Siết chặt công tác phòng dịch, bảo đảm trường học an toàn

04/05/2020 17:27

Kinhte&Xahoi Từ ngày 4/5, học sinh ở Hà Nội và nhiều tỉnh, TP sẽ trở lại trường học sau thời gian dài nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19. Theo các chuyên gia y tế, học sinh, phụ huynh và trường học cần thực hiện nghiêm phòng dịch từ nhà đến trường, từ việc học sinh đeo khẩu trang, rửa tay, sát khuẩn, đảm bảo ATTP…

Dọn dẹp vệ sinh, khử khuẩn trường lớp sẵn sàng đón học sinh trở lại tại trường THCS Văn Quán, Hà Đông. Ảnh: Việt Linh

Bắt buộc đeo khẩu trang khi đến lớp 

 Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT kết hợp xây dựng, ban hành quy định cụ thể để thực hiện trường học an toàn một cách cụ thể, chi tiết với từng đối tượng: Giáo viên, phụ huynh, học sinh, việc lau chùi, khử khuẩn bàn ghế, ngồi giãn cách cho đến đeo khẩu trang, rửa tay, đo thân nhiệt. Các em học sinh có triệu chứng ho, sốt, đau rát họng... cần được báo với y tế nhà trường và gia đình để nghỉ học. Cùng thời điểm, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị Bộ GD&ĐT bổ sung một số yêu cầu cụ thể trong văn bản hướng dẫn chi tiết gửi các tỉnh/TP. Đó là tất cả học sinh, sinh viên, giáo viên và người lao động trong các cơ sở giáo dục phải đeo khẩu trang trên đường đến trường và trở về nhà cũng như trong lớp học.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế) cho rằng, thời gian qua, một phần nhờ triển khai và thực hiện tốt việc đeo khẩu trang nên Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19. Việc đeo khẩu trang rất quan trọng và cần thiết, vì vậy, cả phụ huynh, học sinh, giáo viên và người lao động trong các cơ sở giáo dục cần thực hiện nghiêm.

Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, khẩu trang sẽ không có tác dụng nếu học sinh đeo không đúng cách. Giáo viên phải có trách nhiệm, nhắc nhở, hướng dẫn học sinh, kể cả trong lớp học, khi học sinh phát biểu ý kiến thì vẫn cần phải đeo khẩu trang.

Đặc biệt, ông cũng lưu ý các trường đại học, trung học có ký túc xá cần chú ý việc ăn, ở, phòng bệnh cho các em học sinh, sinh viên ở nội trú tập trung. Nếu chỉ chú ý thực hiện trên lớp mà không chú ý phòng dịch tại nơi ăn chốn ở, bệnh có thể rất dễ lây lan.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia y tế cũng cho rằng, việc cho con đeo khẩu trang trong lớp học cần thiết, phụ huynh nên ủng hộ và khuyến khích các con tuân thủ.

Ngoài đeo khẩu trang khi đi học, phụ huynh cũng cần thực hiện nghiêm việc khai báo y tế và làm tốt công tác vệ sinh.

Đảm bảo tốt công tác vệ sinh, khử khuẩn trong thời gian học

Để học sinh đi học an toàn trong mùa dịch, Bộ GD&ĐT vừa ban hành bộ 15 tiêu chí đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học. Bộ Y tế cũng khuyến cáo, hướng dẫn vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại trường học. Khử khuẩn bằng các chất tẩy rửa thông thường như dung dịch tẩy rửa đa năng hoặc các dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% Clo hoạt tính hoặc dung dịch có chứa ít nhất 60% cồn. Ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau rửa.

Bộ Y tế hướng dẫn, trong thời gian học sinh học tại trường, mỗi ngày 1 lần, sau buổi học, cần lau khử khuẩn nền nhà, tường nhà (nếu có thể), bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập, đồ vật trong phòng học, phòng chức năng. Dọn vệ sinh, lau rửa, khử khuẩn khu vực rửa tay, nhà vệ sinh. Mỗi ngày 2 lần, sau giờ học buổi sáng và cuối ngày, lau khử khuẩn tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy. Mỗi ngày 2 lần, sau mỗi chuyến đưa, đón học sinh: Lau khử khuẩn tay nắm cửa xe, tay vịn, ghế ngồi, cửa sổ, sàn xe.

Cần mở cửa ra vào và cửa sổ lớp học, sử dụng quạt, không sử dụng điều hòa. Hạn chế sử dụng đồ chơi, dụng cụ học tập bằng các vật liệu không khử khuẩn được. Bố trí đủ thùng đựng rác, thu gom, xử lý hàng ngày. Đặc biệt, trường hợp có học sinh biểu hiện sốt, ho, khó thở, nghi ngờ hoặc có xét nghiệm dương tính với Covid-19 thì thực hiện khử khuẩn theo hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương.

Cục ATTP, Bộ Y tế đã có văn bản về việc hướng dẫn đảm bảo ATTP trong phòng chống dịch Covid-19 đối với bếp ăn cơ sở giáo dục. 

Người chế biến thức ăn, phục vụ ăn uống phải đeo khẩu trang khi chế biến thức ăn; những người có ít nhất một trong các triệu chứng ho, sốt, khó thở không được bố trí làm việc tại cơ sở. Khu vực chế biến thức ăn phải có nơi rửa tay, đủ nước sạch và xà phòng để rửa tay…

Đối với các suất ăn sẵn, thực phẩm chuyển đi phải được bao gói trong hộp/túi kín, an toàn và bảo quản theo quy định trong suốt quá trình vận chuyển. Có thể bố trí ăn theo nhiều ca để bảo đảm khoảng cách giữa những người ăn uống.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Dịch Covid-19 diễn biến khó lường

Hôm qua 3/5, đánh dấu tròn 100 ngày kể từ khi Việt Nam ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên. Theo các chuyên gia y tế, về cơ bản, Việt Nam đã khống chế được đại dịch Covid-19, nhưng tuyệt đối không chủ quan.

Những việc người lao động cần làm để được nhận tiền hỗ trợ theo Nghị quyết 42

Trường hợp lao động tự do có nơi thường trú và tạm trú không trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nếu đề nghị hưởng hỗ trợ tại nơi thường trú thì phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi tạm trú về việc không đề nghị hưởng các chính sách theo Quyết định 15/2020 và ngược lại.

Link bài gốc http://kinhtedothi.vn/siet-chat-cong-tac-phong-dich-bao-dam-truong-hoc-an-toan-383167.html