Tai nạn giao thông liên quan đến trẻ em: Gia đình và nhà trường đều phải có trách nhiệm

01/12/2023 12:03

Kinhte&Xahoi Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trung bình mỗi năm có 2.000 trẻ em thiệt mạng vì tai nạn giao thông, trong đó 90% số vụ tai nạn liên quan đến học sinh.

Nhiều học sinh vi phạm Luật Giao thông. (Ảnh minh họa: VOVgiaothong.vn)

Thực trạng báo động

Ngày 23/11, trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ xảy ra vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên hoàn giữa hai ô tô và một xe máy. Xe máy do L.Tr.Ng., 14 tuổi, chở bạn phía sau chạy trên làn đường có vận tốc cho phép đến 100km/giờ, va chạm với xe của lực lượng tuần tra giao thông, ngã ra đường rồi bị một xe khách phía sau tông trúng. Hậu quả, Ng. bị thương, người bạn tử vong. Từ lỗi vi phạm đi trên cao tốc, vụ TNGT nghiêm trọng đã diễn ra. Hiện các cơ quan chức năng đang điều tra cụ thể vụ việc và truy cứu trách nhiệm của các bên liên quan theo quy định pháp luật.

Báo cáo của Bộ Công an từ ngày 15/12/2022 đến 14/10/2023, trên địa bàn cả nước, TNGT liên quan đến trẻ em (độ tuổi từ 6 - 18) xảy ra 881 vụ (chiếm 8,96% số vụ toàn quốc), làm chết 490 người (chiếm 8,91% số người chết toàn quốc), bị thương 827 người (chiếm 11,86% số người bị thương toàn quốc). Trong đó, có 737 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi đi bộ, trực tiếp điều khiển phương tiện liên quan trong vụ TNGT, làm chết 378 người, bị thương 658 người.

Theo phân tích của cơ quan chức năng, trong 737 vụ do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi là người đi bộ, người điều khiển phương tiện liên quan đến TNGT, có 2 vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; 25 vụ tai nạn rất nghiêm trọng; TNGT nghiêm trọng xảy ra 322 vụ; ít nghiêm trọng và va chạm giao thông 388 vụ.

Tình trạng học sinh THCS, THPT đi học bằng xe máy điện, xe máy, xe mô tô không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, kéo đẩy xe khác, sử dụng điện thoại khi lái xe, đặc biệt là hành vi điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe diễn ra khá phổ biến, làm gia tăng nguy cơ TNGT. Qua thống kê, lỗi vi phạm học sinh chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy chiếm 47,59% và hệ quả là TNGT liên quan đến hành vi điều khiển xe trên 50 phân khối chiếm 71,31%.

Cần phòng ngừa từ “gốc”

Những con số trên đã phần nào phản ánh thực trạng đáng báo động về TNGT liên quan đến học sinh hiện nay. Trong số nhiều nguyên nhân thì sự thiếu trách nhiệm của người lớn là một phần không nhỏ.

Nhiều phụ huynh giao xe máy cho con khi con chưa đủ điều kiện để lái xe, đồng nghĩa với việc phó mặc sự an toàn của con em mình vì quyết định rất thiếu an toàn của chính họ. Trong khi, TNGT xuất phát từ lý do chủ quan chiếm tỉ lệ không nhỏ, nhất là với người chưa đủ điều kiện lái xe, không đủ kinh nghiệm phán đoán và xử lý tình huống thì nguy cơ tai nạn càng cao.

Về phía các cơ quan chức năng, khi phát hiện hành vi vi phạm ở trẻ em cần có cách xử lý hợp lý, tránh gây kích động cho trẻ, đồng thời cần có sự chung tay của giáo dục. Theo đánh giá của Bộ Công an, công tác giáo dục an toàn giao thông đã được các cơ sở giáo dục lồng ghép vào chương trình chính khoá nhưng chưa có khung chương trình chuẩn cho từng cấp học. Các nội dung giảng dạy trong trường học cơ bản giới hạn ở phần lý thuyết, khối lượng thực hành còn hạn chế, do trường không có đủ điều kiện thực hiện.

Để khắc phục tình trạng trên, cơ quan chức năng, trường học cần chủ động phối hợp với phụ huynh học sinh thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, giáo dục học sinh tự giác chấp hành quy tắc giao thông… Đồng thời cần sự vào cuộc của các ngành chức năng trong việc tuyên truyền, giáo dục luật giao thông cho trẻ em, nỗ lực phòng ngừa từ “gốc”, không để trẻ đối diện với rủi ro.

Linh Chi - Pháp luật Plus

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/giao-thong-do-thi/tai-nan-giao-thong-lien-quan-den-tre-em-gia-dinh-va-nha-truong-deu-phai-co-trach-nhiem-d201576.html