Tai nạn thảm khốc 5 người tử vong: Cầu treo đã xuống cấp sau 33 năm “cống hiến”

06/10/2020 07:49

Kinhte&Xahoi Sau hơn 3 thập kỷ “cống hiến” cầu treo sông Giăng đã xuống cấp nghiêm trọng, nhưng hàng ngày vẫn có một lượng phương tiện rất lớn lưu thông qua.

Cầu treo sông Giăng nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông thảm khốc khiến 5 người tử vong. 

Trước đó, vào khoảng 19h40’ ngày 4/10, trên cầu treo sông Giăng (nối liền giữa 2 xã Phong Thịnh và Thanh Liên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

Vào thời điểm trên chiếc ô tô 7 chỗ nhãn hiệu Ford Everest BKS 30A - 935.53 do Nguyễn Thế T (SN 1980 trú tại xã Thanh Nho) điều khiển chở theo Lê Đình A (SN 1983 trú tại xã Thanh Nho) và anh Lê Đình Q (SN 1973 trú tại Thanh Nho). Khi đến địa điểm trên thì va chạm với xe mô tô Honda Air Blade do Đào Văn N (1993, trú tại xã Thanh Liên) điều khiển chở theo Hoàng Anh T (SN 1992, người cùng xóm). Hậu quả, ô tô rơi xuống sông Giăng. Cả 5 người nói trên đều tử vong.

Chiếc Ford Everest lao xuống sông sau khi va chạm với xe máy trên cầu.

Từ công tác khám nghiệm hiện trường, lực lượng chức năng đã xác định nguyên nhân sơ bộ dẫn đến tai nạn do người điều khiển ô tô không làm chủ tốc độ. Thêm vào đó, do cây cầu treo đã xuống cấp, có tuổi thọ trên 30 năm, nên khi xe đi tốc độ cao đã xảy ra có rung lắc làm tăng thêm nguy cơ dẫn đến tai nạn.

Cầu treo sông Giăng nơi xảy ra vụ tai nạn giao thông thảm khốc đã được xây dựng và đưa vào sử dụng 33 năm. Vì thế cầu cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Ông Nguyễn Thanh Hoài - Cục phó Cục Quản lý đường bộ II, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết: Cầu treo sông Giăng nối liền hai xã Thanh Liên và Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, Nghệ An nơi vừa xảy ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng khiến 5 người tử vong đã xuống cấp nghiêm trọng. Cầu treo này được xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 1987. Ban đầu cầu này do Sở Giao thông vận tải Nghệ An quản lý. Năm 2017, tỉnh lộ 533 được nâng cấp thành quốc lộ 46C nên tuyến đường và cầu được chuyển giao cho Cục Quản lý đường bộ II quản lý.

Vị trí nơi chiếc ô tô tông sập lan can rồi rơi xuống sông.

Ngay từ thời điểm tiếp nhận, Cục Quản lý đường bộ II đã khảo sát, đánh giá mức độ an toàn của cầu treo này. Trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của cầu, đơn vị cũng  đã có văn bản đề nghị cho phép sửa chữa cầu theo dự án cấp bách sửa chữa thay thế cầu yếu, tuy nhiên sau đó không được phê duyệt.  Do cầu rất yếu nên đơn vị này đã cho cắm biển hạn chế tải trọng chỉ cho phép xe dưới 7 tấn lưu thông, đồng thời cắm biển cảnh báo cầu yếu, làm thanh chắn giới hạn khổ phương tiện.

Vào năm 2017, khi cầu hư hỏng quá nặng Cục quản lý đường bộ II cũng đã tiến hành sửa chữa và đồng thời tiến hành duy tu bảo dưỡng hàng năm. Mặc dù đã xuống cấp nhưng hàng ngày cây cầu vẫn phải gồng mình “gánh” một lượng phương tiện rất lớn lưu thông trên quốc lộ 46C.

Nhiều vị trí bị dỉ sét, hư hỏng được gia cố tạm.

Theo quan sát của phóng viên, trên thành cầu nhiều vị trí đã hư hỏng được khắc phục tạm thời, một số vị trí dị dỉ dét. Bề rộng cầu và mặt đường khoảng 5m. Trên cầu không có hệ thống đèn chiếu sáng nên vào ban đêm rất tối. Đặc biệt một số vị trí phần bê tông cũng đã nứt nẻ. Hệ thống lan can cầu đã được làm từ rất lâu hoàn toàn không có khả năng chịu những lực tác động lớn, đặc biệt khi một chiếc ô tô tông vào. Nhiều vị trí lan can bị rỉ sét, đứt được gia cố tạm bằng dây thép. Tại vị trí xảy ra vụ tai nạn, một đoạn lan can cầu dài hơn 10 m cũng bị tông đổ. Hiện lực lượng chức năng đang nỗ lực khắc phục, đảm bảo an toàn.

Đại diện chính quyền địa phương, đơn vị quản lý đường bộ đã nêu một số ý kiến kiến nghị về việc cầu treo đã xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo an toàn cho xe lưu thông, cần sớm đầu tư xây mới 1 cây cầu cứng để người dân đi lại an toàn.

Sau 33 năm "cống hiến" cầu treo sông Giăng đã xuống cấp. 

Ông Lê Hồng Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đánh giá: Qua vụ tai nạn này, chúng ta thấy cầu treo sông Giăng đã quá cũ tuy nhiên để có được đánh giá một cách khách quan và chính xác. Ông cũng đề nghị Cục Quản lý đường bộ II tiến hành thuê đơn vị kiểm định độc lập để kiểm định chất lượng cầu. Không phải do tai nạn xảy ra ta mới kiểm định, mà giờ cầu đã 33 năm nên cần kiểm định để xem chất lượng cầu bây giờ như thế nào. Khi có kết quả sẽ có căn cứ để đưa ra phương án như xây mới hoặc sửa chữa, hạn chế tải trọng xe.


Bên cạnh đó, ông Lê Hồng Vinh cũng đề nghị Cục Quản lý đường bộ II, Sở Giao thông vận tải Nghệ An lập báo cáo cụ thể về hiện trạng cầu, tính cấp thiết của việc xây dựng cây cầu mới để đưa vào kế hoạch xây dựng năm 2021 trình các cấp có thẩm quyền thẩm định cho phép đầu tư.

Quang Phong - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kiến ba khoang “tấn công” Hà Nội

Những ngày qua, trên địa bàn TP Hà Nội liên tục phát hiện kiến ba khoang vào nhà người dân, nhất là buổi tối khiến nhiều người phải tìm đến các cơ sở y tế để khám và điều trị. Thậm chí theo thông tin từ Bệnh viện (BV) Da liễu Trung ương, hai tuần gần đây mỗi ngày BV này tiếp nhận gần 100 bệnh nhân đến khám do tiếp xúc với kiến ba khoang.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/tai-nan-tham-khoc-5-nguoi-tu-vong-cau-treo-da-xuong-cap-sau-33-nam-cong-hien-d136967.html