Sabeco (SAB) kinh doanh sụt giảm và chính sách nghiêm ngặt "nồng độ cồn"

24/11/2023 16:29

Kinhte&Xahoi Dưới tác động kép của đại dịch Covid-19 và việc việc thực thi chặt chẽ Nghị định 100/2019/NĐ-CP, kết quả kinh doanh của Sabeco hiện vẫn chưa thể trở về mức “đỉnh” của năm 2019.

Thăng trầm của Sabeco sau 6 năm về tay “ông chủ Thái”

Trên bản đồ của ngành ngành giải khát, đồ uống có cồn, riêng 4 “ông lớn” Heineken, Sabeco, Habeco, Carlsberg đã nộp thuế tới 49.595 tỷ đồng  (số liệu năm 2019), chiếm tới 80% trong tổng số 60.000 tỷ đồng nộp thuế của toàn ngành.

Theo số liệu của MBS, Sabeco là một trong những thương hiệu nổi bật – khi từng chiếm tới 33,9% thị phần ngành bia của Việt Nam trong năm 2021, bỏ xa một số “đối thủ” khác như Habeco (7,4%), Carlsberg (8,7%)… Sabeco cùng với Heineken là hai thương hiệu áp đảo thị phần những hãng còn lại (chiếm 78,3%).

Đáng chú ý, sự xuất hiện của “ông chủ Thái Lan” tại Sabeco kể từ cuối năm 2017 đã ảnh hướng rất nhiều đến tình hình kinh doanh của thương hiệu này trên thị trường.

Vào tháng 12/2017, Thai Beverage - công ty thuộc sở hữu của tỷ phú người Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi, thông qua công ty con là Vietnam Bevera Công ty TNHH Vietnam Beverage đã chi khoảng 104.000 tỷ đồng để sở hữu 53,59% cổ phần tại Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã HoSE: SAB).

Doanh thu từ hoạt động kinh doanh của Sabeco tăng đều trong giai đoạn 2017 -2019. Kết quả kinh doanh của SAB đạt đỉnh cao vào năm 2019, khi doanh thu lên đến gần 38.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 5.370 tỷ đồng.

Trước năm 2019, Việt Nam từng lọt vào top 1 về tiêu thụ bia tại Đông Nam Á và thậm chí là Top 10 trên toàn thế giới.

Dù vậy, do tác động kép của đại dịch Covid-19 và ảnh hưởng của một số cơ chế chính sách, đặc biệt là việc việc thực thi chặt chẽ Nghị định 100/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực, trong đó có quy định nồng độ cồn khi tham gia giao thông, khiến cho nhiều thương hiệu lớn ở Việt Nam ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm trong giai đoạn này - và Sabeco cũng không phải là ngoại lệ.

Sau hai năm sụt giảm mạnh (2020 - 2021), doanh thu của Sabeco vẫn chưa trở lại mức đỉnh từng đạt được.

Cụ thể, doanh thu của SAB trong 2 năm 2020 – 2021 sụt giảm mạnh, lần lượt xuống còn 27.961 tỷ đồng và 26.374 tỷ đồng, so với mức đỉnh gần 38.000 tỷ đồng của năm 2019.

Đến năm 2022, khi đại dịch Covid-19 được đẩy lùi, doanh thu Sabeco cũng chỉ trở lại gần mức trước dịch Covid-19 là gần 35.000 tỷ đồng.

Bước sang năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm, chịu tác động từ nhiều lĩnh vực suy giảm từ bất động sản, xuất nhập khẩu thuỷ sản, dệt may… đến nhiều ngành phụ trợ đã ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, khiến cho việc tiêu thụ các mặt hàng các mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu như điện thoại, trang sức, ô tô…. và đồ uống có cồn cũng chậm lại.

Ngoài ra, cũng phải kể đến yếu tố đó là Nghị định 100/2019/NĐ-CP tiếp tục được thực hiện chặt chẽ trên cả nước.

Dù vậy, Ban lãnh đạo Sabeco vẫn đặt ra một mục tiêu được coi là đầy “tham vọng”, với doanh thu thuần 40.272 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế dự kiến 5.775 tỷ đồng trong năm 2023. Vậy trải qua 9 tháng của năm nay, doanh nghiệp này đã thực hiện mục tiêu đó ra sao?

Theo Báo cáo tài chính quý 3/2023, Sabeco ghi nhận doanh thu 7.504 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.074 tỷ đồng, lần lượt giảm 14% và 23% so với cùng kỳ.

Còn tính lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, doanh thu của Sabeco đạt 22.125 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi lợi nhuận sau thuế cũng chỉ đạt 3.170 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu từ bia tiếp tục chiếm phần lớn tỷ trọng trong cơ cấu doanh thu, đạt 19.582 tỷ đồng (cùng kỳ là 22.129 tỷ đồng), doanh thu bán nguyên vật liệu 2.269 tỷ đồng, doanh thu bán rượu và cồn chỉ 36 tỷ đồng, doanh thu khác là 149 tỷ đồng....

Thuyết minh báo cáo tài chính cũng cho thấy, tính đến cuối tháng 9/2023, Sabeco đang có hơn 22.300 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng lấy lãi (các khoản tiền gửi có các kỳ hạn khác nhau).

Trong kỳ, lãi từ các khoản này lên tới 1.052 tỷ đồng tăng 50% so với thời điểm 9 tháng đầu năm năm ngoái. Nếu so sánh với lợi nhuận sau thuế của Sabeco, tiền gửi lãi ngân hàng đóng góp gần 1/3 lợi nhuận sau thuế của Công ty trong 9 tháng.

Như vậy, kết thúc 9 tháng, Sabeco mới hoàn thành được 55% kế hoạch về doanh thu và hơn 54% kế hoạch về lợi nhuận (mục tiêu doanh thu thuần 40.272 tỷ đồng - lợi nhuận sau thuế 5.775 tỷ đồng).

Giải thích nguyên nhân doanh thu và lợi nhuận sụt giảm mạnh, Sabeco cho biết do sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nhu cầu tiêu dùng thấp hơn và việc thực hiện chặt chẽ Nghị định 100 trong suốt quý đầu năm, cùng với ảnh hưởng chi phí đầu vào, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp cao hơn.

Trước đó, Sabeco còn cho biết lợi nhuận sau thuế quý I và quý II/2023 giảm lần lượt 19% và 27% so với cùng kỳ.

Với kết quả kinh doanh cả 3 quý đều sụt giảm so với năm trước, rất có thể Sabeco sẽ khó đạt được mục tiêu về cả doanh thu lẫn lợi nhuận năm 2023 đầy tham vọng từng được đề ra trước đó.

Sabeco kinh doanh thế nào trước các đối thủ như Heineken, Habeco…

Đã gần 6 năm kể từ thời điểm Sabeco từ chỗ một doanh nghiệp Nhà nước trở thành công ty con của Thai Beverage - ông lớn ngành nước giải khát Thái.

Thời điểm ThaiBev bước chân vào thị trường bia Việt, cổ phiếu SAB từng lập kỷ lục ở vùng giá đỉnh hơn 300.000 đồng/cổ phiếu – thời điểm cuối tháng 11/2017 (thậm chí, có lúc đỉnh điểm lên đến 332.300 đồng/cổ phiếu vào ngày 4/12/2017), lúc này Sabeco nắm giữ khoảng 41% thị phần ngành bia (Theo số liệu của Euromonitor), bỏ xa Heineken và Habeco.

Cổ phiếu SAB từng đạt đỉnh vào giai đoạn 2017 - 2018, nhưng lao dốc kể từ năm 2019 đến nay.

Nhưng sau 6 năm trôi qua, cổ phiếu SAB đã rơi về vùng giá thấp hơn nhiều, chỉ loanh quanh ngưỡng 150.000 – 170.000 đồng/cổ phiếu trong năm 2023 (hiện tại chỉ còn 63.500 đồng/cổ phiếu sau thời điểm niêm yết bổ sun 641 triệu cổ phiếu).

Quan sát diễn biến cổ phiếu SAB, dễ thấy kể từ sự đi xuống của mã cổ phiếu này chủ yếu đến từ năm 2020 (liên quan đến dịch Covid-19), đến nay SAB chưa một lần trở lại mốc đỉnh cao, bất chấp kết quả kinh doanh của năm 2022 đã gần trở lại mức trước đại dịch.

Cũng trong quãng thời gian 2020 – 2021, tức là trong hai năm đầu đại dịch, Heineken đã tận dụng thời cơ để vượt qua Sabeco trở thành thương hiệu bia nắm thị phần số 1 Việt Nam với 44,4%, trong khi bản thân Sabeco chỉ còn chiếm 33,9% - theo số liệu của MBS.

Tất nhiên cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và sự thực thi chặt chẽ của Nghị định 100, doanh thu 2020 của Heineken Trading bất ngờ tăng nhẹ lên mức hơn 55.700 tỷ đồng.

Không chỉ vượt trội so với Sabeco về doanh thu, lợi nhuận ròng của Heineken cũng bỏ xa đối thủ. Năm 2020, Heineken Việt Nam lãi ròng 8.868 tỷ đồng.

Có thể nói, Heineken Việt Nam đang tận dụng rất tốt cơ hội trong những năm qua để từng bước vươn lên và vượt qua chính Sabeco trong cuộc đua cả về thị phần, doanh thu và lợi nhuận.

Thị phần ngành bia tại Việt Nam năm 2021 (Nguồn số liệu: MBS)

Một thương hiệu khác cũng chiếm một thị phần không nhỏ tại Việt Nam, đó là CTCP Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội (Habeco, Mã HoSE: BHN).

Theo số liệu của MBS, vào năm 2021, Habeco có thị phần ngành bia tại Việt Nam đứng thứ tư – 7,4%, tất nhiên là còn kém xa hai ông lớn Sabeco và Heineken. Tại Habeco, Bộ Công Thương đang nắm giữ tỷ lệ sở hữu khoảng 81%, Hãng bia Carlsberg Breweries chiếm hơn 17,5%.

Về thị phần, Habeco chủ yếu có thế mạnh phía Bắc, chính vì thế doanh thu không có đột biến.

Sau năm 2016, Habeco đạt đỉnh với doanh thu lên đến 10.032 tỷ đồng và giảm dần xuống mức 9.405 tỷ đồng vào năm 2019. kết quả kinh doanh của doanh nghiệp liên tục đi xuống.

Trong giai đoạn 2020 – 2021, con số này tiếp tục sụt giảm, còn lần lượt 7.514 tỷ đồng và 7.053 tỷ đồng trước diễn biến của đại dịch Covid-19. Để đảm bảo mục tiêu lợi nhuận, Habeco đã triển khai nhiều giải pháp để cắt giảm chi phí, duy trì ở mức tối thiểu các chính sách bán hàng, từ đó giảm đáng kể sức cạnh tranh với những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài linh hoạt trong thực hiện các mục tiêu kinh doanh và liên tục tăng cường hoạt động quảng cáo.

Trong 9 tháng của năm 2023, doanh thu thuần của Habeco giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn 5.510 tỷ đồng; trong khi lợi nhuận sau thuế cũng giảm 38,5% xuống còn 291 tỷ đồng.

PHS cho rằng quá sớm để nói về sự phục hồi, SSI dự đoán phục hồi vào nửa cuối năm 2024

Theo CTCP Chứng khoán Phú Hưng (PHS), kết quả kinh doanh thực tế của Sabeco thực tế thấp hơn kùy vọng. PHS cho rằng, điều này là do mức tiêu thụ chung yếu ớt của thị trường chung dẫn đến giảm sản lượng bia bán ra.

Cùng với đó, biên lợi nhuận gộp (GPM) của quý 3/2023 của Sabeco đạt 30,1%, giảm so với cùng kỳ. Giá nguyên vật liệu đầu vào và chi phí đóng gói tăng cao do giá chốt đầu năm đã bào mòn biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Thị phần ngành bia tại Việt Nam năm 2021 (Nguồn số liệu: MBS)

Công ty đã chốt giá nguyên vật liệu đến hết 2023 và chi phí đóng gói đến hết quý 3 năm nay. Mặc dù chi phí đầu vào của năm sau được kỳ vọng sẽ thấp hơn, PHS dự báo biên lợi nhuận gộp sẽ giữ nguyên ở mức hiện tại do tình hình kinh tế khó khăn sẽ cản trở công ty trong việc nâng giá bán (Trước đó, Sabeco đã nâng giá bán vào tháng 4 năm nay, PHS ước lượng khoảng 5%).

Do đó, PHS nhận định, sự phục hồi chỉ có thể đến vào năm sau hoặc tệ hơn là đầu năm 2025.

Trong khi đó, Chứng khoán SSI thì lại đưa ra dự đoán phục hồi của Sabeco vào nửa cuối năm 2024. SSI cũng nhấn mạnh, sự phục hồi mạnh của Sabeco đã không diễn ra như ban lãnh đạo kỳ vọng, trong khi Nghị định 100 vẫn tiếp tục hạn chế mức tiêu thụ bia.

Theo SSI, Công ty được hưởng lợi từ xu hướng chuyển từ sản phẩm cao cấp xuống sản phẩm phổ thông. Thương hiệu bia Sài Gòn của công ty vẫn là thương hiệu đứng đầu trong phân khúc phổ thông, trong khi các đối thủ như Heineken hay Carlsberg chỉ chiếm thị phần nhỏ.

“Tuy vậy, ban lãnh đạo dự kiến sản lượng sẽ tăng trở lại khi nền kinh tế trong nước phục hồi, dự kiến muộn nhất là vào nửa cuối năm 2024”, SSI thông tin.

Cho cả năm 2023, SSI điều chỉnh giảm dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng xuống lần lượt là 30,5 nghìn tỷ đồng (giảm 13%) và 4,4 nghìn tỷ đồng (giảm 21%), thấp hơn lần lượt 8% và 10% so với ước tính trước đây, do SSI điều chỉnh giảm ước tính về sản lượng (do mức tiêu thụ bia yếu).

Cho năm 2024, SSI dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng sẽ lần lượt đạt 32,5 nghìn tỷ đồng và 5 nghìn tỷ đồng, thấp hơn 10% và 12% so với ước tính trước đây. SSI cũng đưa ra giả định doanh thu sẽ phục hồi nhẹ trong năm 2024, đặc biệt vào nửa cuối năm 2024 và các hoạt động quảng cáo khuyễn mãi sẽ được thắt chặt hơn so với năm 2023.

Lê Hải - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

“Gồng mình” cho con học trường quốc tế

“Du học” hay “trường quốc tế” đã trở thành giấc mơ của nhiều phụ huynh Việt Nam. Có những gia đình đầu tư cho con học môi trường song ngữ từ nhỏ, du học từ năm cấp II, cấp III...

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/thuong-truong/sabeco-sab-kinh-doanh-sut-giam-va-chinh-sach-nghiem-ngat-nong-do-con-d201233.html