Bộ phim “Con chim gỗ” đạt giải thưởng kép tại Liên hoan phim Việt Nam 2021.
Thất thế ngay trên “sân nhà”
Thị trường phim hoạt hình Việt Nam vốn được đánh giá giàu tiềm năng nhưng đáng tiếc, trong suốt thập kỷ qua, thể loại phim này dường như không hề có “chỗ đứng”. Ngay cả trên chính “sân nhà”, các bộ phim hoạt hình do nước ngoài sản xuất hoàn toàn áp đảo doanh thu và người xem tại các phòng vé trong nước cũng như các nền tảng chiếu phim trực tuyến.
Kể từ khi đại dịch bùng phát, các nhà sản xuất phim hoạt hình trên thế giới hầu như đều đã chuyển qua hình thức sản xuất trực tuyến để giữ kịp tiến độ sản xuất và phát sóng. Đơn cử, những bộ phim hoạt hình nổi tiếng trong mùa dịch như “Ron's Gone Wrong” (Chú Robot Khác Biệt), “Soul” (Cuộc sống nhiệm màu), “Raya and the Last Dragon” (Raya và Rồng thần cuối cùng), “The Simpsons” (Gia đình Simpsons)…
Tại Việt Nam, ngành phim hoạt hình vẫn “loay hoay” trong nhiều năm nay. Sự vào cuộc của các nhà làm phim hoạt hình tư nhân vẫn chưa thực sự thay đổi được “diện mạo” thị trường. Chưa kể, đại dịch lại chính là một “cú giáng mạnh” vào các nhà sản xuất phim hoạt hình khi không thể giữ kịp tiến độ và thiếu thốn các nguồn lực, nguồn tài trợ. Phim hoạt hình Việt bao lâu nay vẫn thường bị khán giả chê là khô cứng, nét vẽ đơn giản, thiếu sáng tạo, khó có thể gây được tiếng vang, thị trường phim hoạt hình ảm đạm.
Đáng nói, không phải nền phim hoạt hình Việt Nam chưa từng có “điểm nhấn” trên trường quốc tế. Rất lâu trước đây, những năm đầu thập niên 1960, Việt Nam đã từng là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á có phim hoạt hình, với sự ra đời của phim hoạt hình đen trắng “Đáng đời thằng Cáo”. Một số phim đã đoạt giải cao trong các Liên hoan phim (LHP) quốc tế như “Mèo con” - giải Bạc tại LHP Ru-ma-ni 1966, Bằng khen tại LHP Phơ-răng-phuốc (Đức) năm 1967; “Chuyện Ông Gióng” với giải Vàng tại LHP Lai-xích (Đức) năm 1971… Thế nhưng đến nay, phim hoạt hình Việt Nam hiện đang xếp ở vị trí rất thấp trong ngành công nghiệp hoạt hình thế giới.
“Bài toán” phim hoạt hình chiếu rạp
Tại LHP Việt Nam 2021, bộ phim “Con chim gỗ” đã một lần nữa nhận giải thưởng kép Bông Sen Vàng thể loại phim hoạt hình và giải Đạo diễn xuất sắc. Vào năm 2020, bộ phim này cũng nhận được hai giải thưởng nêu trên. Đáng nói, trong 23 bộ phim tham gia LHP năm nay, số lượng phim hoạt hình tham dự tương đối nhiều nhưng chủ yếu là phim ngắn, độ dài trung bình 10-20 phút, phim dài nhất cũng chỉ 30 phút.
Có thể thấy, sự đa dạng của thị trường phim hoạt hình Việt Nam vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Hiện nay, có ba khu vực làm phim hoạt hình tại Việt Nam là các đơn vị nhà nước, các đơn vị làm theo số lượng và các studio, trong đó có những đơn vị được đánh giá có môi trường, quy trình sản xuất chất lượng cao. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rất ít phim hoạt hình Việt đã tạo ra tiếng vang lớn với công chúng, thậm chí tìm một bộ phim hoạt hình Việt chiếu rạp để xem cũng cực kỳ hiếm thấy.
Trên thế giới, ước tính chi phí trung bình để làm một phim hoạt hình có thể gấp tới 4 lần chi phí làm một tập phim truyền hình cùng thời lượng. Đối với các nhà sản xuất Việt Nam, đó là một khoảng đầu tư cần rất nhiều sự cân nhắc.
Trả lời báo chí, bà Trần Thu Hiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Hãng phim Hoạt hình Việt Nam cho biết: “Để sản xuất một bộ phim hoạt hình chiếu rạp hội tụ nhiều điều kiện. Đầu tiên, phải có kịch bản tốt. Thứ hai là năng lực sản xuất gồm con người và yếu tố kỹ thuật. Phim muốn đủ chuẩn chiếu rạp phải đáp ứng được tiêu chuẩn hình ảnh 4K, đồng nghĩa phải đầu tư máy móc, thiết bị, nâng cấp phần mềm. Đội ngũ nhân sự cũng phải cập nhật trình độ để có thể vận hành được các thiết bị máy móc, phần mềm”.
Theo bà Thu Hiền, nhiệm vụ sản xuất phim truyện hoạt hình chiếu rạp đang được Hãng phim Hoạt hình Việt Nam triển khai khâu kịch bản từ năm 2020 và đã trải qua mấy vòng thẩm định, dự kiến năm 2023 sẽ bắt tay vào sản xuất để ra mắt vào năm 2025.
Có thể thấy, nhiều năm nay, phim hoạt hình Việt vẫn chưa được nhìn nhận đúng tầm, chưa có “sân chơi”. Thậm chí có những bộ phim có kinh phí lớn, đã được giải thưởng nhưng lại không có đầu ra mà chỉ được phát miễn phí trên Youtube. Đó chính là trường hợp của phim “Awaken” của DeeDee Animation Studio. Chưa kể đến, còn vô vàn khó khăn khác như: phim hoạt hình phục vụ khán giả Việt vẫn ít, chưa thể đáp ứng nhu cầu thị trường; đội ngũ làm nghề chủ yếu sản xuất cho nước ngoài, do nước ngoài đầu tư. Bên cạnh đó, thiếu cơ chế động viên các bạn trẻ theo nghề lâu dài và làm ra các sản phẩm chất lượng.
Diệu Bảo - Pháp luật Plus