Số hóa để công nghiệp hỗ trợ vào chuỗi

17/12/2024 22:11

Kinhte&Xahoi Cơ khí là ngành công nghiệp nền tảng, gắn kết sản xuất với dịch vụ, thương mại, phát triển công nghiệp hỗ trợ chủ động tham gia sâu vào chuỗi giá trị, sản xuất thế giới. Từ đó thúc đẩy năng lực nội tại của doanh nghiệp, cải thiện vị thế của doanh nghiệp Việt Nam.

Chuyển biến nhưng còn hạn chế

Thời gian qua, công nghiệp phụ trợ và ngành cơ khí Việt Nam đã phát triển với nhiều chuyển biến tích cực, từng bước làm chủ công nghệ, mở rộng đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và tỷ lệ nội địa hoá và phát triển thị trường.

Đầu tư vào công nghệ đã giúp May 10 khẳng định vị trí trên thương trường. Ảnh: Khắc Kiên

Tuy nhiên, dù dư địa của ngành là rất lớn, song việc đa dạng và mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp trong ngành cơ khí vẫn hết sức khó khăn do vấp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài. Cùng với đó, do năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh, chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng tiềm năng biết đến.

Theo nhận định của các chuyên gia, từ nay đến năm 2030, nhu cầu thị trường cơ khí khoảng 310 tỷ USD, riêng nhu cầu thị trường ôtô là 120 tỷ USD nhưng hiện Việt Nam mới đáp ứng 1/3. Cơ hội để chúng ta tiếp cận thị trường thế giới cũng rất lớn. Nếu tạo ra giá thành, thị trường ổn định… cơ khí Việt Nam có cơ hội phát triển mạnh mẽ.

TS Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí cho biết, với việc xây dựng chiến lược, chính sách phát triển doanh nghiệp gắn với chiến lược, quy hoạch phát triển của các ngành kinh tế, thị trường cơ khí trong nước có những chuyển biến tốt cả về lượng và chất.

Năng lượng tái tạo cũng rất cần sự hỗ trợ của ngành cơ khí./

Đơn cử, trong lĩnh vực sản xuất ôtô, xe máy, từ trước đến nay, các dây chuyền lắp ráp ôtô, xe máy hầu hết do các đơn vị nước ngoài đảm nhận như Honda, Toyota, Hyundai...

Nhưng, bắt đầu từ năm 2012, Viện Nghiên cứu cơ khí đã cử một đoàn kỹ sư học hỏi, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ từ các đơn vị của Nhật, Hàn Quốc; đến thời điểm này, chúng ta đã tự chủ trong việc thiết kế, chế tạo các dây chuyền lắp ráp ôtô.

Vừa rồi, Việt Nam thành công trong việc ứng dụng dây chuyền để sản xuất, lắp ráp ôtô Vinfast và các dây chuyền lắp ráp đã đưa vào vận hành, góp phần cho ra đời một số dòng xe như VF7, VF8, VF3.

"Điều này thể hiện rằng người Việt Nam, doanh nghiệp Việt hoàn toàn có thể làm chủ được những công việc khó mà từ trước tới nay là đặc quyền của các nhà thầu nước ngoài" - TS Phong khẳng định.

Dù vậy, TS. Phan Đăng Phong cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc đáp ứng thị trường cơ khí trong nước và xuất khẩu vẫn còn rất khiêm tốn, đặc biệt trong lĩnh vực thiết bị toàn bộ.

Ví dụ các nhà máy nhiệt điện, thuỷ điện, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, xi măng hoặc sản xuất nguyên liệu… mới đáp ứng chưa đến 30% giá trị nhu cầu thiết bị.

Nguyên nhân bởi chưa có nhiều doanh nghiệp "sếu đầu đàn" để sở hữu công nghệ nguồn, đủ năng lực, kinh nghiệm để thực hiện các dự án trọn gói chuyển đổi số.

Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Hà Nội Nguyễn Đức Cường cho hay, vẫn còn hạn chế các doanh nghiệp cơ khí Việt có tên tuổi và thương hiệu. Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng cho các doanh nghiệp FDI trong các ngành điện tử, máy in, máy giặt, ôtô, xe máy...

Trong lĩnh vực gia công chế tạo máy, tỉ trọng doanh nghiệp FDI đang tham gia hoạt động sản xuất tại Việt Nam chiếm tỉ lệ rất lớn. Trong khi các doanh nghiệp Việt đa phần sản xuất linh, phụ kiện chi tiết, để cung cấp ngược lại cho các doanh nghiệp FDI.

Yếu tố sống còn

Khẳng định việc chuyển đổi số và đầu tư cho công nghệ là yếu tố sống còn, Giám đốc phát triển thị trường quốc tế Công ty Cơ khí chính xác Smart Việt Nam Cao Văn Hùng cho hay, những năm gần đây các doanh nghiệp Việt Nam đang được hưởng lợi rất nhiều từ làn sóng chuyển dịch từ các thị trường quốc tế. 

Khi ngành cơ khí phát triển thì sẽ hỗ trợ nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Khắc Kiên

Thực tế tại Smart Việt Nam, doanh thu năm nay tăng từ 260 - 280% nhờ vào nhu cầu tăng đột biến của các khách hàng đối với sản phẩm cơ khí. Trong đó, doanh nghiệp đã đầu tư mạnh mẽ cho việc bán hàng, nghiên cứu và phát triển, song vẫn cần chính sách Nhà nước hỗ trợ cho đầu tư máy móc, thiết bị hiện dại, giảm giá thành cạnh tranh...

"Tuy vậy chúng tôi mong muốn các chính sách cho doanh nghiệp hiện nay sẽ được đơn giản hóa, hoặc là mình sẽ có cơ chế nào để giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng hơn, hỗ trợ về công nghệ" - ông Hùng bày tỏ.

Đây là bài toán của các nhà sản xuất cần sự chung tay vào cuộc của nhiều thành phần với nỗ lực mạnh mẽ để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực công nghiệp trong thời gian tới.

Ông Nguyễn An Sơn (Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) cho biết, chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược, trọng yếu nhằm tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 trong đó "lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ". 

"Tại Việt Nam, chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã trở thành một nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, các nhà quản lý, doanh nghiệp phải đối mặt với việc đưa ra quyết định chuyển đổi như thế nào trước thời kỳ bùng nổ công nghệ, với sự gia tăng các lựa chọn tích hợp, nhưng phải gắn kèm với điều kiện sản xuất, kinh doanh và phù hợp với nguồn lực" - ông Anh Sơn nhận định.

Đồng thời cho rằng, mức độ sẵn sàng chuyển đổi số trong khối doanh nghiệp hiện tại khá thấp. Mô hình quản trị và các quy trình đi kèm của nhiều doanh nghiệp hiện còn lạc hậu. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ rất khó tiếp cận với những dây chuyền, công nghệ tiên tiến nhất để thực hiện quá trình chuyển đổi số.

"Hoạt động chuyển đổi số đến thời điểm hiện tại vẫn còn đang tập trung vào những doanh nghiệp có quy mô lớn, đặc biệt doanh nghiệp FDI có sẵn nguồn lực, công nghệ để ứng dụng được các giải pháp công nghệ số vào hoạt động sản xuất kinh doanh của mình" - ông Nguyễn An Sơn nhìn nhận.

Để đáp ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp sản xuất trước xu hướng chuyển đổi số, TS. Đặng Trọng Hợp - Trưởng khoa Công nghệ thông tin, Đại học Công nghiệp Hà Nội cho rằng, Nhà nước cần có các chính sách để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Có thể chọn những trường đại học lớn để hình thành Trung tâm nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ số từ đó dẫn dắt các cái cơ sở khác

Bên cạnh đó, cần có chính sách để thu hút nguồn nhân lực, chuyên gia giỏi từ các nước phát triển về, đặc biệt là người Việt Nam ở nước ngoài.

"Công nghệ số thay đổi mô hình kinh doanh và vận hành nên nó cũng đòi hỏi chúng ta có rất nhiều cái mới mà các quy định trước đây chưa chưa áp dụng được. Thế thì cũng cần có các cơ chế để thử nghiệm hoặc là có các chính sách đặc thù trong việc thương mại hóa các sản phẩm số" - TS. Hợp nêu quan điểm.

Còn nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, TS.Nguyễn Hữu Phước Nguyên - Tổng Giám đốc điều hành Selex Motors cho rằng, nhận thức là cái quan trọng nhất. 

"Ý chí của người đứng đầu và nhận thức của họ nhìn nhận, đánh giá đúng nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp và có những lộ trình để mà chuyển đổi một cách phù hợp. Để có sự chuyển đổi đấy thì tôi nghĩ là ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, đơn vị đào tạo có thể có nhiều thêm các hoạt động đào tạo lãnh đạo doanh nghiệp để họ nhận thức được vai trò của chuyển đổi số. Tôi nghĩ đó là cái mấu chốt" - ông Nguyên nhận định.

kinhtedothi.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

https://kinhtedothi.vn/so-hoa-de-cong-nghiep-ho-tro-vao-chuoi.html