GS.TS Lê Văn Lợi - Phó Giám đốc Học Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Doãn Toản và Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải chủ trì cuộc khảo sát.
Quang cảnh cuộc khảo sát.
7 năm, triển khai 493 nhiệm vụ khoa học và công nghệ
Báo cáo tại hội nghị, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đào Xuân Dũng cho biết, trong giai đoạn từ năm 2015 đến nay, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) “về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, Hà Nội luôn quan tâm chỉ đạo cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phát triển khoa học và công nghệ.
Đặc biệt, ngày 17/3/2021, Thành ủy Hà Nội khóa XVII lần đầu tiên đã ban hành một chương trình riêng về khoa học và công nghệ là Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”. Đây là một văn bản quan trọng, xác định định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho phát triển khoa học và công nghệ của TP trong giai đoạn 2021 - 2025.
Về số lượng, giai đoạn 2015-2022, TP đã phê duyệt và triển khai 493 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp TP. Trong đó, có 104 (chiếm 21,1%) nhiệm vụ khoa học và công nghệ nghiên cứu về các vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng - an ninh của Thủ đô Hà Nội.
Về cơ cấu nhiệm vụ khoa học và công nghệ, gần 50% (51/104) các nhiệm vụ khoa học và công nghệ nêu trên là các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực kinh tế; 14-18% các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến vấn đề văn hóa, xã hội, xây dựng hệ thống chính trị, quốc phòng - an ninh.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản phát biểu tại cuộc khảo sát.
Về chất lượng, bên cạnh việc đảm bảo chất lượng, tính khoa học của nội dung nghiên cứu, các kết quả nghiên cứu đã được áp dụng với các mức độ và quy mô khác nhau, đem lại hiệu quả tốt trong các lĩnh vực quản lý, kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố hệ thống chính trị, quốc phòng, an ninh. Sản phẩm của các công trình nghiên cứu khoa học đã góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh. Tăng cường công tác phối hợp, giám sát, phản biện của người dân và tổ chức chính trị - xã hội đối với chính quyền. Qua đó, góp phần xây dựng hệ thống chính trị, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Thủ đô giàu mạnh, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc.
Tạo cơ chế thuận lợi cho công tác nghiên cứu
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học lý luận chính trị vào phát triển kinh tế - xã hội tại TP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, trong Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP chú trọng việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ vào phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời phấn đấu đến năm 2025, tổng đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên 1,0% GRDP Thủ đô.
Nêu bật những khó khăn mà TP Hà Nội gặp phải trong quá trình phát triển hiện nay, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Doãn Toản cho biết, TP luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi cho công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực phát triển. Trên cơ sở thực tiễn của TP, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy chia sẻ những mô hình hiệu quả, kinh nghiệm về cách làm hay trong ứng dụng khoa học công nghệ. Đồng thời đưa ra các kiến nghị cụ thể về các cơ chế chính sách để thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học lý luận chính trị vào phát triển kinh tế - xã hội.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải phát biểu tại cuộc khảo sát.
Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Lê Văn Lợi cho biết, thời gian qua đoàn đã tiến hành khảo sát tại nhiều địa phương để xem hiệu quả của việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học lý luận chính trị vào phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả như thế nào. Trong đó, TP Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu và ứng dụng này, song bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập từ thực tiễn.
Trên cơ sở báo cáo và các ý kiến phát biểu tại hội nghị, GS.TS Lê Văn Lợi bày tỏ sự nhất trí với các kiến nghị của TP Hà Nội về việc tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách để thúc đẩy công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học lý luận chính trị vào phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ứng dụng các nghiên cứu vào thực tiễn.
Trần Long - KTĐT