Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc lên tiếng trước thông tin gói thầu mua sắm có nhiều bất cập

19/04/2021 10:13

Kinhte&Xahoi Theo văn bản của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, gói thầu mua sắm trang thiết bị trên địa bàn được tổ chức đấu thầu công khai nên không có hiện tượng tiêu cực.

Giá trang thiết bị mua sắm giữa các gói thầu khác nhau?

Thời gian qua, một số  tin phản ánh việc Công ty Cổ phần Thiết bị giáo dục Hải Hà trúng nhiều gói thầu mua sắm tại Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc và có nhiều điều bất thường về giá. Cụ thể là nghi vấn đặt ra ở 2 gói thầu: Mua sắm, lắp đặt phòng bộ môn Tin học cho các trường Trung học cơ sở và Gói thầu: Mua sắm, lắp đặt phòng bộ môn Tin học cho các trường Tiểu học trong tỉnh.

Theo tìm hiểu của PV, ngày ngày 21/8/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định 2154/QĐ-CT về việc cấp kinh phí, phê duyệt dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu nội dung mua sắm thiết bị phòng Tin học cho các Trường Tiểu học, Trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh. Nội dung Quyết định cho thấy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao cho Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc chịu trách nhiệm triển khai thủ tục đấu thầu theo quy định và sử dụng kinh phí được cấp đúng mục đích, đối tượng, nội dung được phê duyệt. Ngoài ra, Sở GD&ĐT tỉnh phải có trách nhiệm rà soát lại các hạng mục đầu tư để đảm bảo không trùng lặp, tiết kiệm và có phương án bảo trì, bảo dưỡng các trang thiết bị sau đầu tư đạt hiệu quả tối đa phát huy nguồn vốn ngân sách tỉnh đại diện mời thầu.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc lên tiếng trước thông tin gói thầu mua sắm có nhiều bất cập.

Về phía Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc, UBND tỉnh giao là cơ quan thẩm định giá và có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát, đôn đốc Chủ đầu tư triển khai, thực hiện kinh phí được cấp, dự toán và kế hoạch đấu thầu được phê duyệt theo đúng quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn hiện hành. Sở Tài chính là đơn vị chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh Vĩnh Phúc về các nội dung đã thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt.

Ngay sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu qua mạng, một số cơ quan báo chí đã có bài viết cho rằng, dù cùng thời điểm, cùng cấu hình, cùng đặc điểm kỹ thuật, xuất xứ theo như mô tả tại E-Hồ sơ mời thầu, song giá thiết bị tại 2 gói thầu lại khác nhau hoàn hoàn.

Đơn cử như, hạng mục Hệ điều hành có bản quyền cho máy tính học sinh và giáo viên giữa hai gói thầu có chênh lệch nhau mấy trăm nghìn đồng. Hạng mục máy tính cho giáo viên, thiết bị giá treo máy chiếu, thiết bị bộ điều khiển cho giáo viên, thiết bị điều khiển máy tính cho học sinh cũng có hiện tượng tương tự. Ngoài ra, một số cơ quan báo chí cũng đã thông tin về việc giá trang thiết bị của 2 gói thầu này cao hơn so với một số gói thầu khác.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 8/4 vừa qua, Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc đã có văn bản số 474/SGDĐT-KHTC báo cáo UBND tỉnh về các vấn đề liên quan đến 2 gói thầu mua sắm thiết bị phòng Tin học cho các trường Tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

Quy trình thẩm định giá chặt chẽ, không có tiêu cực

Liên quan đến quy trình lựa chọn nhà thầu, chúng tôi đã có buổi làm việc với Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc và  thấy rằng, hồ sơ và việc triên khai các gói thầu của Sở hoàn toàn đúng quy trình pháp luật.

Theo văn bản số 474/SGDĐT-KHTC ngày 8/4 do Phó Giám đốc Phạm Khương Duy ký gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc, thì 2 gói thầu này đều tổ chức đấu thầu rộng rãi trong nước qua mạng và các nhà thầu cũng dự thầu qua mạng với phương thức lựa chọn nhà thầu một giai đoạn hai túi hồ sơ.

Ở gói thầu mua sắm thiết bị phòng Tin học cho các trường Tiểu học, liên danh Công ty CP Điện tự động hóa Bình Dương - Công ty CP Thiết  bị giáo dục Hải Hà trúng thầu với giá hơn 31 tỉ đồng. Còn gói thầu của Trung học cơ sở, Công ty CP Thiết bị giáo dục Hải Hà trúng thầu hơn 41 tỉ đồng.

Trước thông tin phản ánh một số thiết bị giữa hai gói thầu lại có sự chênh lệch nhau về đơn giá, Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Theo quy định tại Khoản 17 Điều 4 Luật Đấu thầu năm 2013, giá dự thầu là giá do nhà thầu ghi trong đơn dự thầu, bao gồm toàn bộ các chi phí để thực hiện gói thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu (HSMT). Khi tham gia dự thầu, nhà thầu có quyền chào đơn giá đối với các hạng mục công việc trong gói thầu khác với đơn giá dự toán. Việc tính toán giá dự thầu trong HSDT là do nhà thầu tự quyết định để đảm bảo cạnh tranh về giá với các nhà thầu khác, đồng thời đảm bảo thực hiện gói thầu hiệu quả, chất lượng theo yêu cầu. Trong tình huống nhà thầu tham gia đấu thầu rộng rãi được xếp hạng thứ nhất nghĩa là mặc dù có một số đơn giá cao hơn nhưng tổng giá trị chào thầu của nhà thầu vẫn bảo đảm cạnh tranh về giá so với các nhà thầu còn lại.

Văn bản báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc về sự việc.

“Khi xây dựng dự toán Sở Giáo dục và Đào tạo xây dựng các thiết bị cùng thông số kỹ thuật có cùng một mức giá, Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt dự toán các thiết bị cùng thông số kỹ thuật có đơn giá như nhau. Ngoài ra, tại 2 gói thầu này, cấu hình máy tính học sinh gói Tiểu học thấp hơn cấu hình máy tính học sinh gói THCS dẫn đến giá thiết bị khác nhau.

Các thông tin về giá thiết bị báo nêu đều là giá dự thầu của các nhà thầu, bỏ thầu giá bao nhiêu là do nhà thầu quyết định, Sở GD&ĐT là bên mời thầu không thể và không được can thiệp vào giá chào thầu của bên dự thầu. Theo quy định của Luật đấu thầu và Nghị định 63/2015/NĐ-CP của Chính phủ thì nhà thầu nào đạt yêu cầu về kỹ thuật có giá chào thầu bằng hoặc thấp hơn giá dự toán gói thầu được cấp có thẩm quyền duyệt thì nhà thầu đó trúng thầu”, văn bản 474 nói rõ.

Trước thông tin cho rằng có dấu hiệu thiếu minh bạch khi xây dựng giá dự toán, Sở GD&ĐT cho biết, căn cứ chứng thư thẩm định giá của đơn vị được Bộ Tài chính cấp phép, Sở GD&ĐT xây dựng dự toán gửi Sở Tài chính thẩm định. Đối với 2 gói thầu này, Sở Tài chính đã thẩm định 2 lần: thẩm định lần 1 năm 2019 khi trình bố trí vốn và lần 2 khi thẩm định dự toán chi tiết (Tờ trình số 395/TTr-HCSN ngày 16/6/2020) nên không có việc can thiệp khi xây dựng giá dự toán.

Về việc cùng một sản phẩm nhưng Công ty CP Thiết bị giáo dục Hải Hà lại trúng với giá khác nhau, theo giải đáp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc nhà thầu chào đơn giá khác nhau cho cùng 1 công việc ở các hạng mục khác nhau là đúng quy định và pháp luật cho phép. Ngoài ra, ở 2 gói thầu này, vai trò nhà thầu của Công ty Hải Hà là khác nhau. Ở gói thầu THCS, Công ty Hải Hà là nhà thầu độc lập nên tự quyết định về giá các thiết bị trong gói thầu, còn ở gói thầu Tiểu học, Công ty Hải Hà là thành viên liên danh (chỉ chiếm 45%) nên quyền quyết định giá là của Công ty Bình Dương.

Theo báo cáo tại nội dung văn bản 474, hai gói thầu này đều được Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức đấu thầu công khai qua mạng, hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu đều đăng tải lên hệ thống đấu thầu quốc gia, bất kỳ đơn vị nào cũng có thể tải miễn phí hồ sơ mời thầu và tham gia dự thầu nên không có xảy ra tiêu cực. 

Về việc chậm trễ cung cấp thông tin cho báo chí, Sở GD&ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Thời gian qua, rất nhiều cơ quan báo chí liên hệ làm việc với Sở liên quan đến công tác đấu thầu và nội dung các câu hỏi giống nhau. Do đây là lĩnh vực liên quan đến đấu thầu nên khi báo chí phản ánh, Sở đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn kiểm tra và có giải trình đầy đủ, kịp thời và đã được các cơ quan báo chí đồng tình với những giải trình của Sở.

Hoàng Văn - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giám đốc Ban QLDA đường HCM: Hồ sơ năng lực của doanh nghiệp rất “khỏe”, nhưng trúng rồi, ra hiện trường thì bết bát

Cam Lộ - La Sơn là một trong những đoạn căng thẳng nhất về tiến đô trên tuyến cao tốc Bắc - Nam khi hầu hết các nhà thầu thi công đều đã bị chủ đầu tư cảnh báo chậm tiến độ lần 1, một số ít bị khiển trách, thậm chí có đơn vị đang đối diện “án phạt” bị cắt chuyển khối lượng.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/dau-thau/so-giao-duc-va-dao-tao-tinh-vinh-phuc-len-tieng-truoc-thong-tin-goi-thau-mua-sam-co-nhieu-bat-cap-d153633.html