Tăng cường “sức đề kháng” khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội

12/04/2023 13:45

Kinhte&Xahoi Trong thời đại của công nghệ thông tin và mạng xã hội, giới trẻ đang có nhiều cơ hội để tiếp cận với các nội dung mới mẻ và đa dạng. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó, ngày càng xuất hiện nhiều nội dung xấu độc, gây hại cho sức khỏe tinh thần và giá trị văn hóa. Giới trẻ đang đối mặt với những nguy cơ và phải chuẩn bị gì để tự bảo vệ mình?

Quá nhiều nội dung độc hại

 Ngày nay, nhiều nền tảng mạng xã hội như YouTube, Tiktok và Facebook trở thành những kênh giải trí quen thuộc của giới trẻ. Tuy nhiên, trên các nền tảng này, những nội dung xấu độc như video và hình ảnh khiêu dâm, bạo lực, ma túy, bạo hành… đang tràn lan, thu hút lượng lớn người xem, đặc biệt là những người trẻ tuổi.

Chỉ cần với vài từ khóa đơn giản, chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm những hot trend mà giới trẻ quan tâm. Các clip ngắn hoặc bài viết này thường bắt đầu bằng những đề tài gây tò mò, giật gân và lạm dụng các cảnh nóng, hở hang, bạo lực… để thu hút sự chú ý của người xem.

Ngày nay, mạng xã hội trở thành kênh giải trí quen thuộc của giới trẻ (Ảnh minh họa)

Khi được hỏi “bạn dành bao lâu cho việc giải trí trên các nền tảng mạng xã hội?”, không ít bạn trẻ nói rằng có thể dùng cả ngày nếu không phải đi học, đi làm. Theo một thống kê gần đây, nước ta có tới 76.95 triệu người dùng mạng xã hội và dù xuất hiện chưa lâu nhưng tới nay có trên 18 triệu người dùng TikTok.

Tất cả những điều trên chứng tỏ sức hút khủng khiếp của mạng xã hội. Từ đó, những nội dung xấu và độc hại đã dần phát triển, gây hại cho sức khỏe tinh thần, các hành vi trong cuộc sống thực của giới trẻ; Ảnh hưởng đến giá trị văn hóa. Thêm vào đó, việc truyền tải các nội dung xấu độc này sẽ tác động xấu đến hình ảnh, danh tiếng của mỗi người khi đăng tải hoặc chia sẻ nó trên mạng xã hội.

Sự vào cuộc của các cơ quan chức năng

 Trước sự cấp bách phải ngăn chặn các nội dung xấu độc trên nền tảng mạng xã hội, vừa qua, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, trước đây trên các nền tảng mạng xã hội, nội dung thuần túy về giải trí. Từ năm 2022 trở lại đây, nhiều nội dung độc hại, bạo lực phát triển mạnh mẽ, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội, đặc biệt là giới trẻ.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông)

“Các nội dung trên TikTok gây nghiện và liên tục tạo ra xu hướng (trend) độc hại từ đó ảnh hưởng xấu đến giới trẻ và người dùng”, ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.

Phân tích những vi phạm trên TikTok và các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt những nguy hại về nội dung xấu, độc, xuyên tạc, ông Lê Quang Tự Do cho biết, hệ lụy của những sai phạm này đã tạo môi trường thuận lợi cho phát tán tin giả, gây thiệt hại về kinh tế và bất ổn cho xã hội. Bên cạnh đó, các nền tảng này đã khuyến khích giới trẻ bắt chước, học theo những trào lưu xấu, phản cảm, làm lệch lạc nhận thức, lối sống, làm băng hoại giá trị văn hóa của dân tộc.

“Trước thực trạng trên, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải có trách nhiệm ngăn chặn, gỡ bỏ nội dung, thông tin vi phạm theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền”, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử khẳng định.

Những nội dung nhảm nhí, xấu độc xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội (Ảnh minh họa)

Cần nâng cao nhận thức của giới trẻ

 Hiện nay, giới trẻ ngày càng nhận thức rõ về tác hại của các nội dung xấu độc trên mạng xã hội và đã bày tỏ nhiều những ý kiến xung quanh vấn đề này. Một số người trẻ cho rằng, sự xuất hiện của các nội dung xấu độc trên mạng xã hội đang tạo ra sự phân hóa trong xã hội, khiến cho những người có quan điểm và hành vi đúng mực trở nên xa lạ và bị áp lực từ những người xung quanh.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, bạn Ngọc Khánh (22 tuổi, sinh viên trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cảm thấy lo lắng về việc giới trẻ đang mất cân bằng trong việc tiếp nhận thông tin chưa được kiểm chứng, cập nhật tin tức xấu độc… từ đó ảnh hưởng sức khỏe tinh thần và cuộc sống.

Tuy nhiên, cũng có một số người trẻ cho rằng, nhận diện được các nội dung xấu và tốt trên mạng xã hội sẽ giúp người dùng hoàn thiện và nâng cao sự phòng vệ của bản thân. Bạn Thanh Ngân (19 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, việc tiếp cận các nội dung xấu độc cũng giúp cho giới trẻ có cái nhìn toàn diện về cuộc sống từ đó học được cách tiếp nhận và bài trừ các nội dung xấu độc đó ra khỏi tâm trí.

Bạn Thanh Ngân cho rằng người trẻ cần nhận diện rõ các nội dung xấu độc trên mạng xã hội để nâng cao phòng vệ

Là phụ huynh có con đang học cấp 3, chị Loan (37 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, chị đã dạy con nên theo dõi kênh nào trên mạng xã hội và học cách tiếp thu thông tin sao cho chính xác, tránh theo dõi các trang tin rác, câu like, câu view.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học giáo dục, trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội: “Giới trẻ quan tâm đến các nội dung xấu độc trên mạng xã hội không chỉ là vấn đề của riêng cá nhân mà còn là vấn đề của cả xã hội. Việc tiếp cận và tiêu thụ các nội dung xấu độc này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, giáo dục và giá trị văn hoá của giới trẻ. Khi tham gia thế giới số, chúng ta phải biết được tính xác thực của thông tin trên môi trường đó”.

Chuyên gia Trần Thành Nam nhận định, vấn đề này cần được xử lý bằng cách kiểm soát nội dung và tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức của giới trẻ về tác hại của những nội dung xấu độc trên mạng xã hội.

Trong tất cả các ý kiến phản ánh, điểm chung là cần có sự kiểm soát và quản lý nghiêm ngặt các nội dung xấu độc trên mạng xã hội, đồng thời tăng cường việc giáo dục. Chỉ khi có sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên liên quan, giới trẻ mới có thể được bảo vệ và môi trường mạng xã hội mới thực sự lành mạnh, đáng tin cậy; Đồng thời tránh những hệ lụy đáng tiếc xảy ra khi các mạng xã hội bị lạm dụng như hiện nay.

 Việt Tiến - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Quyết liệt tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy các công trình, dự án

Sáng 12/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp Phiên thứ 5 của Ban Chỉ đạo nhằm kiểm điểm kết quả Phiên họp lần thứ 4 và bàn các giải pháp, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy thực hiện các công trình, dự án.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tang-cuong-suc-de-khang-khi-tiep-nhan-thong-tin-tren-mang-xa-hoi-221581.html