Quyết tâm của Đảng trong chống 'chạy chức, chạy quyền': Quy định kịp thời, ý nghĩa lớn lao

08/10/2019 10:16

Kinhte&Xahoi Nhấn mạnh thời điểm ban hành, nhiều ý kiến cho rằng Quy định về việc kiểm soát quyền lực và chống “chạy chức, chạy quyền” vừa được Bộ Chính trị ban hành là rất kịp thời, đúng lúc, có ý nghĩa lớn lao.

TS. Nguyễn Viết Chức.

Rất được lòng dân

TS Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (QH) cho rằng Quy định 205 là rất mới và có ý nghĩa lớn lao trong thời điểm hiện nay vì năm nay là năm bản lề để hoàn thành nhiệm kỳ, còn năm tới là năm bắt đầu Đại hội Đảng các cấp chuẩn bị đại hội Đảng toàn quốc.

“Có thể nói đây là đầu tiên có một văn bản của Đảng chỉ rõ những kiểu hành vi sai trái trong “chạy chức, chạy quyền”, đồng thời đưa ra những giải pháp rất cụ thể để chống tệ nạn này”, ông Chức nói.

Theo ông Chức, muốn xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh thì phải có đội ngũ cán bộ trong sạch; và chuyện “chạy chức, chạy quyền” là không thể chấp nhận được, phải bị loại bỏ. Có như vậy mới có thể sáng suốt lựa chọn ra những cán bộ có đức, có tài để phục vụ cho cách mạng. 

Trong “chạy chức, chạy quyền”, không chỉ là người “chạy”, mà cả những người nhận “chạy” cũng hư hỏng. Việc đó nếu xảy ra là hư hỏng từ trên xuống dưới, hư hỏng có hệ thống, kéo theo hệ lụy là không thể xây dựng được Nhà nước pháp quyền. “Điều lệ Đảng đã ghi rất rõ ai xứng đáng vào cấp ủy nào thì Đại hội sẽ bầu ra người đó, vậy tại sao lại “chạy chức, chạy quyền”, ông Chức nêu vấn đề. 

Ông Chức cũng đánh giá cao việc Quy định 205 chỉ ra rất cụ thể những hiện tượng, sự việc như thế nào thì được xác định là “chạy chức, chạy quyền” đồng thời cũng chỉ ra rất rõ những biện pháp ngăn chặn. Ví dụ như trong chuyện quan hệ, rồi hậu duệ... đều đưa ra những  quy định rõ ràng để ngăn chặn... Đồng thời cũng đã ghi rất rõ nghiêm cấm hành vi để người khác, nhất là vợ, chồng, bố, mẹ, con đẻ, con nuôi, con dâu, con rể, anh chị em lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để thao túng, can thiệp công tác cán bộ. “Tất cả những quy định như vậy đều rất thực tế. Có thể nói đây là một quy định rất được lòng dân, nhân dân rất tán thành”, ông Chức chia sẻ. 
 
Thực kiên quyết sẽ thành công

Nhất trí với quan điểm Bộ Chính trị ban hành quy định này kịp thời, đúng lúc, đại biểu QH Phạm Văn Hòa, Phó trưởng đoàn Đại biểu QH tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao quy định đã nêu rõ các thành viên cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm cá nhân trong đề xuất nhân sự và nhận xét, đánh giá, xác nhận hồ sơ, lý lịch, các giấy tờ liên quan của nhân sự thuộc thẩm quyền phụ trách; chịu trách nhiệm khi để xảy ra tiêu cực, sai phạm trong công tác cán bộ. Bởi trên thực tế thời gian qua đã có hiện tượng cá nhân bị phát hiện có sai phạm nhưng trước đó luôn được nhận xét tốt, được đề bạt.

Đại biểu QH Phạm Văn Hòa.

“Có những trường hợp, cán bộ đó không được như vậy nhưng cấp trên khi nhận xét, đánh giá thì vì lý do nào đó vẫn đánh giá là cán bộ đó rất tốt. Cấp trên hơn tin tưởng vào lãnh đạo cơ quan đã nhận xét nên sẽ cơ cấu cán bộ đó vào vị trí. Việc này có thể dẫn đến tình trạng cán bộ đó khi đã được trao chức, trao quyền thì thể hiện quyền uy, thế lực, lợi ích nhóm...”, ông Hòa nói.

Theo ông Hòa, để thực hiện tốt Quy định, những cán bộ lãnh đạo phải thực sự nêu gương, phải gương mẫu đầu tàu không những tự bản thân mình mà còn phải giáo dục, uốn nắn cả gia đình để không được liên kết, câu kết với người khác làm sai lệch công tác cán bộ.

“Có thể có những người không tranh thủ được cán bộ thì tìm cách tranh thủ người thân, con em, vợ, chồng họ để được vào những vị trí nào đó. Tôi cho rằng thời gian qua đã có chuyện được gọi là “đi cửa sau” như vậy diễn ra. Họ không gặp trực tiếp nhưng lại gặp người thân cán bộ lãnh đạo, để người thân nhỏ to nói chuyện làm xiêu lòng”, ông Hòa phân tích.

Cho rằng việc thực hiện Quy định sẽ không dễ, nhưng ông Chức nhận định: “Chúng ta có thể làm được bằng cách là toàn Đảng, toàn dân phải cùng đồng lòng, đồng thuận, ai cũng góp sức mình chứ đừng ai đứng ngoài cuộc để phán xét.

Tất cả mọi người cùng phải vào cuộc, thực hiện từ việc lớn đến việc nhỏ, từ tuyên truyền, vận động để mọi người làm đúng các quy định; đến việc nếu phát hiện ra dấu hiệu sai phạm thì phải báo cho cơ quan thẩm quyền để cùng nhau ngăn chặn, giải quyết. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước từng nhấn mạnh là “ai không muốn làm thì đứng sang một bên để cho người khác làm”. Với thái độ, cách thức kiên quyết như thế, tôi tin rằng Đảng ta sẽ ngày càng trong sạch và vững mạnh hơn”.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM