Sở GD&ĐT trực tiếp quản lý, chỉ đạo Trung tâm GDTX.
Nội dung này trong Thông tư 10/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tổ chức và hoạt động của Trung tâm GDTX hiệu lực từ ngày 22/5/2021. Theo Thông tư, Trung tâm là cơ sở GDTX thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Trung tâm có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng. Sở GD&ĐT trực tiếp quản lý, chỉ đạo Trung tâm.
Đại diện lãnh đạo Vụ GDTX- Bộ GD&ĐT cho biết, Thông tư liên tịch số 39 (có hiệu lực từ năm 2015) quy định việc quản lý, chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) -GDTX thuộc về UBND cấp huyện.
Sau 5 năm, quy định này gặp nhiều bất cập, trong đó nổi bật là việc “Trung tâm gần như bị lãng quên” nên cán bộ, giáo viên của Trung tâm bị thiệt thòi trong các chế độ chính sách cũng như cơ hội được bồi dưỡng phát triển chuyên môn nghề nghiệp…
Điều 105 Luật Giáo dục 2019: Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, đại học, trung cấp sư phạm, cao đẳng sư phạm, GDTX. Do vậy, hiện Luật Giáo dục 2019 đã có hiệu lực, việc Sở GD&ĐT trực tiếp quản lý Trung tâm GDNN-GDTX là thực hiện đúng Luật.
Ngoài ra, Thông tư cũng quy định nhiệm vụ và quyền hạn của TTGDTX. Đó là tổ chức thực hiện các chương trình GDTX cấp THCS để cấp bằng tốt nghiệp THCS, chương trình GDTX cấp THPT để cấp bằng tốt nghiệp THPT cho đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người tàn tật, khuyết tật, đối tượng trong độ tuổi học phổ thông theo kế hoạch hằng năm của địa phương, người lao động có nhu cầu hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.
Chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu của người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ thuộc các lĩnh vực: giáo dục pháp luật, văn hóa, xã hội, thể thao, nghệ thuật, môi trường, sức khỏe, kinh tế, tài chính; các chương trình giáo dục kỹ năng; chương trình chuyển giao công nghệ trong lao động, sản xuất góp phần nâng cao năng suất lao động.
Chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực nghề nghiệp bao gồm: bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học, kiến thức văn hóa: bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ, công chức công tác tại vùng dân tộc, miền núi; bồi dưỡng thường xuyên giáo viên; bồi dưỡng giáo viên các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông về giáo dục kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp; các chương trình bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; và các chương trình bồi dưỡng khác nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo kế hoạch của địa phương và nhu cầu học tập suốt đời của người dân.
Cơ cấu tổ chức của Trung tâm bao gồm: giám đốc, các phó giám đốc; phòng chức năng, phòng chuyên môn, nghiệp vụ; lớp học; tổ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phục vụ hoạt động giáo dục, đào tạo (nếu có); hội đồng thi đua khen thưởng, hội đồng kỷ luật; hội đồng khoa học, hội đồng tư vấn (khi cần thiết).
Giám đốc Trung tâm là người đứng đầu Trung tâm, trực tiếp quản lý, điều hành tổ chức, bộ máy và chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan quản lý cấp trên về mọi hoạt động của Trung tâm. Giám đốc Trung tâm phải có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên hoặc có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.
Sở GD&ĐT quyết định công nhận, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện các chế độ, chính sách đối với giám đốc Trung tâm theo quy định của pháp luật.
Hùng Tâm - Pháp luật Plus