Tăng tốc hai dự án cao tốc kết nối Lạng Sơn - Cao Bằng

22/09/2023 15:52

Kinhte&Xahoi Mặc dù hai dự án cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị và Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã có phương án đầu tư từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai thi công ngoài hiện trường do vấn đề thủ tục. Hai tỉnh Lạng Sơn và Cao Bằng đang nỗ lực tăng tốc hai dự án này để có thể sớm khởi công…

Phối cảnh một nút giao tại cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị. (Ảnh: UBND tỉnh Lạng Sơn).

Gấp rút chọn nhà đầu tư cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh

Dự án đường cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) được đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP), được Thủ tướng chỉ đạo cần sớm triển khai. Đây là dự án quan trọng, nối liền hai tỉnh biên giới Lạng Sơn và Cao Bằng. Dự án có ý nghĩa quan trọng với vùng kinh tế phía Bắc, là cung đường nối khu vực Cao Bằng, Bắc Kạn với các tỉnh Đồng bằng Bắc Bộ và nối ra cảng biển với các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng.

Mới đây, dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã có những động thái tích cực. Cụ thể, ông Hoàng Xuân Ánh - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã ký Quyết định số 1199/QĐ-UBND phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo hình thức PPP (giai đoạn 1). Dự án có điểm đầu tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), điểm cuối giai đoạn 1 giao với quốc lộ 3, tỉnh Cao Bằng.

Tổng chiều dài dự án giai đoạn 1 khoảng hơn 93km, vận tốc thiết 80km/h, nền đường 17m đối với các đoạn thông thường, 13,5m với các đoạn khó khăn bề rộng. Giai đoạn 1 của dự án có tổng mức đầu tư hơn 14.300 tỷ đồng, trong đó vốn do nhà đầu tư huy động hơn 7.750 tỷ đồng, chiếm 54,09%, vốn nhà nước gần 6.600 tỷ đồng, chiếm 45,91% (vốn trung ương 2.500 tỷ đồng, địa phương hơn 4.000 tỷ đồng).

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho biết, các đơn vị chuyên môn của Cao Bằng đang gấp rút hoàn thành thủ tục đầu tư, dự kiến trong quý III năm nay, tỉnh sẽ tổ chức lựa chọn nhà đầu tư.

“Sau khi hoàn thành, công trình sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải kết nối trung tâm kinh tế, chính trị với các tỉnh miền núi phía Đông Bắc, các khu kinh tế, khu du lịch quốc gia, khu công nghiệp, phục vụ cho mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia”, Chủ tịch tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh. Đồng thời cho biết thêm, dự án còn tạo ra một tuyến cao tốc đối ngoại huyết mạch kết nối giao thương hàng hóa từ cảng quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng) đi Trùng Khánh - Urumqi (Trung Quốc) - Khorgos (Kazakhstan) sang các nước châu Âu, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng.

Vướng mắc thủ tục tại Cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị

Trong khi đó, dự án cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị vốn là thành phần 2 của cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn do Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. Thế nhưng, sau khi xong thành phần 1 dự án Bắc Giang - Lạng Sơn, nhà đầu tư Đèo Cả không thu xếp được vốn để thực hiện thành phần 2 đoạn Chi Lăng - Hữu Nghị. Do đó, UBND tỉnh Lạng Sơn đành phải tách đoạn Chi Lăng - Hữu Nghị khỏi cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn để lập làm dự án độc lập, đầu tư theo phương thức PPP.

Hồi tháng 4 năm nay, theo tư vấn của một nhà đầu tư, Lạng Sơn đề xuất gộp thêm 17km đoạn cửa khẩu Tân Thanh nối với cửa khẩu Cốc Nam vào cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị. Thế nhưng trong quá trình làm thủ tục dự án, việc gộp vào này nảy sinh nhiều vướng mắc phức tạp, tăng thời gian thu phí nên Lạng Sơn lại đề xuất tách đoạn Cốc Nam - Tân Thanh thành dự án độc lập, thực hiện từ nguồn vốn đầu tư công, còn cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị tiếp tục được thực hiện theo PPP.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lạng Sơn, phương án đầu tư dự án PPP bao gồm cả đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng và tuyến Tân Thanh - Cốc Nam sẽ gặp khó khăn do thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến 31 năm 11 tháng là rất dài và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh mới bố trí được 1.500 tỷ đồng cho dự án, còn lại 1.000 tỷ đồng sẽ phải tiếp tục bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau.

Trước đề xuất trên của Lạng Sơn, giữa tháng 9 vừa rồi, Bộ GTVT có văn bản đề nghị Lạng Sơn rà soát, tính toán, xác định chi phí đầu tư xây dựng, bảo đảm tính đúng, tính đủ, phù hợp với quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật dự án Chi Lăng - Hữu Nghị. “Luật PPP không khống chế thời gian thu hồi vốn đầu tư dự án”, Bộ GTVT cho biết. Bộ GTVT cũng đề nghị Lạng Sơn làm rõ thêm một số nội dung khi tách đoạn Cốc Nam - Tân Thành thành dự án độc lập để đầu tư công như cơ quan chủ quản, thu xếp vốn vốn trung ương và địa phương...

Như vậy, thủ tục dự án Chi Lăng - Hữu Nghị được dự đoán còn nhiều phức tạp, chưa thể triển khai công tác lựa chọn nhà đầu tư để thi công dự án trong thời gian sớm tới đây. “Chúng tôi đang nỗ lực phối hợp với các cơ quan trung ương sớm hoàn thành thủ tục đầu tư dự án” - một lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho biết.

 Minh Hữu - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/giao-thong-do-thi/tang-toc-hai-du-an-cao-toc-ket-noi-lang-son--cao-bang-d198852.html