Sau dịp nghỉ Tết ''sạch,'' chất lượng không khí ở Hà Nội lại ''xấu''

31/01/2020 11:20

Kinhte&Xahoi Chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở thành phố Hà Nội đã trở lại màu ô nhiễm tương đối quen thuộc, đó là “cam” và “đỏ” - ngưỡng ô nhiễm không khí “kém” và “xấu.”

Chất lượng không khí ở thành phố Hà Nội trở lại ngưỡng "kém" và "xấu." (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Sau dịp nghỉ Tết “sạch” với bầu không khí "vàng, xanh," từ sáng 30/1 đến nay, chỉ số chất lượng không khí (AQI) ở thành phố Hà Nội đã trở lại màu ô nhiễm tương đối quen thuộc, đó là “cam” và “đỏ” - ngưỡng ô nhiễm không khí “kém” và “xấu.”

Đáng chú ý, mặc dù thời tiết ở Thủ đô trong sáng nay 31/1 (tức mùng 7 Tết) rét đậm kèm theo gió mùa Đông Bắc nhưng chỉ số AQI ở hầu hết các điểm đo trong nội thành vẫn không tốt. Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm trên được giới chuyên gia nhận định là do lượng xe cộ tăng đột biến sau những “rời” thành phố.

Ô nhiễm trở lại ngưỡng “kém” và “xấu”

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, chỉ số AQI tại Hà Nội từ sáng 30/1 đến 31/1 đã trở lại ngưỡng “màu cam,” phổ biến từ 105-150. Thậm chí, có khu vực, chỉ số AQI đã tăng tới 152 là ngưỡng “màu đỏ” theo cách tính chỉ số AQI của Mỹ và là ngưỡng “xấu” theo cách tính chỉ số AQI của Việt Nam.

Ghi nhận từ Cổng thông tin quan trắc môi trường Thủ đô Hà Nội vào lúc 8 giờ sáng 31/1 cho thấy chỉ số AQI ở phần lớn các điểm đo đã tăng lên ở ngưỡng “kém.” Điển hình như khu vực Hàng Đậu hiển thị chỉ số AQI 149; Mỹ Đình 145; Minh Khai (Bắc Từ Liêm) 140; Chi cục Bảo vệ môi trường 127; Thành Công 121…

Đáng chú ý, tại khu vực Tân Mai (Hoàng Mai), ô nhiễm không khí đã tăng lên ngưỡng “màu đỏ” với chỉ số AQI 152. Trong khi những ngày nghỉ Tết, chỉ số AQI ở hầu hất các điểm đo ở Hà Nội luôn phổ biến ở ngưỡng “vàng” - chất lượng không khí trung bình và ngưỡng “xanh” - chất lượng không khí ở mức tốt.

Ghi nhận từ trạm quan trắc của Tổng cục Môi trường tại 556 Nguyễn Văn Cừ, quận Long Biên vào lúc 7 giờ sáng hôm nay cũng  cho thấy kết quả chỉ số AQI đã tăng lên 140, ở ngưỡng “màu cam” theo cách tính chỉ số AQI của Mỹ và là ngưỡng “kém” theo cách tính chỉ số AQI của Việt Nam.

Tới thời điểm 9 giờ, chỉ số AQI vẫn duy trì ở ngưỡng “kém” với chỉ số bụi mịn PM 2.5 lên đến 147 1µg/m³. Trong khi cùng thời điểm này vào những ngày nghỉ Tết, chỉ số AQI được trạm quan trắc của Tổng cục Môi trường ghi nhận được vẫn duy trì ở ngưỡng “màu cam” và “màu xanh” - chất lượng không khí ở mức tốt.

Hệ thống đo chất lượng không khí của Airvisual (thuộc Tổ chức IQAir có trụ sở chính tại Thụy Sỹ) vào lúc 7 giờ sáng nay cũng đã hiện thị ngưỡng “màu đỏ” ở hầu hết các điểm đo với chỉ số AQI phổ biến từ 152-189. Theo đó, tên Hà Nội xuất hiện ở vị trí thứ 5 trong top danh sách “10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới” được Airvisual quan trắc.

Đến thời điểm 9 giờ sáng, chất lượng không khí vẫn tiếp tục hiện thị ngưỡng “màu đỏ” ở hầu hết các điểm đo với chỉ số AQI cao nhất tại Nguyễn Văn Cừ (Long Biên) 198; Tây Hồ 185; Hàng Đậu 169; Mỹ Đình 169; Minh Khai (Bắc Từ Liêm) 160; Chi cục Bỏ vệ môi trường 156; Tây Mỗ 157; Tân Mai 166…

Ghi nhận trên Trang thông tin điện tử và nền tảng ứng dụng PAM Air trong sáng nay cũng hiện thị ngưỡng “màu cam” ở hầu hết các điểm đo. Một số khu vực đã tăng lên ngưỡng “màu đỏ” - chất lượng không khí ở mức “xấu” như Trần Quang Khải với chỉ số AQI 161; Thượng Đình (Thanh Xuân) 158; Nhân Chính 157…

Thậm chí, có tại khu vực Trung Hòa (Cầu Giấy), ô nhiễm không khí đã chuyển sang “màu tím” với chỉ số AQI 219. Đây là ngưỡng “rất xấu” theo cách tính chỉ số AQI của Việt Nam.

Trong khi, cùng thời điểm này vào các ngày nghỉ Tết, chỉ số AQI mà PAM Air ghi nhận ở hầu hết các điểm quan trắc phổ biến hai màu “vàng” và “xanh.”

Chỉ số ô nhiễm không khí ở thành phố Hà Nội. (Ảnh chụp màn hình)

Cần xác định các thành phần trong bụi

Tiến sỹ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng qua mấy ngày Tết dễ dàng thấy lượng xe cộ trên đường ảnh hưởng đến chất lượng không khí.

Do đó, “có thể khẳng định lượng ô tô, nhất là xe máy lớn không được kiểm soát khí thải là một nguồn ô nhiễm lớn,” ông Tùng nhấn mạnh và cho rằng đến lúc cần phải hạn chế rồi cấm các xe xả khí thải vượt quá quy định.

Còn theo giáo sư Phạm Duy Hiển (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) những nguồn bụi khác nhau có thành phần nguyên tố khác nhau, nhờ đó có thể nhận dạng và phân định phần đóng góp của từng nguồn bụi tại nơi quan trắc.

Theo ông Hiển, trong khói bụi từ xe có dạng hạt, bao gồm bụi đất do xe tốc lên từ đường, vỉa hè, sản phẩm bào mòn động cơ, phanh, lốp, và hạt thải ra từ ống xả rất độc do nhiên liệu không cháy hết. Ở dạng khí, có các oxit như NOx, CO, khí hữu cơ, trong đó đáng chú ý nhất là benzene vì dễ gây ung thư. Benzene được pha vào xăng để tăng chỉ số octane thay cho xăng pha chì trước đây.

Xe còn thải ra khí SO2 từ các động cơ diesel chạy bằng dầu có chứa lưu huỳnh. NO2, SO2 và benzene có nồng độ rất cao trong nội thành, nhất là tại các giao lộ ở cửa ngõ thành phố. Khi lan truyền trong khí quyển, các khí độc nói trên tương tác với nhiều khí khác do phản ứng quang hóa dưới ánh sáng mặt trời sẽ chuyển hóa thành hạt thứ cấp.

Do đó, để xác định nguồn gốc bụi mịn cần xác lập định lượng về các thành phần nguyên tố và hợp chất chứa bên trong hạt bụi quan trắc.

Theo giáo sư Phạm Duy Hiển, quan trắc môi trường, xây các trạm tự động chỉ đưa ra những thông tin giúp quản lý, chứ không trực tiếp làm giảm ô nhiễm. Bởi vậy, để giảm bụi, trước hết là trách nhiệm của các cơ quan quy hoạch và quản lý đô thị, cần kiểm kê các nguồn phát thải, từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu, vừa làm căn cứ cho quy hoạch phát triển và quản lý đô thị, vừa làm đầu vào cho các mô hình phát tán trong nghiên cứu môi trường không khí.

Vì vậy, vị chuyên gia kiến nghị đã đến lúc phải chấp nhận những giải pháp triệt để nhất, có thể tốn kém và gây xáo trộn lớn đến cuộc sống của người dân, nhưng lại làm thay đổi hẳn diện mạo Thủ đô theo hướng hiện đại như các nước tiên tiến.

Đó là việc cần di dời một số trường đại học ra ngoại ô để xây các công viên; cắt giảm đăng ký, tiến đến cấm dần xe máy; mở rộng khu phố đi bộ quanh phố cổ, tại đây chỉ cho phép xe điện và (có thể) xe buýt; dẹp chiếm dụng vỉa hè, tiến hành tân trang vỉa hè; cấm hẳn bếp than tổ ong; nâng chất lượng xăng, dầu.

Ngoài ra, cần rút ra những bài học đắt giá về quản lý để tránh ô nhiễm không khí cho những khu đô thị mới ở ngoại thành và các nơi khác trong cả nước. Người dân phải từ bỏ nhiều thói quen cũ, nhanh chóng thích nghi nếp sống trong một đô thị văn minh, hiện đại...

Về phía cơ quan quản lý, Tổng cục Môi trường đưa ra khuyến cáo, trước mắt, tại các thành phố lớn, người dân nên cập nhật thường xuyên tình trạng chất lượng không khí, trong những khoảng thời gian ô nhiễm không khí tăng cao nên sử dụng khẩu trang chống bụi và hạn chế các hoạt động ngoài trời, hạn chế mở cửa sổ...

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Việt Nam chuẩn bị cho việc công bố tình trạng khẩn cấp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Y tế phối hợp Bộ Tư pháp chuẩn bị cơ sở pháp lý, sẵn sàng công bố tình trạng khẩn cấp tại Việt Nam khi Tổ chức Y tế thế giới công bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, liên quan đến dịch bệnh viêm phổi do virus Corona.

Theo TTXVN/ Hoà Nhập https://hoanhap.vn/chi-tiet/sau-dip-nghi-tet-sach-chat-luong-khong-khi-o-ha-noi-lai-xau1580442618.html