Sức mạnh liên kết

16/01/2024 07:38

Kinhte&Xahoi Cách đây 2 năm, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 vùng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, gồm: Trung du, miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long; vùng Tây Nguyên; vùng Đông Nam Bộ; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ; vùng Đồng bằng sông Hồng.

Ảnh minh họa.

Điều này nhằm khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực. Tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới...

Trong quá khứ, đã từng có lúc chúng ta loay hoay về “bài toán” phát triển; và “mạnh ai nấy làm”. Minh chứng là từng có “hội chứng” xi măng lò đứng, mía đường, khu công nghiệp, khu kinh tế (đến tận cấp huyện), cảng biển…

Điều này phản ánh tư duy thời tự cung, tự cấp; trong nhà thứ gì cũng phải có, ít lúa, ít khoai, ít đậu, ít lạc... trên mảnh vườn, mảnh ruộng nhà mình. Thời chuỗi giá trị toàn cầu, nhất là khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, đã kích hoạt tính liên kết từng địa phương với cả nước, từng nước với toàn cầu.

Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết quy hoạch tổng thể quốc gia, cho đến nay 6 quy hoạch vùng và 13 quy hoạch tỉnh, thành đã được phê duyệt.

Các vùng kinh tế được thành lập có ý nghĩa làm cơ sở để tổ chức không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, hệ thống đô thị, nông thôn, kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trong vùng, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Để có “nhạc trưởng”, Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập Hội đồng điều phối các vùng kinh tế.

Như vậy, xét về giá trị cốt lõi của các quy hoạch, từ tổng thể đến vùng, tỉnh thành là tính liên kết.

Năm 2024 là năm các địa phương có nhiệm vụ hoàn thành kế hoạch, lộ trình triển khai, giải pháp thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu của quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương, tạo động lực phát triển trong giai đoạn mới; hết sức lưu ý đến vấn đề phát triển, gắn kết của các tiểu vùng.

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023, xây dựng kế hoạch năm 2024 của Hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, ngày 13/1, tổ chức tại TP Vinh (Nghệ An), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà lưu ý tính liên kết phải bắt đầu từ liên kết về cơ chế, chính sách; sau đó là đầu tư kết cấu hạ tầng nội vùng, liên vùng.

Trong vùng có từng tỉnh, từng tiểu vùng. Vấn đề hiện nay vẫn là hoàn thiện cơ chế, chính sách. Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho một số tỉnh, thành cần phải được tổng kết thành chính sách chung, trước hết trong nội vùng.

Ngô Đức Hành - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Xác định nguyên nhân 4 người tử vong trong vụ cháy trên phố Hàng Lược

Ngày 15-1, Công an thành phố Hà Nội thông tin, quá trình tổ chức chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vụ cháy số nhà 4 Hàng Lược, phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) phát hiện 4 người bị nạn đã tử vong gồm: 2 người lớn, 2 trẻ em, nạn nhân được phát hiện tử vong trong trạng thái bị ngạt khói nhiều tại hiện trường. Trong gia đình có 1 người trong nhà thoát nạn qua ban công tầng 4 và thoát qua ban công nhà bên cạnh là chị N.M.H (sinh năm 1988; là con của ông N.Đ.H chủ hộ gia đình), được lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tiếp cận đưa xuống dưới an toàn.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/suc-manh-lien-ket-d203352.html