Sức mạnh nông nghiệp

02/01/2019 09:03

Kinhte&Xahoi Nhìn lại năm 2018, nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu khả quan, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) đạt 40 tỷ USD. Sau nhiều năm, XK nông sản đã vượt dầu thô, trở thành điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam.

Cùng với quá trình tái cơ cấu (TCC) đúng hướng, nông nghiệp Việt Nam thời gian tới dự báo sẽ trở thành một trong những mũi nhọn chủ lực của nền kinh tế.

Nông nghiệp Việt Nam năm 2018 trở thành điểm sáng của nền kinh tế.

 

Xuất khẩu nông sản vượt dầu thô

Trong năm 2018, dù phải đối mặt với 14 loại hình thiên tai, thiệt hại về kinh tế hơn 20.000 tỷ đồng, nhưng khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2012 – 2018. Giá bán sản phẩm ổn định cùng với thị trường XK được mở rộng là động lực chính thúc đẩy sản xuất.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,65% (vượt chỉ tiêu Chính phủ giao 2,8 đến 3%), đóng góp 8,8% vào mức tăng trưởng chung. Trong đó, khu vực sản xuất nông nghiệp đạt mức tăng 2,78%, là mức tăng cao nhất giai đoạn 2012 - 2018. Thủy sản cũng đạt kết quả tốt với mức tăng 6,37%, cũng là mức tăng trưởng cao nhất tám năm qua. Khu vực sản xuất lâm nghiệp tăng 5,9%.

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, kim ngạch XK nông, lâm, thuỷ sản đến giữa tháng 12/2018 ước đạt 3,61 tỷ USD. Như vậy, tổng giá trị XK của cả năm 2018 đạt 40 tỷ USD, tăng 9,1% và nhiều hơn 3,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2017. Kết quả này đã đưa Việt Nam vươn lên đứng thứ 15 trong các quốc gia XK nông sản trên thế giới.

Cụ thể, giá trị XK các mặt hàng nông sản chính ước đạt gần 18,1 tỷ USD, tăng 3,1%;  thuỷ sản đạt 8,1 tỷ USD, tăng 6,8%; chăn nuôi đạt 0,51 tỷ USD, tăng 13%; các mặt hàng lâm sản chính đạt 8,6 tỷ USD, tăng 18%. 

Theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNN, trong năm 2018, bên cạnh các mặt hàng chủ lực XK như gỗ, thủy sản, rau quả thì gạo XK đã vượt kỷ lục cũ. Trong năm 2018, gạo XK đạt 6,15 triệu tấn với kim ngạch đạt 3,15 tỷ USD, tăng 5,7% về lượng và 19,6% về trị giá so với năm 2017.

Cũng trong năm 2018, Việt Nam đã đạt được những thỏa thuận ban đầu để tham gia các hiệp định thương mại gồm CPTPP và EVFTA, trong đó, các mặt hàng nông sản XK sẽ được hưởng ưu đãi lớn về thuế, là điều kiện thuận lợi cho XK nông sản thời gian tới.

Các chuyên gia kinh tế dự báo, nếu tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng, cùng với đổi mới cơ chế chính sách cũng như được tạo nhiều điều kiện thuận lợi, nông nghiệp Việt Nam trong những năm tới sẽ còn tiếp tục gặt hái nhiều thành công hơn nữa, trở thành một trong những mũi nhọn chủ lực của nền kinh tế.

Tái cơ cấu ngành đang đi đúng hướng

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế nông nghiệp, quá trình TCC nông nghiệp theo trục sản phẩm đã mang lại những kết quả khả quan. Bộ NN&PTNN cũng là một trong số các bộ, ngành có quá trình TCC đạt nhiều thành tựu, được Chính phủ đánh giá cao.

Tại hội nghị tổng kết 5 năm TCC ngành, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng, trong 5 năm thực hiện TCC ngành Nông nghiệp đã đem lại nhiều thành quả hết sức phấn khởi, tạo sự chuyển biến rõ rệt về cơ cấu sản xuất, cơ cấu kinh tế nông nghiệp và kinh tế ở nông thôn. Sản xuất chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng; sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được các cấp, ngành, doanh nghiệp và nông dân quan tâm phát triển; góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giải quyết việc làm.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường nhớ lại, thời điểm năm 2013, nông nghiệp đã làm nên những thành tựu “thần kỳ”. Tuy nhiên, tồn tại của nền nông nghiệp khi đó là năng suất, hiệu quả rất thấp, sản xuất bấp bênh. Người dân sản xuất kiểu ồ ạt, “chạy theo phong trào” mà không biết đến đầu ra, chưa có chuỗi sản xuất khép kín. Trong khi đó, nền kinh tế lại đang trên đà hội nhập sâu rộng, nguy cơ thua ngay trên sân nhà là rất lớn. Chưa kể, giai đoạn “dân số vàng” đã sắp kết thúc mà vẫn chưa kịp giàu.

Tuy nhiên, chỉ sau 5 năm thực hiện Đề án TCC nông nghiệp, bức tranh của ngành gần như lột xác. Một trong những điểm nhấn 5 năm qua là số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng nhanh chưa từng có.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNN: “Quá trình TCC đang đi đúng hướng”.

 

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: “Chỉ trong vòng bốn năm gần đây, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng gấp ba lần, từ 3.000 doanh nghiệp lên 9.000 doanh nghiệp, chưa kể 49.000 doanh nghiệp ở khu vực công nghiệp chế biến phụ trợ cho nông nghiệp. Số lượng hợp tác xã cũng phát triển nhanh chóng lên tới 13.200, cùng 33.000 trang trại đã đồng hành rất tốt với hơn tám triệu nông dân. Trong hai năm (2017 - 2018) số vốn đầu tư vào nông nghiệp khoảng 10.040 tỷ đồng”. Bộ trưởng Cường cho rằng, đầu tư vào nông nghiệp tăng như vậy là tín hiệu đáng mừng đối với ngành bởi lợi nhuận ít và nhiều rủi ro.

Bộ NN&PTNT cũng khẳng định, những tồn tại trước mắt còn nhiều. Do đó, TCC nông nghiệp là chiến lược lâu dài, đòi hỏi có tầm nhìn xa, vì thế mới xác định, đề án này có tầm nhìn thực hiện đến năm 2045.

Trong thời gian tới, nền nông nghiệp Việt Nam được hướng đến là nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh; cải thiện nhanh hơn đời sống của người dân nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, sinh thái và bảo đảm an ninh quốc phòng.

 

Theo Phapluatplus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

10 Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019

10 Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019. Đó là: Luật An ninh mạng; Luật Tố cáo; Luật Quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung 11 luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch; Luật Quốc phòng; Luật Lâm nghiệp; Luật Thủy sản; Luật Đo đạc và bản đồ; Luật Thể dục, thể thao.