu, biểu diễn và giới thiệu các giá trị văn hóa đến công chúng mỗi nước.
Thứ hai, để thúc đẩy hoạt động thương mại song phương, Ai Cập và Việt Nam cần tổ chức nhiều chương trình triển lãm, hội chợ thương mại để quảng bá các sản phẩm và dịch vụ mà mỗi nước có thế mạnh, qua đó các doanh nghiệp hai bên có thể tiếp cận thông tin về thị trường và hàng hóa của nhau.
Theo TTXVN/hoanhap.vn