Quản lý, sử dụng biên chế: Linh hoạt để phù hợp thực tiễn

11/04/2022 09:02

Kinhte&Xahoi Đợt giám sát chuyên đề của Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội trong tháng 3-2022 về việc thực hiện tổ chức bộ máy và sử dụng biên chế hành chính, sự nghiệp, công tác sắp xếp bộ máy, biên chế công chức và hoạt động của UBND phường cho thấy các đơn vị đã chấp hành đúng quy định. Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng thực thi công việc, đạt hiệu quả vận hành cao nhất, nhiều ý kiến cho rằng, cần rà soát, cân đối lại số lượng biên chế và vận dụng linh hoạt, phù hợp thực tiễn.

Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội giám sát việc thực hiện tổ chức bộ máy và sử dụng biên chế hành chính, sự nghiệp, công tác sắp xếp bộ máy, biên chế công chức và hoạt động của UBND phường tại thị xã Sơn Tây. Ảnh: Hiền Chi

Thực hiện nghiêm quy định

Đoàn giám sát của Ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội đã tiến hành giám sát chuyên đề ở thị xã Sơn Tây, quận Nam Từ Liêm. Kết quả cho thấy, số biên chế trên thực tế đều thấp hơn số biên chế được giao. Tính đến ngày 28-2-2022, tại thị xã Sơn Tây, số biên chế được giao năm 2022 là 162 người, số đang làm việc là 148 người. Số biên chế công chức phường được giao là 135 người, số đang làm việc là 106 người. Còn tại quận Nam Từ Liêm, số biên chế được giao là 171 người, số thực làm việc là 166 người. Số biên chế công chức phường được giao là 150 người, số thực làm việc là 146 người. 

Việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị (từ ngày 1-7-2021) cũng được thị xã Sơn Tây, quận Nam Từ Liêm thực hiện nghiêm. Trong đó đã bổ nhiệm chủ tịch, phó chủ tịch và chuyển công chức cấp xã vào công chức thuộc biên chế công chức UBND thị xã, quận.

Theo Trưởng ban Tổ chức Thị ủy, Trưởng phòng Nội vụ thị xã Sơn Tây Đỗ Thị Lan Hương, sau thời gian triển khai thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại 9 phường cho thấy sự đồng thuận từ nhân dân, công chức các phường và cả hệ thống chính trị từ thị xã đến phường, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện. Những thay đổi về cơ chế quản lý, phương thức hoạt động và đội ngũ công chức UBND cấp phường đã mang lại hiệu quả bước đầu trong quản lý, điều hành, nhất là trong giải quyết thủ tục hành chính. “Năm 2021, kết quả đo lường sự hài lòng của tổ chức, công dân khi thực hiện thủ tục hành chính tại 9 phường đều đạt trên 98%”, bà Đỗ Thị Lan Hương thông tin.

Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Chí Đoàn nhận định, nhìn chung các đơn vị đã nghiêm túc thực hiện đúng các chỉ đạo về việc quản lý, sử dụng biên chế cũng như trong triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Tiêu biểu như thị xã Sơn Tây với đặc thù có cả phường và xã, khối lượng, tính chất công việc khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị phức tạp hơn so với các quận, đòi hỏi phải bố trí cán bộ, công chức phù hợp và đến nay đã đạt được những kết quả khả quan bước đầu.

Cán bộ bộ phận “một cửa” quận Nam Từ Liêm tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Nhật Nam

Cần rà soát, sắp xếp phù hợp

Theo Nghị quyết số 32/NQ-HĐND ngày 10-12-2021 của HĐND thành phố Hà Nội về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp thành phố Hà Nội năm 2022, tổng biên chế hành chính là 11.639 biên chế (10.560 công chức, 1.079 chỉ tiêu lao động hợp đồng). Tại Nghị định số 32/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ ban hành quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về “Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” quy định: “Biên chế công chức bình quân làm việc tại UBND phường là 15 người”. Hiện nhiều phường đã được bố trí đủ 15 công chức.

Từ thực tế triển khai công việc, Bí thư Đảng ủy phường Quang Trung (thị xã Sơn Tây) Hà Ngọc Quân cho biết, so với trước khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, phường có thêm 1 phó chủ tịch và thay vì tổng số có 12 công chức thì nay có 15 công chức, do đó, công việc được giải quyết nhanh hơn.

Tuy vậy, tại nhiều nơi cũng có 15 công chức, song lượng công việc đang quá tải. Theo Chủ tịch UBND phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm) Nguyễn Đắc Long, ở các phường đang trong quá trình đô thị hóa nhanh, các vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng, quy hoạch, vệ sinh môi trường đô thị dễ xảy ra nên nếu chỉ giao 15 công chức thì vẫn thiếu. “Phường Trung Văn có gần 40.200 dân, khối lượng công việc nhiều. Tôi mong muốn thành phố quan tâm, rà soát, tăng biên chế công chức cho quận, phường có mật độ dân cư đông để chính quyền cơ sở hoàn thành tốt nhiệm vụ”, ông Nguyễn Đắc Long nói. 

Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm) Trần Thị Ngọc Lan thông tin: “Phường Tây Mỗ có diện tích đất rộng nhất quận Nam Từ Liêm, dân số hiện khoảng 50.000 người, dự kiến từ nay đến cuối năm 2022 sẽ tăng lên trên 60.000 khi các khu chung cư bàn giao cho người mua. Với 15 cán bộ, công chức như hiện nay thực sự quá tải, chia trung bình mỗi người phục vụ hơn 3.000 dân. Để hoàn thành khối lượng công việc, bộ phận “một cửa” của UBND phường chịu áp lực quá lớn”. 

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quí Tiên cho biết, việc thực hiện đợt giám sát chuyên đề lần này vừa để lắng nghe thực tiễn triển khai tại các đơn vị, vừa đôn đốc các địa phương triển khai tốt hơn Nghị quyết của Quốc hội. Nhiều năm qua, thành phố Hà Nội luôn thực hiện tốt theo tổng biên chế Trung ương giao, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, có tình trạng có đơn vị thiếu và cũng có đơn vị dôi dư biên chế. Vì vậy, cần phải có sự rà soát để cân đối, điều chỉnh cho phù hợp thực tiễn.

Theo Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Duy Hoàng Dương, trong thời gian UBND thành phố, Sở Nội vụ nghiên cứu xem xét việc sắp xếp biên chế thì UBND quận, thị xã cần vận dụng linh hoạt trong công tác quản lý cán bộ, công chức (điều động, luân chuyển, biệt phái) để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Hiền Thu - Hà Nội mới 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM