Sau đề xuất lấp hồ Thành Công, Ecopark muốn ‘xoá sổ’ chợ xây chung cư

03/07/2020 15:56

Kinhte&Xahoi Ecopark đề xuất sử dụng khu vực chợ Thành Công để khởi động dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Thành Công (Ba Đình, Hà Nội), việc sử dụng khu vực chợ sẽ có ngay khoảng 3.000m2 mà không phải tổ chức tạm cư.

Thông tin từ thành viên Hội đồng quy hoạch kiến trúc TP Hà Nôi cho biết, Hà Nội vừa giới thiệu về đề xuất ý tưởng cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Thành Công của Công ty CP Tập đoàn Ecopark.

Theo đề xuất của Ecopark, vị trí khu vực nghiên cứu dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập tập thể Thành Công có quy mô diện tích 23ha, trong đó gồm 72 chung cư và 1,2ha nhà liền kề xen kẽ với chung cư không rõ về pháp lý.

Tập đoàn Ecopark đề xuất ý tưởng cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Thành Công.

Ecopark cho biết, hiện trạng khu vực nghiên cứu có nhiều nhà phố có điều kiện pháp lý không rõ ràng xen lẫn trong khu vực tập thể khiến cho việc tập trung đất đai để triển khai xây dựng mới trở nên khó khăn.

Về phương án thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Thành Công, Ecopark đề xuất sử dụng khu vực chợ Thành Công để khởi động dự án vì khu vực này có nhiều thuận lợi. Việc sử dụng khu vực chợ sẽ có ngay khoảng 3.000m2 để khởi động dự án mà không phải tổ chức tạm cư, khu vực hồ Thành Công sẽ không bị ảnh hưởng khi thực hiện dự án.

Tuy nhiên theo ý kiến của vị chuyên gia Hội đồng quy hoạch kiến trúc thành phố đề xuất trên của Ecopark không được nhiều ý kiến tán thành.

“Trong cải tạo các khu chung cư cũ một trong những nguyên tắc là không tăng dân số, chỉ có nâng lên chứ không thể làm giảm đi các hạ tầng xã hội trường học, nhà trẻ, cây xanh, chợ…Trước đó cấu trúc của khu vực là một nhóm ở hoàn chỉnh. Mặc dù bây giờ có nhiều hình thức bán hàng thương mại điện tử, online… nhưng cái đó cũng không thay thế được chợ truyền thống. Nên gìn giữ yếu tố chợ truyền thống tiến đến nâng cấp chất lượng, bảo vệ môi trường chứ không nên xoá bỏ đi” – vị chuyên gia nêu ý kiến.

Cũng theo vị này, nếu chuyển chợ vào các trung tâm thương mại cũng không hợp lý vì đó là chợ truyền thống yếu tố tiếp cận của người dân Hà Nội đã có từ lâu đời. Lấy ví dụ từ chợ Hàng Da, chợ Cửa Nam hay chợ Bưởi…thời gian qua cải tạo nhưng vẫn phải giữ yếu tố truyền thống chuyên gia cho rằng bài học ở đây là giữ gìn bản sắc văn hoá vì vậy nên gìn giữ chợ Thành Công bởi đây là một trong những chợ có uy tín truyền thống.

“Khu Thành Công là khu mang dấu ấn của thời kỳ đầu sau cách mạng có những đổi mới nhưng vẫn gần gũi với người dân trở thành thương hiệu của khu vực. Việc cải tạo, xây dựng ở đây nhưng vẫn phải giữ bản sắc, giữ hạ tầng cốt lõi của khu vực vốn là một đơn vị ở hoàn chỉnh chứ không thể thay thế vào một cái khác hạ tầng xã hội được. Trong các lần cải tạo trước đều giữ nguyên chợ này, tăng cây xanh chứ không được làm giảm đi” – vị chuyên gia thành viên Hội đồng quy hoạch kiến trúc thành phố nhấn mạnh.

"Trong cải tạo các khu chung cư cũ một trong những nguyên tắc là không tăng dân số, chỉ có nâng lên chứ không thể làm giảm đi các hạ tầng xã hội trường học, nhà trẻ, cây xanh, chợ…"

Trước đó, Công ty Cổ phần Ðầu tư phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) nay đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Ecopark từng 2 lần đề xuất Hà Nội cho phép điều chỉnh không gian mặt nước hồ Thành Công để cải tạo khu tập thể cũ Thành Công.

Vào năm 2017, tại hội thảo cải tạo chung cư cũ, lãnh đạo công ty đã đưa ra đề xuất nâng tầng chung cư và lấy 1ha diện tích hồ Thành Công phục vụ tái định cư tại chỗ. Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía lãnh đạo TP cũng như người dân, chuyên gia…

Đến cuối năm 2019, dư luận lại xôn xao trước đề xuất “lấp hồ” Thành Công. Theo đó, phương án công ty đề xuất lần này chủ yếu triển khai bằng nguồn lực của chủ đầu tư; 100% cư dân được tái định cư tại chỗ; chiều cao tối đa của công trình 35 tầng. Điểm đáng lưu ý của phương án này là nhà đầu tư đề xuất mở rộng diện tích công viên và hồ về phía trung tâm khu đô thị và “bù lại” cũng đề xuất cắt giảm hơn 4.267m2 mặt hồ phía đối diện để làm khu nhà tái định cư chất lượng cao.

Phương án “lấp hồ” Thành Công tiếp tục gặp phải nhiều phản đối gay gắt từ người dân và các chuyên gia. ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QHKT Hà Nội nêu rõ quan điểm không đồng tình và cho rằng đây là phương án không hợp lý.

“Cái chính đưa ra phương án lấp hồ để lấy phần đất vàng, đất kim cương làm chung cư thì không hợp lý. Như vậy thì không nên” – ông Nghiêm nêu ý kiến.

Cũng theo ông Nghiêm, trong việc thực hiện cải tạo chung cư cũ việc nâng tầng phải tuân thủ theo quy hoạch thủ đô.

Được biết, những ý tưởng lập quy hoạch cải tạo xây mới chung cư cũ tại Hà Nội đều được Hội đồng thẩm định đánh giá rất kỹ trước khi trình UBND TP xem xét quyết định làm cơ sở để nhà đầu tư tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án Quy hoạch chi tiết 1/500, quá trình lập Nhiệm vụ và đồ án quy hoạch cần phải lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng dân cư, các cơ quan tổ chức có liên quan trước khi phê duyệt theo đúng quy trình quy định.

Decotech ‘vỡ’ tiến độ cải tạo khu Nam Thành Công

Đầu năm 2020, UBND TP Hà Nội có thông báo chấm dứt nhiệm vụ nghiên cứu lập quy hoạch đối với Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển công nghệ cao (Decotech) tại khu tập thể Nam Thành Công (quận Đống Đa).

Theo đó, việc chấm dứt nhiệm vụ nghiên cứu lập ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng lại khu tập thể Nam Thành Công đối với Decotech là do đơn vị này thực hiện chậm tiến độ theo yêu cầu của UBND thành phố và quá thời hạn nhà đầu tư cam kết.

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã giao Decotech nộp hồ sơ ý tưởng quy hoạch trước ngày 31/12/2019. Tuy nhiên, đơn vị này không đáp ứng được thời hạn.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Hùng giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng, UBND quận Đống Đa tiếp tục kêu gọi, tìm nhà đầu tư khác có nhu cầu tham gia lập ý tưởng quy hoạch, xây dựng lại khu tập thể này và đề xuất UBND thành phố.

Được biết, hiện Hà Nội có khoảng 1.155 nhà chung cư cũ cao từ 3 - 5 tầng và 10 khu thấp tầng. UBND thành phố Hà Nội đã giao gần 20 nhà đầu tư triển khai lập ý tưởng quy hoạch cải tạo, xây dựng lại 30 khu chung cư cũ.

Ngoài khu tập thể Nguyễn Công Trứ đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết và giao chủ đầu tư xây dựng; Khu tập thể 3 tầng phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông) đã được chấp thuận tổng mặt bằng và phương án kiến trúc. Đối với 22 khu còn lại có 9 khu chung cư cũ đã báo cáo UBND thành phố lần 2, 8 khu đã báo cáo lần 1. Còn lại 5 khu chưa nộp phương án.

Nhìn vào thực tế trong suốt 10 năm qua, việc cải tạo chung cư cũ trên cả nước gần như “dậm chân tại chỗ”.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có hơn 2.500 nhà chung cư cũ, tương đương khoảng hơn 3 triệu m2 sàn được xây dựng từ trước năm 1994. Trong số này có hơn 600 nhà chung cư, tương đương khoảng 25% thuộc diện hư hỏng, nguy hiểm (phân loại cấp C,D). Thế nhưng, 10 năm qua số nhà chung cư đã được cải tạo sửa chữa vẫn chưa chạm mốc 20 (dưới 3%).

 Việt Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chung tay cùng công nhân vượt khó

Trong bối cảnh nền kinh tế nói chung, cộng đồng doanh nghiệp và công nhân cả nước nói riêng gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, mô hình “Siêu thị giá 0 đồng” đã được tổ chức Công đoàn triển khai tại Khu công nghiệp Thăng Long (xã Kim Chung, huyện Đông Anh). Hoạt động này góp phần chung tay hỗ trợ công nhân vượt khó, đồng thời lan tỏa tinh thần nhân văn trong cộng đồng.

Không chủ quan với những đốm lửa nhỏ

Mặc dù số vụ cháy có nguyên nhân từ bất cẩn do sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt trên địa bàn Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm 1/3 so với cùng kỳ năm 2019, tuy nhiên không thể lơ là, chủ quan khi nguy cơ cháy vẫn tiềm ẩn, nhất là khi thời tiết nắng nóng kéo dài. Tập trung phòng ngừa từ cơ sở, nâng cao ý thức người dân là biện pháp cần thiết để ngăn ngừa những đốm lửa nhỏ có thể bùng phát thành đám cháy lớn.

Theo VietNamNet/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/sau-de-xuat-lap-ho-thanh-cong-ecopark-muon-xoa-so-cho-xay-chung-cu-d128593.html