Tàu Ever Given đã được giải cứu.
Vụ việc con tầu mắc cạn xảy ra bất ngờ và cho tới nay chưa có dấu hiệu hay bằng chứng gì về khả năng có ai đấy chủ mưu tạo dựng vụ việc để làm tắc nghẽn kênh đào Suez. Nếu đúng là sự cố thì sự cố này rất đơn giản và tình cờ bởi con tàu này đi qua kênh đào Suez đúng vào thời điểm có trận bão cát trên sa mạc khiến cho con tàu bị mất lái xoay ngang. Kênh đào chỉ rộng có 350 mét trong khi Ever Given dài 400 mét.
Nhờ đào bờ kênh và thuỷ triều lên nên con tàu dần nổi lại trên mặt nước và thoát cảnh mắc kẹt. Vụ việc chỉ có như vậy và kênh đào Suez bị gián đoạn thông thương trong khoảng thời gian chỉ có 1 tuần. Nhưng nó đã trở thành chuyện lớn đối với thế giới và buộc cả thế giới phải rút ra từ đó những bài học đắt giá cần thiết.
Trên phương diện giao thông hàng hải, kênh đào Suez được coi là một trong 4 huyết mạch quan trọng nhất đối với thế giới. Ba huyết mạch còn lại là kênh đào Panama, eo biển Hormuz và eo biển Malacca. Nó có ý nghĩa sống còn đối với kinh tế và thương mại thế giới, vì thế tác động và ảnh hưởng trực tiếp tới chính trị thế giới, tới an ninh và ổn định chung của thế giới và ở mọi khu vực trên thế giới.
Ước tính có khoảng 13% giá trị thương mại của thế giới được vận chuyển qua kênh đào Suez và tính riêng cho trao đổi thương mại giữa châu Á với châu Âu thì hơn 90% được vận tải qua kênh đào này. Trong gần 1 tuần kênh Suez bị tắc, hàng hoá bị nghẽn ở hai đầu kênh đào có giá trị ước tính đến cả chục tỷ USD. Hàng năm, lệ phí đi qua kênh đào Suez đưa lại cho Ai cập khoản thu nhập gần 4,5 tỷ USD...
Chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng tiêu cực và bộc lộ điểm yếu của nó là dễ bị tổn thương, dễ bị ngưng trệ, dễ bị đổ vỡ, tương tự như đã bộ lộ sau khi trên thế giới bùng phát và lây lan dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra. Một chuyện tưởng rất nhỏ lại có thể gây ra hậu quả và hệ lụy lớn cho cả thế giới. Đấy chính là rủi ro chết người mà toàn cầu hóa đưa lại cho thế giới. Vụ việc bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết những mặt trái của toàn cầu hóa và ngay chính tiến trình toàn cầu hóa cũng có thể dễ dàng bất ngờ bị cản trở như thế nào.
Một trong những biểu hiện và hệ lụy là chuỗi cung ứng toàn cầu hình thành và hoạt động hiệu quả đến mức chuyển từ cung ứng cho lưu kho để phục vụ sản xuất sang cung ứng kịp thời phục vụ trực tiếp sản xuất, được gọi là cung ứng just-in-time. Như thế giúp tiết kiệm chi phí cho lưu kho hàng hoá và bến bãi. Vụ tắc nghẽn kênh đào Suez cho thấy cách thức cung ứng này có thể rủi ro như thế nào và dễ dàng trở nên lợi bất cập hại như thế nào.
Bởi thế, vụ việc này buộc cả thế giới phải suy ngẫm. Không chỉ thông thương ở những huyết mạch của thế giới phải được đảm bảo mà còn cả tự do hàng hải ở mọi vùng biển trên thế giới, đặc biệt ở khu vực Biển Đông. Cùng với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra, vụ việc này buộc các nơi phải cấu trúc lại và vận hành theo cách mới chuỗi cung ứng toàn cầu và quốc gia của họ, phải quan tâm nhiều hơn tới việc phòng ngừa rủi ro, ứng phó sự cố và phải tăng cường hợp tác với nhau cùng ứng phó.
Thiên Nhai - Pháp luật Plus