Tăng trưởng dư nợ tín dụng chính sách 6 tháng đạt 67% kế hoạch

19/07/2018 11:35

Kinhte&Xahoi Đến hết 30/6/2018, dư nợ các chương trình tín dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 160.837 tỷ đồng, hoàn thành 67% kế hoạch cả năm.

Những con số khả quan

Trong 6 tháng đầu năm 2018, NHCSXH đã bám sát các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thống đốc NHNN Việt Nam và Nghị quyết HĐQT, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, chỉ đạo điều hành hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao trên tất cả các lĩnh vực hoạt động. Nguồn vốn đã đáp ứng kịp thời nhu cầu giải ngân các chương trình tín dụng chính sách và đảm bảo nguồn vốn thanh khoản; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, tích cực thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng một cách bền vững.

Nguồn vốn của ngân hàng chính sách đã giúp người nghèo phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo.

Đến ngày 30/6/2018, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 189.105 tỷ đồng, tăng 13.723 tỷ đồng (+7,8%) tỷ đồng so với năm 2017. Trong đó, nguồn vốn điều lệ đạt 13.893 tỷ đồng, tăng 3.197 tỷ đồng; nguồn vốn nhận ủy thác từ  ngân sách địa phương đạt 10.908 tỷ đồng, tăng 1.863 tỷ đồng; huy động vốn của các tổ chức, cá nhân trên thị trường đạt 22.548 tỷ đồng, tăng 4.054 tỷ đồng.

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đến nay đạt 181.768 tỷ đồng, tăng 9.978 tỷ đồng (+5,8%) so với cuối năm 2017, với hơn 6,7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 160.837 tỷ đồng, hoàn thành 67% kế hoạch cả năm.

Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách không ngừng được củng cố, nâng cao. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh hiện nay chỉ chiếm 0,81% tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,42%.

Cùng với đó, NHCSXH đã thực hiện báo cáo kết quả 03 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Với kết quả cụ thể kể từ khi có Chỉ thị 40-CT/TW đến nay, ngân sách nhà nước đã cấp bổ sung cho NHCSXH là 4.142,5 tỷ đồng và ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay tăng 7.100 tỷ đồng, riêng 6 tháng đầu năm 2018 tăng 1.863 tỷ đồng so với cuối năm 2017, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đến 30/6/2018 đạt 10.908 tỷ đồng.

Với doanh số cho vay trong 6 tháng đầu năm đạt 33.998 tỷ đồng tăng 2.756 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước đã giúp hơn 1,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Vốn tín dụng chính sách góp phần hỗ trợ, đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho hơn 137 nghìn lao động, trong đó gần 3 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp gần 10 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng gần 840 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng trên 14,6 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 100 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP…

Nỗ lực cho mục tiêu phát triển bền vững

Trên cơ sở kết quả tích cực đạt được của toàn hệ thống NHCSXH trong 6 tháng đầu năm, để hoàn thành nhiệm vụ chính trị năm 2018 được Chính phủ giao, NHCSXH chủ động lãnh đạo tổ chức thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm:

Chủ động khai thác, huy động nguồn lực để bổ sung vốn cho vay các đối tượng trên địa bàn, đặc biệt chương trình nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP; Chủ động xây dựng chỉ tiêu kế hoạch tín dụng cho năm tiếp theo; Tiếp tục tham mưu cho các cấp, các ngành tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 401 của Thủ tướng Chính phủ, trọng tâm tham mưu cấp vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách và nguồn vốn ủy thác tại địa phương sang NHCSXH.

Tập trung thực hiện tốt công tác phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, đặc biệt, đối với các chi nhánh có chất lượng tín dụng còn thấp hoặc chưa ổn định, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn; Nghiêm túc thực hiện lịch giao dịch tại xã; Theo dõi, nắm bắt tình hình thiên tai xảy ra tại các địa phương, kịp thời triển khai các giải pháp phòng chống, khắc phục hậu quả; thực hiện tốt công tác quản lý và xử lý nợ bị rủi ro. Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động tại NHCSXH cơ sở nhằm kịp thời phát hiện sai sót, tồn tại để có biện pháp xử lý.

Thực hiện tốt công tác truyền thông về tín dụng chính sách, đặc biệt những chính sách tín dụng mới đến các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân biết để thực hiện và giám sát thực hiện trên địa bàn... góp phần vào sự thành công chung của hệ thống.

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM