Sử dụng camera giám sát đang đe doạ đến quyền riêng tư?

11/06/2020 09:35

Kinhte&Xahoi Hình ảnh một bé trai mầm non có hành vi “được cho là không đúng mực” với một bé gái cùng lớp được chia sẻ trên mạng xã hội bởi một phụ huynh trong lớp khi theo dõi qua camera giám sát. Chưa nói đến vấn đề đúng sai về hành vi của bé trai, nhưng việc công bố hình ảnh, thông tin của lớp học lên mạng xã hội có phải đang xâm phạm quyền riêng tư của trẻ em?

Thế nào là một ngôi trường an toàn?

Tại Úc, việc sử dụng hệ thống camera giám sát trong trường học được điều chỉnh và quy định bởi pháp luật liên bang, tiểu bang và các vùng lãnh thổ.

Nhằm đảm bảo một mội trường học đường ổn định và an toàn, các trường học ở Úc có mục tiêu hàng đầu là xây dựng một ngôi trường không có nguy hiểm hoặc không tiềm ẩn nguy cơ gây hại, đồng thời là nơi mà nhân viên, giáo viên và học sinh có thể làm việc, giảng dạy và học tập mà không lo sợ bị đe doạ, quấy rối, sỉ nhục, và bạo hành. 

Ngoài việc xây dựng nội quy chặt chẽ và đẩy mạnh văn hoá ứng xử văn minh, một biện pháp được sử dụng trong hầu hết các trường học để củng cố cảm giác an toàn là việc sử dụng hệ thống truyền hình mạch kín (CCTV) và camera giám sát.

Việc sử dụng công nghệ này trên thực tế tại các trường học của Úc cho thấy, nhận thức về sự an toàn của học sinh và nhân viên, giảng viên trong trường được nâng cao; giúp giảm thiểu các hành vi phá hoại tài sản, giúp xác định thủ phạm đối với các hành vi vi phạm nội quy và pháp luật. 

Việc sử dụng CCTV và camera giám sát trong các trường học là ý tưởng khá mới ở Úc, mặc dù việc sử dụng các thiết bị giám sát trong xã hội không phải là mới. Camera giám sát phổ biến ở các trung tâm mua sắm, văn phòng, ngân hàng, sân bay, và các tòa nhà chính phủ. Còn ở trường học, hệ thống này được sử dụng với mục đích chính là tăng cường an ninh an toàn trong nhà trường.

 Tại Úc, việc lắp đặt camera giám sát ở trường học phải tuân theo quy định của pháp luật.

Theo đó, trước khi cài đặt hệ thống camera quan sát trong trường, ban giảm hiệu các trường phải thu thập, tham khảo ý kiến toàn thể nhân viên, giảng viên trong trường cũng như các phụ huynh, học sinh nhằm phát hiện bất cứ mối lo ngại nào.  Tiếp theo, ban giám hiệu nhà trường phải được tư vấn và nhận được sự chấp thuận từ Phòng An ninh của Bộ Giáo dục, đồng thời đăng ký hệ thống camera quan sát trực tuyến với chương trình Iris Blue Police của bang Tây Úc. Năm 2011, Chính sách An ninh Trường học của Bộ Giáo dục bang Tây Úc chỉ ra, một số trường học thuộc quản lý của chính quyền bang đã lắp đặt camera giám sát trong trường để tăng cường vấn đề an ninh trật tự, ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp. Tuy nhiên, việc lắp đặt và sử dụng camera giám sát phải tuân thủ theo đúng quy trình.

Đối với việc lắp đặt các camera giám sát bí mật (ẩn) thì các trường phải nhận được sự chấp thuận của Phòng Bảo mật của Bộ Giáo dục, cũng như phải phải đảm bảo tuân thủ Đạo luật Thiết bị giám sát năm 1998 của bang Tây Úc và Đạo luật Quyền riêng tư năm 1988  của Liên bang Úc.

Vấn đề là quyền riêng tư

Việc tuân thủ các quy trình nêu trên nhằm đảm bảo việc lắp đặt hệ thống giám sát tại các trường học không xâm phạm đến quyền riêng tư của các cá nhân. 

Ví dụ, việc ghi nhận hình ảnh, video về các cá nhân thông qua hệ thống camera giám sát có thể vi phạm Đạo luật Quyền riêng tư năm 1988 của Liên bang Úc, đặc biệt khi các tài liệu này được công khai mà không có sự cho phép của chính những người có mặt trong bức ảnh, đoạn clip. Theo đó, Đạo luật Thiết bị giám sát năm 1998 đã nhấn mạnh việc sử dụng hệ thống camera giám sát chỉ nên được xem xét nếu không có lựa chọn phù hợp nào khác được chứng minh hoặc có khả năng chứng minh thành công hơn giải pháp này.

Luật về công nghệ giám sát của từng tiểu bang và vùng lãnh thổ của Liên bang Úc có sự khác nhau đáng kể trong việc quy định các loại thiết bị giám sát được và không được sử dụng. Đơn cử, tiểu bang New South Wales, Victoria, và vùng lãnh thổ Thủ đô Úc quy định nghiêm cấm người sử dụng lao động giám sát nhân viên của họ thông qua các thiết bị giám sát bí mật như camera ẩn, cài đặt công nghệ theo dõi email, internet, máy tính…   

Công nghệ giám sát được điều chỉnh bằng luật của tiểu bang và vùng lãnh thổ bao gồm: Đạo luật giám sát nơi làm việc năm 2005 (bang New South Wales); Đạo luật về Thiết bị Nghe và Giám sát năm 1972 (bang Nam Úc); Đạo luật về thiết bị nghe năm 1991 (bang Tasmania); Đạo luật về Thiết bị Giám sát và Quyền riêng tư tại nơi làm việc năm 2006 (bang Victoria); Đạo luật thiết bị giám sát 1998 (Tây Úc); và Đạo luật bảo mật nơi làm việc 2011 (Lãnh thổ Thủ đô Úc).

Theo Đạo luật giám sát nơi làm việc năm 2005 của bang New South Wales nêu rõ việc quay chụp nhân viên trong lúc làm việc là bất hợp pháp trừ khi đã đáp ứng các điều kiện về thông báo và chấp thuận của các bên liên quan. Còn Đạo luật về Thiết bị Giám sát 2009 của bang Victoria nghiêm cấm việc lắp camera tại các phòng vệ sinh, phòng thay đồ, phòng mẹ cho con bú… Bên cạnh đó, việc ghi lại các hoạt động riêng tư hay các cuộc trò chuyện riêng tư của cá nhân cũng bị cấm trừ khi các bên phải biết rằng họ có thể được theo dõi một cách hợp lý, hợp pháp.

Camera giám sát có phải tối ưu?

Các công nghệ giám sát có thể hữu ích trong việc đạt được một số mục tiêu về an ninh nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ xâm phạm trực tiếp đến quyền riêng tư của cá nhân. Các chuyên gia giáo dục của Úc nhận định, hệ thống giám sát không phải là phương tiện duy nhất để đạt được sự an toàn tuyệt đối và nền văn hoá ứng xử văn minh trong nhà trường; do vậy, chúng không nên chỉ được sử dụng một cách cô lập. Các trường học tại Úc đều xây dựng định hướng và kế hoạch mà trong đó việc sử dụng các thiết bị công nghệ giám sát chỉ là một trong những giải pháp nâng cao sự an toàn trong trường học.

Các trường học tại Úc được khuyến cáo tiến hành Đánh giá chính thức về những rủi ro về quyền riêng tư khi sử dụng các hệ thống giám sát. Trước khi cài đặt hệ thống, các trường cũng cần xây dựng chính sách giám sát để sử dụng các thiết bị này cho đúng cách nhằm giải quyết những vấn đề có thể xảy ra trong quá trình vận hành.

Theo đó, trước khi lắp đặt và sử dụng hệ thống camera giám sát, ban giám hiệu các trường đều phải cân nhắc các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư, bao gồm: Khi nào thiết bị giám sát sẽ được sử dụng? Hình ảnh thu lại sẽ được lưu trữ ở đâu, như thế nào và được sử dụng bởi ai? Trong phạm vi nào mà học sinh, phụ huynh, nhân viên và khách tham quan trường học có quyền truy cập các thông tin cá nhân được lưu lại? Trong bao lâu thì các hình ảnh được lưu trữ hoặc bị phá huỷ?

 Giáo viên, học sinh có thực sự cảm thấy an toàn với camera giám sát?

Mặc dù Nhà nước Việt Nam đã công nhận và bảo hộ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong các văn bản pháp luật như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự và pháp luật chuyên ngành nhưng vẫn còn nhiều bất cập trên thực tế.

Thiết nghĩ, vụ việc bé trai có hành vi được xem là không chuẩn mực trong giờ ngủ trưa với một bạn nữ tại một lớp mẫu giáo (Hải Phòng) được một phụ huynh chụp lại qua camera giám sát và chia sẻ trên mạng xã hội để phê phán nhà trường là một ví dụ.

Và việc bảo mật an toàn những thông tin cá nhân được thực hiện và bảo đảm như thế nào? Trong trường hợp nào thông tin giám sát sẽ được cung cấp cho các bên thứ ba như cảnh sát hoặc những người khác? Tất cả các thành viên của cộng đồng trường học sẽ được thông báo và tư vấn về việc cài đặt và sử dụng công nghệ giám sát như thế nào?...

 Đỗ Trang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sự tử tế tạo dựng

Hành vi ứng xử của mỗi người thể hiện suy nghĩ, cách sống, quan niệm... và cả môi trường xã hội nữa. Có những hành vi ứng xử dù chỉ là bột phát song cũng do những yếu tố trên cấu thành, bộc lộ ít hay nhiều bản chất thực của người đó và phản ảnh nền giáo dục hay văn hóa xã hội đương thời.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/su-dung-camera-giam-sat-dang-de-doa-den-quyen-rieng-tu-d126742.html