Đội Cảnh sát giao thông, trật tự của Công an huyện Đức Phổ tặng chiếc xe máy mới cho anh Vĩnh (Ảnh: Công an Đức Phổ).
Một người đàn ông đi xe máy không có bằng lái, chiếc xe không rõ nguồn gốc bị Cảnh sát giao thông tịch thu phương tiện.
Chiếc xe là phương tiện mưu sinh duy nhất của người đàn ông phải nuôi 2 đứa con tàn tật. Biết điều này, các cán bộ, chiến sỹ của Đội đã góp tiền mua tặng người vi phạm một chiếc xe máy mới, dưới 50 phân khối (không yêu cầu bằng lái). Hành động đó không chỉ làm đẹp thêm hình ảnh của đội ngũ Cảnh sát giao thông trong mắt người dân mà còn làm sáng lên sự sẻ chia với những con người yếu thế trong xã hội.
Đang mùa dịch và những người khổ nhất có lẽ vẫn là tầng lớp nghèo, ăn bữa nay lo bữa mai, vì dịch mà không thể đi làm mưu sinh. Thấu hiểu điều này, ở nhiều nơi, người dân tự giác giúp gạo và thực phẩm cho họ, không chỉ một lần mà đều đặn hàng ngày. Đã trở thành một phong trào mang tính thiện nguyện của cả cộng đồng lớn nhỏ trên khắp các địa phương cả nước là việc "giải cứu" nông sản trong mùa dịch. Trước đây là rau củ, hoa quả Hải Dương và hiện tại là khoai lang, hành tím, tỏi... của nhiều nơi. Điển hình nhất là vải thiều Bắc Giang, nơi đang chống chọi quyết liệt nhất với dịch giã thì tới nay đã có 100.000 tấn vải đã được tiêu thụ bằng nhiều cách khác nhau nhờ sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân hay doanh nghiệp.
Có những việc làm nhỏ nhoi nhưng ý nghĩa lớn, ấm áp tình người. Đó là nồi bánh tét trong ngày Tết Đoan ngọ trước một con hẻm bị phong tỏa ở quận Gò Vấp, TP HCM. Một người phụ nữ gói bánh, tổ dân phòng trực chốt luộc bánh ngay đầu hẻm, cung cấp cho bà con trong hẻm. Một cậu bé 15 tuổi ở Hà Tĩnh mang tặng chốt phòng chống dịch một bó rau xanh của vườn nhà và 50.000 đồng tiền cậu ta bắt cua bán được trong buổi sáng. Những việc như thế có nhiều, rất nhiều trong cộng đồng "Thương người như thể thương thân" của chúng ta.
Việc ủng hộ, động viên những người áo trắng trên tuyến đầu chống dịch hoặc những người dân vùng dịch đã trở thành công việc thường trực và thường nhật của các tổ chức và cá nhân. Từ những "cửa hàng 0 đồng" đến "thực phẩm miễn phí", các đợt quyên góp được mở ra hoặc từ những người "hằng sản, hằng tâm" tự nguyện nấu ăn cho người nghèo, mang đến chốt cho những người chống dịch. Đặc biệt, các cơ quan báo chí, truyền thông không chỉ ủng hộ, động viên bằng tin tức, sự kiện mà còn huy động tiền của, vật dụng cho vùng dịch, tổ chức những hình thức kêu gọi thiện nguyện.
Hai chữ "đồng bào" với nghĩa tình sâu đậm lại sáng lên trong mùa dịch, giúp chúng ta chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn, thử thách dù thiên tai hay địch họa!
Phaly - Pháp luật Plus