Sớm khắc phục những 'đứt gãy'

09/06/2023 09:09

Kinhte&Xahoi Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: “Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục đứt gãy các chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm duy trì và tạo thêm việc làm cho người lao động”.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái báo cáo giải trình trước Quốc hội vào hôm qua - 8/6. Ảnh quochoi.vn

Trong báo cáo giải trình của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trước Quốc hội vào hôm qua (8/6), có đoạn: “Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta còn không ít hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức, đúng như nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nêu, như tiếp cận vốn của các DN, đứt gãy các chuỗi cung ứng, thị trường lao động, trái phiếu DN, bất động sản còn bất cập; thiếu điện cục bộ; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn; một bộ phận cán bộ có tư tưởng né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, sợ sai...”.

Chuỗi cung ứng là một thuật ngữ kinh tế, hiểu đơn giản là chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu dùng. Những ngày này, nhiều nơi bị cắt điện luân phiên, đó là một phần của chuỗi cung ứng điện. Cuối tháng 5 vừa qua, ách tắc hàng nông sản ở cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, đó là một phần của chuỗi cung ứng xuất nhập khẩu nông sản. Cung cấp dịch vụ đăng kiểm cũng chính là chuỗi cung ứng. Nêu các ví dụ để thấy chuỗi cung ứng hiện diện rất gần gũi trong đời sống.

Chúng ta đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kiên trì tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ sở để hy vọng đạt kết quả cao nhất các mục tiêu kế hoạch năm 2023.

Chính phủ đã, đang và sẽ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đồng thời chú trọng các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân. Có thể thấy, thời gian qua, Chính phủ đã thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác. Đồng thời, tăng cường năng lực phân tích, dự báo; chủ động ứng phó, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả với những vấn đề phát sinh; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy các động lực tăng trưởng về tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu...

Nhiệm vụ trước mắt vẫn là quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tạo thuận lợi cho người dân, DN; khẩn trương rà soát, xử lý ngay những vướng mắc, bất cập; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm. Tại diễn đàn Quốc hội lần này, rất nhiều đại biểu nói đến tình trạng “sợ trách nhiệm”. Để đề cao được trách nhiệm, cá thể hóa được trách nhiệm cũng đòi hỏi tháo gỡ vướng mắc, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của các chính sách đã ban hành.

Theo Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: “Thời gian tới, Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khắc phục đứt gãy các chuỗi cung ứng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, bảo đảm duy trì và tạo thêm việc làm cho người lao động”.

Để các chuỗi cung ứng nhanh chóng được khắc phục, không xuất hiện những “đứt gãy” mới, đòi hỏi phải có tầm tự báo, phản ứng linh hoạt và bản lĩnh dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương.

 Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vành đai 4 - Vùng Thủ đô và hàng loạt cao tốc dự kiến khởi công trong tháng 6-2023

Trên cơ sở báo cáo của các địa phương về tiến độ, kế hoạch khởi công các dự án đường bộ cao tốc, đường vành đai, Bộ Giao thông Vận tải vừa đề xuất Chính phủ cho phép tổ chức khởi công đồng loạt 3 dự án đường bộ cao tốc và đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh vào giữa tháng 6-2023.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/som-khac-phuc-nhung-dut-gay-d194683.html