Sạt lở ngày càng nghiêm trọng

30/10/2020 15:20

Kinhte&Xahoi Sau cơn bão số 9 đã xảy ra các vụ sạt lở đất nghiêm trọng tại Nam Trà My và Phước Sơn (Quảng Nam) khiến hơn 70 người gặp nạn. Đến cuối ngày hôm qua, vẫn còn hàng chục ngừoi mất tích. Không có nỗi đau nào bằng mất mát về nhân mạng.

Hiện trường một vụ sạt lở ở Quảng Nam.

Kìm nén những mất mát quá lớn, có lẽ đã đến lúc không thể không đặt ra câu hỏi: Tại sao sạt lở đất nghiêm trọng, nhất là trong mùa mưa bão năm nay? Trước đó là sạt lở ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị cũng đã gây ra những mất mát quá lớn.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan do biến đổi khí hậu, lượng mưa quá lớn, đặc thù địa hình… thì cũng phải kể đến tình trạng rừng đầu nguồn bị chặt phá, khai thác khoáng sản lâm sản không theo quy hoạch, nhiều hầm mỏ được đào bới lung tung đã gây tác động tiêu cực đến môi trường...

Trước đây, sạt lở đất xảy ra ít hơn. Những can thiệp xây dựng không theo quy định đã làm thay đổi dòng chảy, độ ẩm, sự tích nước của đất, dẫn đến sạt lở.

Yếu tố dân sinh (khai thác, phá rừng, đào đường) làm mất đi sự cân bằng, ổn định của đất. Như vậy, nguyên nhân gây sạt trượt chủ yếu là sự thay đổi môi trường, sự can thiệp của con người vào tự nhiên.

Nhiều nhà khoa học cho rằng, để có giải pháp phòng chống hiệu quả, cần cái nhìn tổng quan ở tầm vĩ mô, có các công cụ hữu hiệu để quản lý, như xây dựng cơ sở dữ liệu vùng nguy cơ; xây dựng hệ thống quan trắc tại các địa phương; lập bản đồ cơ bản như nhận dạng trượt đất, đánh giá khu vực nhạy cảm, đánh giá rủi ro các điểm từng trượt lở, khu vực ảnh hưởng khi trượt đất.

Giải pháp đối phó khi có sạt lở đất là thiết lập hệ thống thông tin công cộng để dự báo và cảnh báo cho cộng đồng, lập hệ thống giám sát khu vực, có kế hoạch sơ tán dựa trên bản đồ tích hợp, thiết lập hệ thống cảnh báo sớm...

Nhiều nước trên thế giới có chương trình quản lý sạt trượt rất tốt, bố trí các điểm dân cư tránh vùng nguy hiểm. Các điểm dân cư trong vùng nguy hiểm được củng cố, gia cường.

Về giải pháp công nghệ, các nhà khoa học Việt Nam đều biết cả, nhưng mình không đủ tiềm lực kinh tế và kỹ thuật để áp dụng.

Lắp đặt là một chuyện, quản lý hệ thống phân tích cảnh báo là chuyện khác, phải đào tạo cả hệ thống quản lý các trạm quan trắc.

Như vậy là “cái khó đang bó cái khôn”. Bên cạnh cũng cần trang bị kỹ năng phòng chống thiên tai đầy đủ cho người dân để giảm thiểu rủi ro.

Việt Nam chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của bão, lượng mưa trung bình năm cao, địa hình chủ yếu là vùng núi, hoạt động kiến tạo cổ tạo ra các đứt gãy có quy luật theo hướng Tây Bắc - Đông Nam.

Hoạt động sụt trượt đất đá trên các tuyến đường thuộc mức trung bình cao so với thế giới. Do vậy, con người phải học cách sống tôn trọng sự cân bằng của tự nhiên.

 Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/sat-lo-ngay-cang-nghiem-trong-d139316.html