Sáu trận động đất liên tiếp ở Lai Châu: Lo ngại chấn động mạnh hơn nữa

01/07/2020 11:36

Kinhte&Xahoi Chỉ trong vòng hai tuần, 6 trận động đất liên tiếp xảy ra tại huyện Mường Tè, Điện Biên trong đó chấn động lớn nhất lên tới 4,9 độ richter khiến một số nhà cửa bị nứt, người bị thương. Các chuyên gia cho rằng, chấn động mạnh hơn có thể tiếp tục xảy ra trong tương lai gần tại đây.

Động đất làm rơi trần thạch cao tại một trường mẫu giáo ở Mường Tè. Ảnh: Laichau.gov.vn

Vào lúc 13h12 phút ngày 16/6, trận động đất 4,9 độ richter xảy ra tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần phát cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 quanh khu vực tâm chấn và cấp 3 tại khu vực lân cận.

Có liên quan đến hồ chứa thủy điện Lai Châu?

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu, động đất làm hai trẻ em trường mầm non bản Giẳng, xã Mường Tè, huyện Mường Tè bị thương nhẹ do rơi tấm trần thạch cao. Ngoài ra, 34 nhà ở, 8 công trình vệ sinh bị nứt tường, 2 trường học rơi tấm trần thạch cao và 2 trường học bị nứt tường.

Trước trận động đất này một ngày, tại Mường Tè cũng xảy ra một trận động đất mạnh 3,3 độ richter. Sau trận động đất 16/6, còn thêm 4 rung chấn khác xảy ra ở khu vực này. Mới nhất là trận động đất ngày 29/6 cường độ 2,9 độ richter.

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu, các nhà khoa học của viện đánh giá đây là khu vực có nguy cơ cao xảy ra động đất với nhiều dư chấn xuất hiện thời gian gần đây. Trung tâm đã cử cán bộ theo dõi chặt chẽ khu vực này.

Theo PGS.TS Cao Đình Triều, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, tại Mường Tè có đứt gãy Mường Tè (còn được gọi là đứt gãy Thượng Sông Đà) chạy qua. Đứt gãy này chạy từ phía Trung Quốc sang. Tại đây đã ghi nhận một số trận động đất có độ lớn 4,5-4,9 độ richter.

Nhóm nghiên cứu của PGS Cao Đình Triều cho rằng, Mường Tè cùng với 4 khu vực khác là Lai Châu, Tuần Giáo, Yên Châu, Mai Châu có nguy cơ phát sinh động đất mạnh trên khu vực bậc thang thủy điện sông Đà. Trong đó, tại Mường Tè, động đất tự nhiên cao nhất có thể xảy ra lên tới 6,5-6,9 độ richter. Hiện khu vực này mới có động đất cực đại 4,9 độ richter. Vì vậy nguy cơ xảy ra động đất mạnh trong tương lai gần là rất lớn.

Tuy nhiên, theo PGS Triều, cũng không loại trừ khả năng, các trận động đất gần đây là động đất kích thích do hoạt động tích nước của hồ chứa thủy điện Lai Châu từ năm 2015.

Theo nghiên cứu “Đặc điểm địa chất kiến tạo khu vực bậc thang thủy điện sông Đà”, gần như toàn bộ nguồn Mường Tè và một đoạn nguồn Nậm Nhé liên thông với lòng hồ sâu nhất của thủy điện Lai Châu. “Chúng tôi nhận định nguy cơ cao xuất hiện động đất kích thích trong tương lai gần ở đây. Tuy nhiên, cần có thêm các bằng chứng khoa học mới đủ cơ sở khẳng định điều này. Trường hợp xảy ra động đất kích thích, chấn động chính sẽ không vượt quá 5,1 độ richter. Tuy nhiên, dư chấn sẽ xảy ra thường xuyên”, PGS Cao Đình Triều nhận định.

Công trình xây dựng cần đảm bảo kháng chấn

Theo TS Nguyễn Xuân Anh, khu vực Tây Bắc là nơi có nhiều đứt gãy hoạt động mạnh như đứt gãy Điện Biên - Mường Lay, đứt gãy Sông Mã - Tuần Giáo - Lai Châu.  Nơi đây từng ghi nhận nhiều trận động đất có cường độ mạnh như trận động đất năm 1935 có cường độ 6,9 độ richter tại lòng chảo Điện Biên, trận động đất 6,7 độ richter xảy ra tại thị trấn Tuần Giáo vào năm 1983 và trận động đất 5,3 độ richter tại thành phố Điện Biên Phủ năm 2001.

Ông Xuân Anh đề nghị người dân nơi đây cần đề phòng các trận động đất lớn có thể xảy ra, việc xây dựng các công trình, nhà ở cần đáp ứng yêu cầu về kháng chấn đã được Viện Vât lý địa cầu xây dựng và khuyến cáo.

Ông Xuân Anh cũng cho rằng, tới đây cần có các nghiên cứu sâu hơn và cập nhật hơn về phân vùng rủi ro động đất cho các địa phương nhằm cập nhật và bổ sung bản đồ kháng chấn trên cả nước. Từ đó, có khuyến cáo mới nhất cho các địa phương trong vấn đề xây dựng công trình. “Động đất là vấn đề chưa thể dự báo, có những khu vực địa chất, đứt gãy ngủ yên rất lâu sau đó hoạt động mạnh trở lại. Vì vậy các địa phương cần tuân thủ yêu cầu về kháng chấn đã được cảnh báo để hạn chế thấp nhất hậu quả nếu xảy ra”, ông Xuân Anh nói.

Động đất kích thích từng xảy ra ở nhiều hồ chứa tại Việt Nam

Động đất kích thích xảy ra do hoạt động của con người như hoạt động tích nước của các hồ chứa thủy điện, các vụ nổ xảy ra trong lòng đất. Tại Việt Nam, một số hồ chứa thủy điện từng xảy ra động đất kích thích như hồ thủy điện Hòa Bình, hồ thủy điện Sông Tranh 2 và hồ thủy điện Sơn La. Trong đó động đất kích thích xảy ra tại thủy điện Sông Tranh 2 kéo dài từ năm 2012 từng gây nhiều bất an, xáo trộn cho cuộc sống người dân vùng xung quanh.

 Nguyễn Hoài

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giải ngân vốn đầu tư công năm 2020: Chậm vì “bận” giải ngân vốn từ năm 2019?!

Đây là lý do đầu tiên được Bộ Tài chính “điểm mặt, chỉ tên” khi “gạch đầu dòng” các nguyên nhân khiến cho công tác giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm vẫn tiếp tục tiến độ “rùa bò”, được công bố tại Hội nghị trực tuyến về sơ kết và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài năm 2020, diễn ra ngày 25/6 tại Hà Nội.

Nguồn: Tiền Phong/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/sau-tran-dong-dat-lien-tiep-o-lai-chau-lo-ngai-chan-dong-manh-hon-nua-d128398.html