Thận trọng khi giá vàng “nhảy múa”

17/10/2023 06:52

Kinhte&Xahoi Giá vàng trong nước vừa trải qua đợt biến động đáng chú ý do ảnh hưởng từ thị trường quốc tế. Theo các chuyên gia, việc giá vàng biến động không ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, tuy nhiên, người dân cần thận trọng khi tham gia thị trường nhằm tránh rủi ro.

Khách hàng giao dịch tại cửa hàng của Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu. Ảnh: Nguyễn Quang

Giá vàng “nhảy múa”

Trong tuần qua, giá vàng diễn biến đáng chú ý khi ngày 12-10, giá tăng 450.000 đồng/lượng, vượt mốc 70 triệu đồng/lượng, lên mức 70,35 triệu đồng/lượng. Đáng chú ý, ngày cuối tuần 14-10, giá kim loại quý này tăng sốc. Vàng miếng SJC tăng 200.000 - 330.000 đồng/lượng (chiều mua) và 770.000 - 850.000 đồng/lượng (chiều bán), lên mức 69,7 - 69,85 triệu đồng/lượng (mua vào) và 70,95 - 71 triệu đồng/lượng (bán ra).

Trước đó, mở cửa thị trường, Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng miếng SJC là 70,4 triệu đồng/lượng (mua vào) - 71,6 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng tới 900.000 đồng/lượng (chiều mua) và 1,4 triệu đồng/lượng (chiều bán) so với cuối ngày 13-10. Mức 71,6 triệu đồng/lượng còn cách xa mức kỷ lục 74,4 triệu đồng/lượng ghi nhận vào tháng 3-2022 song là mức cao trong thời gian qua.

Sau khi tăng mạnh, đến chiều 14-10, giá vàng miếng hạ nhiệt, xuống dưới mốc 71 triệu đồng/lượng ở chiều bán. Hầu hết các cửa hàng vàng niêm yết ở mức 69,7 triệu đồng/lượng (mua vào) - 70,7 triệu đồng/lượng (bán ra).

Ngày đầu tuần 16-10, giá vàng tiếp tục đi xuống. Lúc gần 15h, Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 69,65 triệu đồng/lượng (mua vào) - 70,33 triệu đồng/lượng (bán ra), giảm 100.000 đồng/lượng (chiều mua) và 350.000 đồng/lượng (chiều bán) so với cuối ngày cuối tuần trước. Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn giảm 50.000 đồng/lượng (chiều mua) và 350.000 đồng/lượng (chiều bán), để là 69,65 triệu đồng/lượng (mua vào) - 70,35 triệu đồng/lượng (bán ra).

Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji giữ nguyên chiều mua là 69,7 triệu đồng/lượng; giảm 600.000 đồng/lượng chiều bán xuống 70,4 triệu đồng/lượng. Biên độ giá mua - bán phổ biến ở mức 680.000 - 730.000 đồng/lượng thay vì mức 1,3 triệu đồng/lượng vào cuối tuần trước.

Tương tự, giá vàng nhẫn cũng giảm 200.000 - 330.000 đồng/lượng (chiều mua) và 200.000 - 350.000 đồng/lượng (chiều bán), giao dịch phổ biến ở mức 56,8 - 57 triệu đồng/lượng (mua vào) và 57,55 - 57,9 triệu đồng/lượng (bán ra).

Với diễn biến như trên, so với chiều 14-10, giá vàng miếng giảm tới 450.000 đồng/lượng; nếu so với mức đỉnh 71,6 triệu đồng/lượng cuối tuần trước thì giá vàng giảm cả triệu đồng mỗi lượng. Những ai mua vàng lúc giá lên mức đỉnh cuối tuần trước đã bị lỗ khoảng 1,8 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước giảm bởi ảnh hưởng từ thị trường quốc tế.

Cũng vào thời điểm trên, giá vàng thế giới hạ hơn 21 USD/ounce, xuống mức 1.911,4 USD/ounce. Một trong những nguyên nhân là do nhà đầu tư đẩy mạnh chốt lời.

Không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô

Người dân cần bình tĩnh, thận trọng khi giá vàng biến động. Ảnh: Đỗ Tâm

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh, giá vàng trong nước tăng mạnh vào cuối tuần qua hoàn toàn xuất phát từ thị trường thế giới. Phiên giao dịch cuối tuần, trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới tăng tới 60 USD/ounce (tương đương khoảng 1,5 triệu đồng/lượng), lên mức 1.932,5 USD/ounce.

“Xung đột gia tăng tại khu vực Trung Đông khiến nhà đầu tư đổ xô vào vàng. Đây là nguyên nhân chính khiến giá vàng thế giới tăng mạnh như vậy”, ông Khánh nói.

Ngoài ra, trong hai năm qua, các ngân hàng trung ương trên thế giới có xu hướng mua nhiều vàng dự trữ. Tính riêng năm 2022, các ngân hàng trung ương mua khoảng 1.200 tấn vàng và dự báo năm nay, số lượng cũng lên đến 900-1.000 tấn. Chính vì thế, từ nay đến cuối năm, kim loại quý này sẽ tiếp tục được mua vào.

Mặc dù giá vàng trong nước tăng mạnh nhưng mức tăng vẫn chậm hơn quốc tế, bởi chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới đang ở mức cao. Nhìn nhận về việc giá vàng biến động mạnh có tác động đến tỷ giá trong nước hay không, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã góp phần chống “vàng hóa” nền kinh tế. Từ lâu, vàng không còn là phương tiện thanh toán, quy mô thị trường vàng hiện không lớn. Vì vậy, giá vàng biến động mạnh hầu như không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô nói chung cũng như tỷ giá nói riêng.

Tuy nhiên, với người dân, các chuyên gia khuyến cáo cần bình tĩnh, thận trọng khi giá vàng biến động, bởi giá vàng tăng nhanh nhưng giảm cũng rất nhanh, mua vào khi giá đang tăng mạnh sẽ rất rủi ro. Giá vàng tăng mạnh và liên tục nhưng đến một thời điểm nhất định sẽ điều chỉnh, lúc đó hãy tranh thủ mua vào. Đặc biệt, chỉ nên mua vàng từ tiền nhàn rỗi, không nên vay tiền để mua vàng.

Dự báo về giá vàng từ nay đến cuối năm 2023, ông Huỳnh Trung Khánh nhận định, vàng được xem là tài sản an toàn trước những bất ổn về kinh tế, địa chính trị.

Ngoài ra, giá vàng còn chịu tác động từ một số yếu tố khác như lạm phát, lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ... Trong quý IV-2023 có nhiều lễ hội, nhu cầu về vàng thường tăng cao. Vì vậy, trong tháng 11 và tháng 12, giá vàng thường cao hơn các tháng còn lại trong năm. Nếu tình hình địa chính trị tiếp tục căng thẳng, giá vàng có khả năng phá mức kỷ lục 2.080 USD/ounce để hướng đến mức kỷ lục mới là 2.100 USD/ounce.

Trong khi đó, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng, từ nay đến cuối năm, tình hình sản xuất, kinh doanh trên thế giới sẽ tốt lên, lạm phát giảm. Nếu như xung đột tại Trung Đông sớm được giải quyết, giá vàng sẽ không có nhiều biến động, lúc tăng lúc giảm nhưng dao động trong khoảng 1.900-2.000 USD/ounce.

 Hương Thủy - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/than-trong-khi-gia-vang-nhay-mua-645173.html