Tài xế vi phạm giao thông không chấp hành phạt sẽ bị dừng cấp đổi bằng lái

15/11/2024 17:01

Kinhte&Xahoi Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua quy định, nếu tài xế vi phạm giao thông nhưng chưa nộp đủ tiền sẽ dừng cấp, đổi, cấp lại giấy phép lái xe.

Thông tin từ Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, có rất nhiều quy định mới về đổi, cấp bằng lái xe.

Theo đó, theo quy định hiện hành, giấy phép lái xe (GPLX) có 13 hạng, nhưng theo Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ, GPLX gồm 15 hạng.

Tài xế vi phạm giao thông không chấp hành phạt sẽ bị dừng cấp đổi bằng lái. (Hình minh hoạ)

Để quy định phân hạng mới không gây nhiều tác động và bảo đảm thực thi trong quá trình triển khai thực hiện, Cục Cảnh sát giao thông, cho biết việc cấp GPLX theo hạng mới sẽ được thực hiện đối với người cấp lần đầu kể từ ngày 1/1/2025.

GPLX được cấp trước ngày luật có hiệu lực được sử dụng theo thời hạn và giá trị ghi trên GPLX, nếu cần cấp lại sẽ được chiếu theo các hạng của luật mới.

Về điểm bằng lái, Cục Cảnh sát giao thông nói năm sau mỗi GPLX sẽ có 12 điểm và sẽ bị trừ nếu vi phạm giao thông.

Số điểm trừ tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm.

Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ vừa được Quốc hội thông qua cũng nêu, trường hợp bằng lái bị trừ hết điểm, tài xế không được lái xe theo giấy phép đó trong thời gian ít nhất 6 tháng.

Sau đó, tài xế phải tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ do lực lượng Cảnh sát giao thông tổ chức, có kết quả đạt yêu cầu mới được phục hồi đủ 12 điểm.

GPLX chưa bị trừ hết điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất thì được phục hồi đủ 12 điểm.

GPLX sau khi đổi, cấp lại, nâng hạng được giữ nguyên số điểm của GPLX trước đó.

Luật mới cũng quy định, nếu tài xế vi phạm giao thông nhưng chưa nộp đủ tiền sẽ dừng cấp, đổi, cấp lại GPLX.

Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng quy định nâng độ tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm từ 55 tuổi lên 57 tuổi đối với nam, từ 50 tuổi lên đủ 55 tuổi đối với nữ.

Thời gian lái xe của người lái xe ô tô kinh doanh vận tải và vận tải nội bộ không quá 10 giờ trong một ngày, và không quá 48 giờ trong một tuần.

Cục Cảnh sát giao thông cũng cho biết luật mới giữ nguyên quy định 3 mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn như sau:

Điều khiển xe máy hoặc ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở.

Tuy nhiên, theo dự thảo nghị định hướng dẫn luật này đang trình lên Chính phủ, Bộ Công an đề xuất đối với ô tô, cơ quan soạn thảo giữ nguyên mức 1 và mức 3 nhưng điều chỉnh tăng mức 2 từ 16-18 triệu đồng lên 18-20 triệu đồng.

Đối với xe máy, Bộ Công an đề xuất giữ nguyên mức 1, tăng mức 2 từ 4-5 triệu đồng lên 6-8 triệu đồng và mức 3 từ 6-8 triệu đồng lên 8-10 triệu đồng.

Thêm vào đó, người vi phạm nồng độ cồn mức 2 trở lên còn bị trừ sạch 12 điểm bằng lái, còn mức 1 sẽ bị trừ hết điểm bằng lái nếu tái phạm nhiều lần.

Số lần tái phạm sẽ được Bộ Công an quy định ở thông tư hướng dẫn.

phapluatplus.baophapluat.vn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đón chờ gió lạnh đầu mùa

Với tôi, Hà Nội mùa nào cũng có phong vị riêng. Mỗi khi Thu đã cạn ngày mà Đông chưa kịp tới, cảm giác háo hức đón chờ gió lạnh đầu mùa lại trở về trong tôi.

https://phapluatplus.baophapluat.vn/tai-xe-vi-pham-giao-thong-khong-chap-hanh-phat-se-bi-dung-cap-doi-bang-lai-204973.html