Tăng cường phòng, chống tệ nạn xã hội dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023

05/01/2023 14:42

Kinhte&Xahoi Góp phần xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, nhất là vào thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các cơ quan chức năng trên địa bàn thành phố Hà Nội tập trung cao điểm phòng, chống tệ nạn xã hội.

Tại Chỉ thị số 17-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc tổ chức phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023 trên địa bàn thành phố nêu rõ, để chuẩn bị tốt nhất các điều kiện phục vụ nhân dân Thủ đô đón mừng năm mới 2023 và vui xuân, đón Tết Nguyên đán Quý Mão lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo khí thế phấn khởi…, cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp từ thành phố tới cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.

Đại diện cơ quan chức năng tư vấn điều trị cai nghiện ma túy tại cộng đồng cho người nghiện ma túy (người ngồi bên phải) ở phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân

Theo đó, thành phố yêu cầu các địa phương tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; xử lý nghiêm các vi phạm, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, đối ngoại, văn hóa - xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Hiện, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn Hà Nội được ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan chức năng triển khai qua 3 nội dung chính, đó là cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy; phòng chống mại dâm và tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán trở về.

Về cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma túy, năm vừa qua, toàn thành phố đã tổ chức cai nghiện bắt buộc cho hơn 1.100 người; Đồng thời vận động, tiếp nhận cai nghiện theo hình thức tự nguyện cho hơn 1.360 người, đạt kế hoạch đề ra; Giúp học viên cai nghiện tăng cơ hội hòa nhập để tránh xa con đường lầm lỡ, các cơ sở cai nghiện ma túy quan tâm tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo nghề cho 500 học viên trong quá trình cai nghiện.

Tại cộng đồng, đến cuối năm 2022, Hà Nội có 263 xã, phường, thị trấn áp dụng mô hình quản lý, chăm sóc, hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú, tăng 176 mô hình so với cuối năm 2021.

Đáng chú ý, Đội Công tác xã hội tình nguyện và các tổ chức, đoàn thể ở địa phương tiếp tục duy trì quản lý, theo dõi, giúp đỡ 1.900 người đã hoàn thành cai nghiện, đạt hơn 200% kế hoạch. Một số người có nhu cầu vay vốn tạo việc làm được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi…

Đội công tác xã hội tình nguyện phường Hạ Đình cùng đại diện các cơ quan chức năng của phường Hạ Đình (quận Thanh Xuân) trao đổi phương án hỗ trợ người nghiện ma túy trên địa bàn

Nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tệ nạn xã hội, năm vừa qua, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều buổi khảo sát để đánh giá hoạt động mại dâm tại địa bàn công cộng và kiểm tra tại hơn 3.600 cơ sở kinh doanh dịch vụ, qua đó xử phạt hơn 180 cơ sở vi phạm.

Mô hình hỗ trợ giảm hại về mại dâm tiếp tục được triển khai ở các quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Hoàng Mai; đồng thời nhân rộng tại quận Hà Đông và Hai Bà Trưng.

Về việc phòng, chống mua, bán người, các bên cùng tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao cảnh giác của mỗi người dân. Với nạn nhân được giải cứu, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã tiếp nhận và hỗ trợ khẩn cấp giúp ổn định cuộc sống cho 108 người, trong đó có 5 người là công dân Hà Nội.

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam, công tác phòng, chống tệ nạn xã hội dù đạt kết quả khả quan nhưng tệ nạn vẫn len lỏi, thâm nhập vào đời sống nên cần tiếp tục phòng, chống bằng nhiều giải pháp. Hình thức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và tại cộng đồng được đánh giá là mô hình thân thiện, nhân văn nhưng đa số địa phương hiện chưa đủ điều kiện cung cấp dịch vụ cai nghiện. Điều này lý giải vì sao trong năm 2022, Hà Nội chỉ có hơn 260 người tham gia điều trị tại gia đình, cộng đồng, bằng 22% so với năm 2021.

Hiện tại, các cơ quan chức năng thành phố Hà Nội đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp phòng, chống tệ nạn xã hội, tập trung cao điểm vào dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Theo đó, các đơn vị chú trọng tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống ma túy, cách nhận biết các chất ma túy mới tẩm trong thực phẩm, thuốc lá...

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý người nghiện, người cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy cũng được triển khai, làm căn cứ để các đơn vị đưa ra giải pháp phòng, chống ma túy phù hợp, khả thi.

Ngoài ra, để xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến ma túy, mại dâm, lực lượng chức năng còn thường xuyên thanh tra, kiểm tra, tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, lên phương án triệt xóa.

 Diệu Linh- TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốchttps://tuoitrethudo.com.vn/tang-cuong-phong-chong-te-nan-xa-hoi-dip-tet-nguyen-dan-quy-mao-2023-214917.html