Ảnh minh hoạ. (Nguồn: PLO)
Ngày 26/5, Ủy ban ATGT Quốc gia thông tin về tình hình tai nạn giao thông (TNGT) tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020. Căn cứ báo cáo nhanh của Văn phòng Bộ Công an và Cục Hàng hải Việt Nam, trong tháng 5/2020 (từ ngày 15/4/2020 đến 14/5/2020), toàn quốc xảy ra 998 vụ TNGT, làm chết 529 người và làm bị thương 660 người. So với tháng cùng kỳ năm 2019 giảm 328 vụ, giảm 29 người chết, giảm 415 người bị thương.
Về số liệu TNGT 5 tháng đầu năm 2020 (tính từ ngày 15/12/2019 đến 14/5/2020), trên cả nước đã xảy ra 5.508 vụ TNGT, làm chết 2.667 người, bị thương 3.965 người. Nếu so với 5 tháng đầu năm 2019, số vụ đã giảm 18,75% (tương đương 1.271 vụ), số người chết giảm 14,74% (giảm 461 người), số người bị thương giảm 1.289 người (tương đương với 24,53%).
Ủy ban ATGT quốc gia cho biết, nguyên nhân chủ yếu xảy ra các vụ TNGT là do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường. Ngoài ra, thêm một nguyên nhân nữa là do người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông chưa tuân thủ nghiêm các quy định về bảo đảm trật tự ATGT. Công tác quản lý lái xe của một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, trong khi lực lượng chức năng thực hiện các nhiệm vụ thanh tra, tuần tra kiểm soát còn mỏng trên các địa bàn quản lý.
Nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, ông Nguyễn Trọng Thái cho biết, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm trật tự an toàn giao thông theo chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
Cùng với đó, tiếp tục hoàn thiện, triển khai quyết liệt các cơ chế, chính sách có ảnh hưởng lớn đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin ở cả chiều rộng và chiều sâu nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và hiệu lực thi hành pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác về tổ chức, điều hành giao thông, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, quản lý đào tạo, cấp giấy phép chứng chỉ chuyên môn nghiệp vụ, đăng kiểm phương tiện.
Ngoài ra, cần tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông; xử lý các bất cập về kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chấn chỉnh, xử lý các vi phạm về bảo đảm trật tự an toàn giao thông; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại...