Sớm tháo gỡ vướng mắc tại Dinh thự họ Vương để bảo vệ di tích

19/06/2019 11:05

Kinhte&Xahoi Ông Vương Duy Bảo - cháu nội Vua Mèo Vương Chí Thành vừa đề nghị tỉnh Hà Giang thống nhất với đại diện gia tộc họ Vương các vấn đề như: trách nhiệm Nhà nước với dinh thự họ Vương vì đây là di tích quốc gia; trách nhiệm dòng họ Vương cùng Nhà nước bảo vệ và phát huy giá trị di tích; phân chia quyền lợi từ bán vé giữa Nhà nước và nhà họ Vương.

7 năm “tìm lại” sổ đỏ và lo ngại di tích xuống cấp

Năm 2012, Dinh thự họ Vương có tuổi đời gần trăm năm ở Đồng Văn, Hà Giang được cấp “sổ đỏ” cho Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Đồng Văn. Tuy nhiên, cháu nội Vua Mèo Vương Chí Thành là ông Vương Duy Bảo khẳng định, gia tộc họ Vương không hiến dinh thự cho Nhà nước và đòi lại quyền sở hữu. 

Tháng 7/2018, ông Vương Duy Bảo có đơn đề nghị Thủ tướng chỉ đạo chính quyền địa phương trả lại mảnh đất gắn với tòa dinh thự của họ Vương. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình có văn bản yêu cầu UBND tỉnh Hà Giang, Bộ VHTT&DL báo cáo quá trình giải quyết kiến nghị của ông Vương Duy Bảo về các vấn đề liên quan đến tòa Dinh thự họ Vương, trong đó có việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tòa dinh thự này.

Ngày 22/5/2019, gia tộc họ Vương đã nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của khu dinh thự họ Vương. Sổ đỏ được cấp lâu dài cho 16 người là con cháu dòng họ Vương, những người thừa kế hợp pháp, đồng sở hữu khu dinh thự họ Vương diện tích 4.876,6m2, mục đích sử dụng đất là di tích lịch sử, văn hoá.

Theo ông Vương Duy Bảo, diện tích này chưa bao gồm diện tích phía ngoài hàng rào khu dinh thự mà theo ông vốn cũng là đất nhà họ Vương nhưng 26 năm qua chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, để cho người dân lấn chiếm, tự ý xây dựng nhà cửa. Ông Bảo cho rằng sắp tới gia đình ông và tỉnh Hà Giang sẽ phải tiếp tục khiếu nại về phần đất này.

Ngoài ra, ông Vương Duy Bảo bày tỏ bức xúc khi quy định về quản lý, sử dụng nguồn thu từ phí tham quan di tích vẫn không được quy định rõ ràng trong bản quy chế này. Ông cho rằng Sở VHTT&DL Hà Giang đã thiếu tôn trọng quyền sở hữu của gia tộc họ Vương khi không mời người nhà họ Vương tham gia bàn bạc xây dựng quy chế mà chỉ gửi bản quy chế đã được xây dựng cho đại diện gia đình họ Vương để có ý kiến trước thời hạn nhất định. 

Đặc biệt, đại diện nhà họ Vương cho rằng Sở VHTT&DL Hà Giang và UBND huyện Đồng Văn đã không thực hiện đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng như của Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang liên quan đến quản lý và phát huy giá trị của khu di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Dinh thự họ Vương.

“Hiện nay, sau 12 năm trùng tu (năm 2007), di tích đã xuống cấp. Tường nứt, mái thấm dột, hệ thống hứng nước dẫn nước võng, gãy, tắc, ván trong khu lô cốt mục, gãy… Tất cả đang có nguy cơ bị sập đổ. Do đó nếu cứ để khách tham quan di tích khi xảy ra tai nạn gây chết người, cháy nhà, dòng họ Vương không chịu trách nhiệm. Việc để di tích bị xuống cấp cần phải được xem xét, xử lý.

Thêm nữa, phần tuyên truyền và thuyết minh không đáp ứng được ba yếu tố: tính chân thực lịch sử; không nêu được giá trị kiến trúc nghệ thuật của tòa dinh thự; không nêu được tòa dinh thự là biểu hiện của chính sách đại đoàn kết dân tộc mà Bác Hồ xây dựng nên” - đại diện họ Vương nêu quan điểm.  

Được biết, tại cuộc họp với Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang ngày 21/5/2019, đại diện họ Vương đã thông báo nếu tỉnh không xây dựng quy chế quản lý khu di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia nhà họ Vương thì dòng họ sẽ tự quản lý. Để chuẩn bị cho việc này, con cháu trong gia tộc họ Vương sẽ tạm đóng cửa khu di tích, không tiếp nhận khách tham quan. Khu dinh thự sẽ mở cửa trở lại khi chính quyền và con cháu họ Vương đạt được sự thống nhất về phân chia nguồn lợi từ thu phí tham quan. 

Chung tay xây dựng và bảo vệ

Trước thông tin về việc dòng họ Vương với tư cách là đồng sở hữu, dự kiến đóng cửa khu di tích, Bộ VHTT&DL đề nghị UBND tỉnh Hà Giang thực hiện một số nội dung như: Khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đối với nội dung: “Trao đổi thống nhất với gia tộc họ Vương rà soát hoàn thiện lại quy chế và thực hiện việc quản lý, sử dụng Khu di tích theo đúng quy định của pháp luật di sản và pháp luật khác liên quan”; chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện việc bảo vệ, phát huy giá trị đối với công trình di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia Khu nhà Vương theo đúng quy định của pháp luật về di sản văn hóa; có kế hoạch quản lý, chống xuống cấp di tích; xây dựng kế hoạch quản lý tổng thể khu vực phía trước Khu di tích Nhà Vương và một số hộ dân đang sinh sống trong khu vực bảo vệ của di tích. Cũng theo văn bản, Bộ VHTT&DL đề nghị UBND tỉnh Hà Giang chỉ đạo, thông báo kết quả giải quyết tới Bộ để phối hợp trong việc quản lý khu di tích quốc gia này.

Ngày 13/6/2019, ông Vương Duy Bảo và ông Vương Quỳnh Sèo - đại diện con cháu nhà họ Vương đã làm việc với Sở VHTT&DL tỉnh Hà Giang xung quanh quy chế quản lý di tích kiến trúc nghệ thuật khu Nhà Vương. Về dự thảo quy chế, theo ông Vương Duy Bảo, phải xác định đây là di tích quốc gia, vậy nhân dân (cụ thể là dòng họ Vương) và Nhà nước phải làm gì để chung tay xây dựng, bảo vệ, trên cơ sở  đó mới phát huy được giá trị di tích.

Về vấn đề này, bà Hồ Thị Minh - Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đưa ra ý kiến: “Dinh thự họ Vương là tài sản của dòng họ nhưng đồng thời lại là di tích quốc gia nên cần có sự bảo tồn và đặt dưới sự quản lý của Nhà nước. Vì vậy, dòng họ và chính quyền địa phương cần bàn bạc cụ thể hợp tình, hợp lý để vừa khai thác được mà vẫn có điều kiện để giữ gìn trùng tu, bảo vệ”. 

Thùy Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

“Chung chi” và kiểm soát

Vụ “Đoàn thanh tra” đòi “quà” để có “định hướng” kết luận thanh tra ở Vĩnh Phúc đang được cơ quan có trách nhiệm xem xét.

Nguồn: Pháp luật Plus