Quốc hội thảo luận dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên

12/06/2019 09:24

Kinhte&Xahoi Ngày 11/6, Quốc hội thảo luận lần đầu tại hội trường về dự thảo Luật Lực lượng dự bị động viên (LLDBĐV).

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch.

Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu (ĐB) nhất trí về sự cần thiết phải ban hành dự thảo Luật. Các ĐB đánh giá cao công tác chuẩn bị của cơ quan soạn thảo như tổ chức hội thảo chuyên ngành; tổ chức lấy ý kiến của các đơn vị cơ sở đã từng thực hiện nhiệm vụ pháp lệnh; cung cấp tài liệu đầy đủ, nhanh chóng. 

Tỷ lệ dự phòng dự bị động viên cần bảo đảm tính chủ động

Liên quan đến quy định tại khoản 2, Điều 14 “Đơn vị dự bị động viên phải được duy trì đủ quân số, có số lượng dự phòng 10% đến 15%”, ĐB Dương Đình Thông (Bắc Giang) cho rằng, việc quy định như trên đã kế thừa quy định tại Điều 11, Pháp lệnh hiện hành vì thế là phù hợp. Theo ĐB, thực tế thực hiện Pháp lệnh cho thấy, quân nhân dự bị thường là lực lượng lao động chính trong các gia đình, có thể làm việc trong doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và các thành phần kinh tế khác, không thể lúc nào cũng có thể tham gia khi được huy động. Do vậy, việc quy định tỷ lệ dự phòng với đơn vị quân nhân dự bị trong dự thảo Luật sẽ giúp bảo đảm tính chủ động, kịp thời, gắn với nhiệm vụ khi có tình huống.

Đồng quan điểm, ĐB Phạm Thành Tâm (Hậu Giang) cho rằng, quy định tỷ lệ dự phòng dự vị động viên là 10 – 15% dự thảo Luật đã bảo đảm tính khả thi, thể hiện tính thống nhất, cơ động, phù hợp với từng vùng miền, qua đó kịp thời bổ sung số còn thiếu khi huy động vào các đơn vị quân nhân dự bị.  Theo ĐB, để bảo đảm tốt tỷ lệ dự phòng trong quá trình thực hiện thì cần chú ý thực hiện tốt công tác quản lý đăng ký tham gia quân nhân dự bị, nhất là quy định rõ hơn trách nhiệm, chỉ đạo hướng dẫn, triển khai thực hiện của UBND các cấp trong việc xây dựng, huy động lực lượng quân nhân dự bị động viên.

Trong khi đó, ĐB Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) cho rằng, cần xây dựng cơ chế phù hợp trong xây dựng và quản lý dự bị động viên. Theo ĐB, những quân nhân dự bị phần lớn là thanh niên xuất ngũ về địa phương, làm việc tại các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, nhất là doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân, khi huy động tham gia lực lượng dự bị động viên sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của những doanh nghiệp này, từ đó gây khó khăn tới việc phân công lao động của doanh nghiệp. 

Vậy nên, mỗi lần động viên, các công ty, doanh nghiệp không muốn “nhả” người vì ảnh hưởng đến sản xuất: “Tại Điều 44 Chương IV của dự thảo luật không thấy quy định cơ quan chức năng nào của Nhà nước đứng ra bảo vệ quyền lợi cho người lao động tại các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài khi tham gia vào lực lượng dự bị động viên”, ĐB Tuấn băn khoăn.

Phù hợp với thực tiễn 

Tiếp thu, giải trình làm rõ ý kiến của các ĐB, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch khẳng định, lực lượng dự bị động viên là một thành phần của quân đội, vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn của lực lượng này thống nhất với vị trí, vai trò, chức năng, quyền hạn của quân đội đã được quy định tại Điều 66 Hiến pháp năm 2013. Quân nhân dự bị và phương tiện kỹ thuật được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên phải có tỷ lệ dự phòng thích hợp, dự thảo luật xác định tỷ lệ dự phòng từ 10-15% là cần thiết để đảm bảo tính chủ động cho các địa phương khi huy động theo chỉ tiêu được giao. 

“Vì trong điều kiện kinh tế nhiều thành phần quân nhân dự bị cơ bản là lao động chính trong gia đình có thể làm việc trong các cơ quan, tổ chức, các loại hình doanh nghiệp, các thành phần kinh tế khác mà không thể có mặt trước khi huy động, quân nhân dự bị bị đau ốm, bệnh tật, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt hoặc tình huống bất khả kháng mà không thể thực hiện được lệnh huy động. Thực tiễn hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên cho thấy việc quy định tỷ lệ dự phòng đối với đơn vị dự bị động viên từ 10-15% là phù hợp”, Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch lý giải.

Cũng theo Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch, việc bảo đảm chế độ chính sách cho quân nhân dự bị và chủ phương tiện được huy động là nội dung quan trọng trong xây dựng huy động lực luợng dự bị động viên. Quân nhân dự bị được biên chế về các đơn vị dự bị động viên, được xây dựng huấn luyện, diễn tập và kiểm tra sẵn sàng chiến đấu từ thời bình để bổ sung cho quân đội khi cần thiết. 

Việc quy định chế độ, chính sách cho xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên tương xứng, phù hợp với tính chất hoạt động của lực lượng này là thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, quy định bổ sung chế độ, chính sách nhất là điều chỉnh phụ cấp của quân nhân dự bị theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ, bù đắp sức khỏe cho quân nhân dự bị, bảo đảm thu nhập cho lao động lực lượng dự bị động viên là cần thiết, chế độ chính sách cụ thể cho lực lượng dự bị động viên đề nghị giao cho Chính phủ quy định chi tiết. 

Theo Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM