Sinh viên “tăng tốc” sau đại dịch

11/05/2020 14:34

Kinhte&Xahoi Sau khi đi học trở lại, nhiều sinh viên bắt đầu tăng tốc, lên kế hoạch tìm kiếm việc làm thêm để trang trải cuộc sống và tích lũy thêm kinh nghiệm thực tiễn.

Đại dịch Covid-19 không những ảnh hưởng đến việc học mà còn khiến cho nhiều sinh viên mất việc do các hoạt động sản xuất kinh doanh tại nhiều đơn vị bị đình trệ hoặc đóng cửa. Vì vậy, sau khi dịch bệnh tạm được đẩy lùi, nhiều bạn trẻ phải bắt đầu đi tìm công việc mới.

Bắt nhịp cuộc sống

“Tổng hợp lại kiến thức, quay lại với công việc làm thêm, sống có ích hơn, tiết kiệm hơn…” là những việc sẽ làm nằm trong kế hoạch của Nguyễn Hương Giang (sinh viên trường Cao đẳng Y dược Hà Nội) sau khi hết lệnh giãn cách xã hội và được đi học trở lại.

Nguyễn Hương Giang hiện đang là sinh viên trường Cao đẳng Y dược Hà Nội

Trước đây, Hương Giang vừa học vừa làm thêm tại một quán cà phê trên đường Giang Văn Minh, Hà Nội. Dịch bệnh diễn biến phức tạp nên công việc của Hương Giang bị gián đoạn do thời gian qua quán tạm thời đóng cửa để thực hiện giãn cách xã hội.

Là một người năng động và tự lập nên ngay sau khi đi học trở lại ngoài việc chăm chỉ học tập, cô gái trẻ nhanh chóng bắt nhịp lại với công việc làm thêm và cuộc sống nhộn nhịp của Thủ đô.

Hương Giang cho biết: “Hiện tại, mình đã liên hệ với chỗ làm cũ để quay lại làm việc vào tuần tới. Mình cũng lên kế hoạch học tập và học thêm tiếng Anh để nâng cao kỹ năng mềm cho bản thân”.

Cô gái trẻ cũng cho rằng, phải có tinh thần không ngại khó khăn và luôn sẵn sàng thích nghi với mọi hoàn cảnh thì mình mới trưởng thành.

Giống như Hương Giang, nhiều bạn sinh viên cũng hối hả bắt nhịp lại cuộc sống sau dịch bằng việc đi làm thêm để tích lũy kinh nghiệm và trang trải cuộc sống.

Nguyễn Thùy Linh (sinh viên năm thứ 2, khoa Khách sạn - Du lịch trường Đại học Thương mại) cũng bắt đầu quay trở lại với công việc pha chế yêu thích.

Thùy Linh cho biết: “Sau một thời gian ở nhà, mình thấy bản thân trì trệ rất nhiều. Vì vậy, sau khi đi học trở lại mình phải “lên dây cót” tinh thần để nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống nhộn nhịp của Thủ đô”.

Do ngành học đòi hỏi phải luôn năng động, linh hoạt và cần nhiều kinh nghiệm thực tế nên Thùy Linh rất chịu khó đi làm thêm nhiều công việc khác nhau từ pha chế, phục vụ nhà hàng… để hỗ trợ công việc học tập và có thêm một khoản thu nhập trang trải cuộc sống, giảm bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình.

“Rục rịch” tìm công việc mới

Trong khi một số người may mắn vẫn được tiếp tục công việc cũ thì nhiều bạn trẻ phải “rục rịch” tìm công việc mới sau thời gian dài nghỉ do dịch bệnh.

Trước đây, Nguyễn Hà Thu (sinh viên trường Cao đẳng Y dược Hà Nội) từng làm thêm ở cửa hàng bán quần áo trên đường Xuân Thủy (Hà Nội). Do dịch bệnh nên hiện tại cô gái trẻ thất nghiệp.

Thời gian giãn cách phải ở nhà cũng là cơ hội để Hà Thu nhìn lại những điều bản thân cần làm trong thời gian tới.

Sau khi đi học trở lại, Hà Thu nhanh chóng tìm công việc mới phù hợp với ngành nghề đang học và sở thích của bản thân. Sau một tuần lên mạng tìm kiếm và nhờ người quen giúp đỡ thì Hà Thu cũng đã được liên hệ đi làm tại tiệm thuốc ở gần chỗ trọ.

“Thật may mắn vì mình đã tìm được công việc yêu thích và phù hợp với bản thân. Mình xem đây là cơ hội tích lũy thêm nhiều kiến thức để sau này ra trường không bị bỡ ngỡ”, Hà Thu nói.

Quán cà phê Gemini trên đường Giang Văn Minh (Hà Nội) treo banner tuyển nhân viên khi hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách xã hội

Bạn trẻ Đỗ Quyên (sinh viên năm thứ 3, trường Đại học Thương mại) sau một thời gian nghỉ dịch đã khám phá ra khả năng nấu nướng của bản thân. Quyên cho biết: “Trong những ngày nghỉ dịch, thời gian rảnh mình chả biết đi đâu nên ở nhà tập tành nấu các món ăn vặt và đăng lên mạng bán thử. Mình không ngờ lại nhận được phản hồi rất tích cực từ mọi người”.

Chính vì vậy, sau khi đi học trở lại, Quyên quyết định sẽ lên kế hoạch bán đồ ăn online. Quyên cho biết: “Mình nghĩ thời sinh viên là thời gian bạn có thể thử thách bản thân. Những kinh nghiệm tích lũy được sau khi đi làm thêm giúp mình có thêm kỹ năng để nắm bắt được tâm lý khách hàng. Bên cạnh đó, bán hàng online rất phù hợp với sinh viên bởi vốn bỏ ra ít mà bản thân cũng có thể tự sắp xếp được thời gian, không phải tuân thủ khuôn khổ giờ giấc như trước”.

Hiện tại, sau khi dịch bệnh tạm bị đẩy lùi, các hàng quán mở cửa kinh doanh trở lại. Đây sẽ là cơ hội cho các bạn sinh viên đang tìm kiếm công việc mới, nhanh chóng “tăng tốc” để bắt nhịp cuộc sống hối hả.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bảo đảm cấp điện ổn định mùa nắng nóng

Mùa hè nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, cùng với đó là nỗi lo mất điện, sự cố cháy nổ do quá tải. Tuy nhiên, hè năm 2020, ngành Điện Thủ đô khẳng định đã lên phương án dự phòng, bảo đảm cấp điện ổn định cho người dân.

Cho phép các dịch vụ không thiết yếu mở cửa trở lại: Nới lỏng nhưng không lơi lỏng

Ngày 7-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho phép các dịch vụ kinh doanh không thiết yếu được mở cửa trở lại bình thường (trừ vũ trường, karaoke) và phải bảo đảm các điều kiện phòng, chống dịch bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn… Tuy nhiên, ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới ngày 9 và 10-5, bên cạnh các cơ sở kinh doanh nghiêm túc chấp hành quy định, vẫn còn không ít cơ sở, nhất là cửa hàng ăn uống chủ quan, lơ là các biện pháp phòng dịch.

Link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/sinh-vien-tang-toc-sau-dai-dich-d2083572.html