Tết về sớm trên bản Rào Tre - dân tộc Chứt

24/01/2019 15:16

Kinhte&Xahoi Vừa qua Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh vừa phối hợp với Tỉnh đoàn tỉnh Hà Tĩnh tổ chức cho bà con đồng bào dân tộc Chứt đón Tết Chăm Cha Bới năm 2018.

Người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, xã Hương Liên, huyện Hương Khê mỗi năm tổ chức hai tết truyền thống, đó là Tết Lấp Lỗ (ngày 7/7 Âm lịch) và Tết Chăm Cha Bới (đầu tháng 11 Âm lịch).

Bộ đội Biên phòng, đoàn thanh niên cùng gói bánh chưng với bà con dân tộc Chứt.

 

Theo tiếng Chứt, “chăm cha bới” có nghĩa là “mừng cơm mới”. Mỗi năm một lần, sau khi mùa màng thu hoạch xong, người Chứt lại tổ chức đón tết này để tạ ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con cái sinh sôi nảy nở và chào đón mùa vụ mới. Đây là dịp bà con đồng bào dân tộc Chứt sắm lễ vật với ý nghĩa để cảm tạ đất trời, cảm tạ mưa thuận gió hòa đã cho họ một vụ mùa bội thu, mọi người được sức khỏe dồi dào, con cái sinh sôi nảy nở, cuộc sống bình yên, hạnh phúc… và cầu mong cho vụ mùa mới tiếp tục được mưa thuận gió hòa.

Trước đây, khi còn ở trong rừng sâu, cuộc sống du canh du cư vô cùng thiếu thốn nên vào ngày Tết Chăm Cha Bới, người Chứt chỉ săn bắt con dúi, con gà rừng… để cúng ma rừng, ma rú (ma núi). Bắt đầu từ năm 2001 đến nay, khi được Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh phát hiện, đưa ra sinh sống tại bản Rào Tre, người Chứt mới có được ngày tết đủ đầy. 

Cũng như mọi năm, để cho bà con có ngày Tết đầm ấm, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh và Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh ngoài chuẩn bị các nhu yếu phẩm như: quần áo, thịt, cá, gạo, mì chính, nước mắm… còn tổ chức cho bà con gói bánh chày, bánh ống, bánh chưng và đốt lửa trại. Dịp này, Tỉnh đoàn Hà Tĩnh và Công ty cổ phần Tập đoàn giáo dục Egroup đã trao tặng 5 con bò cho 5 hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để họ có thêm điều kiện phát triển chăn nuôi, sản xuất. Ngoài ra, các đơn vị cũng trao tặng bánh chưng, giò và quần áo... cho bà con.

Trao tặng bò cho bà con bản Rào Tre để tăng gia sản xuất.

 

Với những hoạt động được phối hợp tổ chức hàng năm của Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, các tổ chức đoàn đã góp phần giúp đồng bào dân tộc Chứt giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc mình.

Tại bản Rào Tre có 41 hộ dân đồng bào dân tộc Chứt, với 147 nhân khẩu. Kể từ sau khi được Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phát hiện trong những cánh rừng sâu giữa đại ngàn và tại các hang đá ở dãy Trường Sơn đưa về định cư tại bản Rào Tre, bên thượng nguồn sông Ngàn Sâu, thuộc xã Hương Liên và được sự quan tâm, sẻ chia, giúp đỡ của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào dân tộc Chứt ngày càng có nhiều tiến bộ, đổi mới. Họ đã bắt đầu biết cách tích lũy tiết kiệm, biết cách sản xuất lúa, chăn nuôi, trồng rau màu các loại để phục vụ cuộc sống…

Hỗ trợ xe máy, sách vở cho bà con.

 

Cung đường từ trung tâm huyện Hương Khê lên bản khá vất vả tuy Nhà nước đã đầu tư cơ sở vật chất nhưng do địa hình núi rừng dốc, ngoằn nghèo nên việc lưu thông rất khó khăn. Từ ngày Bộ đội Biên phòng tỉnh cùng các cơ quan chức năng quan tâm giúp đỡ đến nay bộ mặt của bản Rào Tre thay đổi hẳn, về phong tục vẫn giữ nguyên bản sắc nhưng điện đường, trường trạm đã được khang trang, đời sống sinh hoạt của bà con được cải thiện, nhu cầu sản xuất tăng cao, ý thức pháp luật được nâng cao rõ rệt.

Nhằm hỗ trợ bà con dân tộc Chứt làm quen với cuộc sống định canh, định cư, sản xuất lương thực, xóa bỏ tình trạng hôn nhân cận huyết thống, lực lượng Biên phòng Hà Tĩnh đã chủ động phối hợp cấp ủy chính quyền, các tổ chức đoàn thể khảo sát tình hình, nắm bắt nguyện vọng của bà con để xây dựng các mô hình sản xuất mới, tổ chức các hoạt động giao lưu kết nghĩa, phục dựng, duy trì các lễ hội, văn hóa truyền thống. Ðồng thời thường xuyên chăm lo sức khỏe, đồng hành cùng trẻ em trong độ tuổi đến trường… Nhờ đó, cuộc sống của bà con nơi đây đã có nhiều đổi thay, người dân tự tin hòa nhập cuộc sống mới.

Bà con bản rào Tre vui tết đón xuân.

 

Dẫu vậy, những khó khăn người Chứt đang đối mặt cần sự chung sức, đồng lòng của cả cộng đồng xã hội với những việc làm cụ thể như: di dãn dân cư, tăng diện tích sản xuất; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, kỹ thuật canh tác, chăn nuôi…; chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng, chống bệnh tật, giáo dục - đào tạo; đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp về nhà ở, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội nhằm hỗ trợ bà con dân bản phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống bền vững.

 

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM