Rất tai hại nếu để người tham nhũng làm bí thư, bộ trưởng

14/10/2019 11:45

Kinhte&Xahoi Kết quả ấn tượng và quan trọng nhất là Trung ương đã thảo luận, bổ sung và hoàn thiện toàn bộ các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

“Tôi mong muốn chọn được vào Trung ương những người xứng đáng nhất, được nhân dân tín nhiệm. Cần phải sàng lọc tốt, bởi nếu để những cá nhân quan liêu, tham nhũng vào những vị trí như bí thư tỉnh, thành ủy, bộ trưởng sẽ tai hại lắm”, ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương nói.

Ông Lê Quang Thưởng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương đánh giá: Hội nghị Trung ương lần thứ 11 đã hoàn thành chương trình làm việc sớm hơn kế hoạch một ngày, nhưng vẫn bảo đảm tốt các mục tiêu, nội dung, yêu cầu đặt ra.

Trong đó, kết quả ấn tượng và quan trọng nhất là Trung ương đã thảo luận, bổ sung và hoàn thiện toàn bộ các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Hai cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn.

Các dự thảo Văn kiện đến thời điểm hiện tại đều bảo đảm tiến trình, tiến độ, chất lượng tốt, bố cục phù hợp, khoa học; gợi mở được nhiều vấn đề mới, lớn, cốt lõi của công tác lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp cách mạng trong tình hình mới.

Đồng thời cho thấy tính bao quát, bao trùm cả về tầm nhìn, tư duy lãnh đạo, tính dự báo xuyên suốt trong giải quyết những vấn đề cụ thể đặt ra trên từng lĩnh vực: Xây dựng Đảng, kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, an ninh, quốc phòng, đối ngoại...

Có thể thấy, đây là kết quả xứng đáng từ sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Bộ Chính trị đối với các tiểu ban, trên cơ sở quán triệt kết luận của Hội nghị Trung ương 10 về việc xây dựng các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng.

Đây cũng là thành quả của trí tuệ, trách nhiệm, tâm huyết và sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị trước nhiệm vụ chính trị đặc biệt của Đảng và đất nước.

Không tự soi, tự sửa thì phải xử lý ngay

Đề cập việc thi hành kỷ luật 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói “thật đau xót, nhưng không thể không làm, không có cách nào khác”. Ông thấy sao về điều này?

Ông Lê Quang Thưởng.

Quả đúng như nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Việc kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, thậm chí kỷ luật cả Ủy viên Bộ Chính trị, nhiều Ủy viên Trung ương Đảng là việc không ai mong muốn. Người dân ở địa phương có cán bộ bị kỷ luật có lẽ cũng không mong muốn điều này. Nhưng phải thấy đây là kết quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đang thực hiện nghiêm túc; cho thấy việc xử lý cán bộ vi phạm không có vùng cấm, bất cứ trường hợp nào vi phạm kỷ luật đều bị xử lý nghiêm minh.

Việc xử lý cán bộ vi phạm một cách nghiêm minh, không có vùng cấm đã giúp giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân. Nhưng quả thực, đó cũng là một bài học đau xót cho chúng ta!

Trước bài học đắt giá, sâu sắc này, theo ông chúng ta cần chú ý triển khai những việc nào khi tiến hành chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp cũng như Đại hội khóa XIII sắp tới?

Trước những bài học đau xót này, trong thời gian tới cần chọn những người liêm chính, không bị nhân dân oán trách vì những chuyện cửa quyền, hách dịch, có dấu hiệu tham nhũng… Những cán bộ có dấu hiệu như vậy dứt khoát phải được đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ.

 Cảnh sát điều tra đến khám xét nhà cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son.

Điều đáng lưu ý là nền kinh tế nước ta vẫn đang sử dụng tiền mặt, khác với nhiều quốc gia châu Âu, giao dịch công hay tư đều qua tài khoản, chỉ một số khoản chi nhỏ mới dùng tiền mặt, giúp hạn chế tham nhũng, tiêu cực.

Do vậy, để góp phần  phòng chống tham nhũng có hiệu quả, yêu cầu căn bản ở nước ta và những nước chậm phát triển hiện nay là cần phải hạn chế dùng tiền mặt trong giao dịch, thanh toán. Tất nhiên, cần thực hiện giáo dục, tuyên truyền, vận động nhân dân phê phán, tố cáo các hành vi tham nhũng, cửa quyền để hạn chế hiện tượng này.

Cùng với đó, việc kiểm soát, quản lý cán bộ phải tốt hơn, thường xuyên theo dõi  việc làm cũng như các mối quan hệ của họ để sớm ngăn chặn được sai phạm. Nếu buông lỏng quản lý cán bộ sẽ không thể ngăn chặn được sai phạm trong quản lý. Những sự việc báo chí nêu như trường hợp công trình vi phạm ở Mã Pì Lèng, phải mất 2 năm mới có thể xây dựng xong.

Vậy các cơ quan chức năng ở huyện, tỉnh vì sao lại không phát hiện và ngăn chặn ngay từ đầu? Phải chăng chính quyền địa phương quan liêu, hoặc có “vấn đề” nào đó với chủ đầu tư nên mới cho phép xây dựng công trình chưa được cấp phép, ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực công viên địa chất toàn cầu? Đấy là biểu hiện của tệ quan liêu.

Sau khi xem xét các tờ trình của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã bầu bổ sung 4 Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, nhằm tăng cường hơn nữa sức mạnh của cơ quan kiểm tra của Đảng. Ông đánh giá như thế nào về việc này?

Số lượng Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương tăng lên hay giảm đi không quan trọng. Quan trọng là những cá nhân này có xứng đáng tham gia vào cơ quan này, có đủ năng lực, bản lĩnh để hoàn thành trọng trách được giao hay không.

Cá nhân ông kỳ vọng, mong muốn gì với các nhân sự trong nhiệm kỳ tới?

Cá nhân tôi cũng như nhiều cán bộ, đảng viên và nhân dân đều mong muốn chọn được vào Trung ương những người xứng đáng nhất, được nhân dân tín nhiệm. Cần phải sàng lọc thật tốt, bởi nếu để những cá nhân quan liêu, tham nhũng vào những vị trí như bí thư tỉnh, thành ủy, bộ trưởng sẽ tai hại lắm.

Tuy nhiên, cũng có tình trạng khi mới được bổ nhiệm chức vụ, những cá nhân này tích cực hoạt động, thậm chí còn được đánh giá tốt, song sau một thời gian mới bộc lộ, tha hóa. Do vậy, phải thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các bước trong quy trình cán bộ như nhận xét, đánh giá của cá nhân, cơ quan có trách nhiệm làm công tác cán bộ; lấy ý kiến của tập thể, nhân dân; tăng cường giáo dục; thực hiện phê bình và tự phê bình….

Đặc biệt là phải quản lý cán bộ thật tốt, có hệ thống theo dõi để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những hiện tượng tiêu cực phát sinh. Nếu cán bộ không chấn chỉnh, không tự soi, tự sửa thì cần tiến hành xử lý, kỷ luật ngay.

Cảm ơn ông.

 “Việc kỷ luật cán bộ vi phạm nghiêm minh, không có vùng cấm đã giúp giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, lấy lại và củng cố niềm tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân. Nhưng quả thực, đó cũng là một bài học đau xót cho chúng ta!”.

Ông Lê Quang Thưởng



 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vấn đề không chỉ đặt ra cho các kỳ họp Trung ương

Sau 6 ngày làm việc, ngày 12/10 Hội nghị Trung ương 11 (Khóa XII) đã bế mạc. Nhiều vấn đề quan trọng đã được quyết định. Tuy nhiên, nhiều vấn đề lớn được đặt ra, không chỉ cho những kỳ họp Trung ương, bên lề Đại hội XIII mà cả nhiệm kỳ tới và xa hơn.

Nguồn: Tiền Phong/ Pháp luật Plus