Thanh Hóa: Bi hài hộ nghèo thật nhìn hộ cận nghèo giả nhận tiền Covid-19

16/06/2020 14:58

Kinhte&Xahoi Nhiều hộ kinh tế khá, cán bộ xã, đảng viên, người nhà cán bộ tại xã Định Hải (Yên Định, Thanh Hóa) được đứng tên trong danh sách nhận tiền hỗ trợ Covid 19, còn hộ nghèo thật sự thì bị gạt ra ngoài.

Nghèo "rách mùng tơi" vẫn không được công nhận... hộ nghèo

Huyện Yên Định một ngày ngột ngạt nắng. Nhưng dường như cái nóng trên 40 độ C còn chưa nóng bằng sự uất ức, bức xúc của hàng loạt hộ dân nghèo nơi đây.

Khi biết phóng viên về làng tìm hiểu thông tin, nhiều người dân xã Định Hải không quản mệt mỏi, đội nắng, dẫn chúng tôi qua những đoạn đê ngoằn ngèo, rẽ thẳng vào nhà bà Lâm, bà Vạch, ông Cẩn và khẳng định, đó là những hộ nghèo nhất thôn Trịnh Điện và có lẽ nghèo nhất xã nhưng không được nằm trong danh sách hộ nghèo.

Thuộc diện không có thu nhập, thường xuyên ốm đau, nhưng bà Lâm vẫn bị đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo từ 10 năm nay. (Ảnh: A.Thắng)

Bà Nguyễn Thị Lâm (SN 1959, thôn Trịnh Điện) đang lụi cụi nấu cơm trong bếp, chép miệng bảo: "Chả muốn nói gì nữa các bác ạ. Gia cảnh khó khăn thế đấy, nhưng không được cộng nhận hộ nghèo. Trong khi nhiều người giàu có, làm cán bộ, hoặc có người nhà làm cán bộ thì được đưa vào diện cận nghèo, nhận tiền Covid".

Bà Lâm có 2 người con. Con trai đầu lấy vợ mãi tận tỉnh Quảng Ngãi, do hoàn cảnh khó khăn nên ở rể luôn, không về. Con gái bà là Nguyễn Thị Ngân (SN 1993) hiện đi làm giúp việc ngoài Hà Nội, để lại đứa cháu gái 5 tuổi ở với bà.

Dù 95 tuổi, bà Vạch vẫn tự nấu ăn và bị đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo từ lâu. (Ảnh: A.Thắng)

Bà kể, bản thân bà đau ốm liên miên hơn 10 năm nay, bị rối loạn tiền đình, thường hay choáng váng. Ruộng không còn sức làm, phải nhượng lại cho họ hàng. Các con đều nghèo khó, bà giờ chỉ trông chờ con gái hàng tháng gửi tiền về chăm cháu.

Lý do bà Lâm được đưa ra khỏi danh sách hộ nghèo, là do 13 năm trước, bà thuộc hộ nghèo, được hỗ trợ 2 triệu đồng làm nhà mới theo chương trình xóa nhà tranh tre nứa lá. Quãng năm 2010, xã đưa bà ra khỏi danh sách hộ nghèo bởi có nhà mới.

Cách đó không xa, căn nhà ngói cũ kỹ của bà Đồng Thị Vạch, 95 tuổi, mẹ đẻ của bà Lâm, nằm im lìm trong một ngõ vắng.

Theo người dân nói, bà Vạch nghèo gần nhất thôn. Chồng bà mất năm 2016, đến nay cũng chẳng có tiền bốc mộ. Bà có 6 người con, 3 người sống trong Nam, đều nghèo. Ba người con còn lại, đều ở thôn Trịnh Điện. Thì họ ông Cẩn, con rể bà, nhà ở mạn bờ sông, bệnh tật kinh niên, đang hưởng trợ cấp xã hội, nắm giữ vị trí hộ nghèo nhất thôn, nhưng cũng không được công nhận hộ nghèo.

Bữa cơm trưa của bà Vạch thường chỉ có vài lát đậu phụ, thi thoảng cải thiện vài con cá. (Ảnh: A.Thắng)

Bà Vạch ở với con gái. Lâu nay con gái bà ra ngoài tỉnh Hải Dương bế cháu ngoại. Vậy là bà ở một mình. Vẫn đi lại, tự nấu cơm. Thi thoảng con cháu gần đó chạy qua nấu giùm.

"Bà có 270 ngàn đồng mỗi tháng, tiền hỗ trợ người cao tuổi", con gái bà cho biết và tất cả chỉ có thế. Bữa ăn của các gia đình này, thường là bó rau, con cá, vài bìa đậu phụ kho mặn, tự hỗ trợ nhau.

Thú thật, tôi đã cố tìm ra một vật dụng gì đó được cho là có giá trong ngôi nhà này. Nhưng không. Tất cả phủ một màu thời gian, yên ắng, trừ chiếc quạt điện chạy miệt mài và bóng dáng bà cụ 95 tuổi chậm chạp ra vào.

Người dân xã Định Hải phản ánh việc người giàu được nhận hỗ trợ tiền Covid-19, còn người nghèo bị gạt ra, bằng nỗi uất ức dồn nén từ lâu. (Ảnh: A.Thắng)

Và thực tế, hộ bà Vạch, bà Lâm, ông Cẩn cùng khá nhiều hộ nghèo khác, không nằm trong danh sách thuộc hộ nghèo hay cận nghèo của xã Định Hải. Không được nhận tiền hỗ trợ dịch Covid-19 vừa qua.

"Kêu chẳng thấu, mất lòng tin nhiều lắm rồi. Người nhà cán bộ khá giả, được nằm trong danh sách cận nghèo, nhận tiền hỗ trợ Covid-19. Còn chúng tôi, nghèo cùng cực, thì bị loại khỏi danh sách hộ nghèo từ lâu", bà Trịnh Thị Hằng, hàng xóm của bà Vạch, ngẹn ngào trong nước mắt.

Cán bộ, đảng viên, hộ khá giả bỗng hóa... nghèo

Tại bản danh sách đối tượng người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ do đại dịch Covid-19 do UBND xã Định Hải chi trả, có 246 hộ. Trong đó 30 hộ thuộc diện hộ nghèo, 216 hộ cận nghèo. Mỗi nhân khẩu được nhận 750.000 đồng.

Gia đình có chồng là sĩ quan quân đội, vợ là giáo viên Mầm non xã, đều là đảng viên, nhà cửa khang trang, không hiểu sao vẫn đứng tên hộ cận nghèo và nhận tiền hỗ trợ dịch Covid-19. (Ảnh: A.Thắng)

Điều nghịch lý là rất nhiều hộ là người nhà, người thân của cán bộ thôn, cán bộ xã, đảng viên, hộ có kinh tế khá, nhà cửa khang trang, thu nhập ổn định, lại nghiễm nhiên lọt vào danh sách nhận tiền.

Theo phản ánh của người dân xã Định Hải, ông Trịnh  Thế Phượng, Phó Bí thư chi bộ, mới được bầu là trưởng thôn Duyên Lộc, đã được chèn tên ghép với hộ của con trai là Trịnh Thế Phương, thuộc hộ nghèo thôn Duyên Lộc để lĩnh tiền.

Căn nhà khang trang của gia đình cô giáo Lê Thị Anh, có chồng làm sĩ quan quân đội. (Ảnh: A.Thắng)

Ba hộ gồm Lê Văn Tùng, Lê Anh Tuấn, Lê Tú (con trai ông Lê Hồng Tư, Ban Công tác mặt trận thôn Trịnh Điện) đều có nhà cửa khang trang, nhưng vẫn được đưa vào danh sách hộ cận nghèo. Trong đó, hộ Lê Tú có vợ vốn là cháu ruột của vợ Bí thư Đảng ủy xã Định Hải Đồng Hữu Thảo, có mua lại căn nhà của Bí thư Thảo.

Căn nhà của hộ cận nghèo Lê Tú, mua lại của Bí thư Đảng ủy xã Đồng Hữu Thảo. (Ảnh: A.Thắng)

Hộ Trương Thị Bình, kinh tế ổn định, có chồng Lê Xuân Tiến, viên chức ngành thủy lợi, vẫn được đưa vào hộ cận nghèo. Ông Tiến là em vợ ông Ngô Xuân Lịch, Phó Bí thư Đảng ủy xã Định Hải.

Đặc biệt, hộ Lê Thị Anh, giáo viên Mầm non xã Định Hải, có chồng là Phạm Hoài Nam, sĩ quan quân đội, đều là đảng viên, nhà cửa khang trang, cũng nằm trong danh sách hộ cận nghèo.

Hộ ông Trịnh Quang Chung, làm công tác truyền thanh xã, vợ là Lê Thị Luật, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã, đảng viên, kinh tế ổn định, cũng nằm trong danh sách hộ cận nghèo.

Theo phản ánh của người dân, còn rất nhiều những hộ kinh tế ổn định, tuy chưa xây nhà tầng, nhưng không hề khó khăn, vẫn lọt vào danh sách hộ cận nghèo do có quan hệ thân thiết hoặc là người nhà của cán bộ xã.

Căn nhà của hộ Lê Anh Tuấn, (con trai ông Lê Hồng Tư, Ban Công tác mặt trận thôn Trịnh Điện) cũng lọt vào hộ cận nghèo.

Ngoài ra, những gia đình như ông Nguyễn Văn Q. (ở Sét thôn) chủ thầu xây dựng, kinh tế khá; hộ Phí Thị N. (ở Thịnh thôn), nhà 2 tầng; hộ Lê Thị C. (ở Thịnh thôn) nhà 2 tầng; hộ Nguyễn Văn T. nhà 2 tầng (ở Thịnh thôn)...đều có tên trong danh sách hộ cận nghèo.

Điều đáng nói là tại cuộc họp bầu trưởng thôn của thôn Trịnh Điện, đông đảo người dân đã phản đối việc danh sách hộ cận nghèo nhận tiền Covid-19 xuất hiện hàng loạt hộ khá giả, nhưng cán bộ thôn vẫn lập lờ bỏ qua. Thông tin được phản ánh lên UBND xã, nhưng lãnh đạo xã Định Hải vẫn im lặng cho đến nay.

Rời Định Hải, cái nóng trưa hè vẫn oi nồng, ngột ngạt. Một cảm giác khó thở dội lên. Không phải vì thời tiết, mà có lẽ vì đồng cảm những gì mà người nghèo nơi đây đang gánh chịu. Tôi chợt nhận ra, có những người dân khi kể với chúng tôi, họ đã khóc. Nhưng không phải khóc bởi cảnh nghèo, mà khóc vì tủi phận trước những điều phi lý.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

 Hoàng Anh Thắng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Dự báo thời tiết ngày 16/6: Vùng núi phía Bắc có nơi mưa rất to, đề phòng lũ quét, sạt lở đất

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia, do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió lên đến mực 5.000 m nên trong ngày và đêm 16/6, ở Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác; riêng vùng núi có mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to (thời gian mưa lớn tập trung vào sáng, chiều tối và đêm với lượng mưa phổ biến 20-50 mm/24 giờ, có nơi trên 80 mm/24 giờ. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT đến ngày 30-6

Thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển trên cùng một phiếu với phiếu đăng ký dự thi và nộp tại điểm tiếp nhận (thông thường là nơi thí sinh đang học). Thí sinh tự do nộp phiếu tại điểm tiếp nhận theo quy định của Sở GD-ĐT.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/dieu-tra-ban-doc/thanh-hoa-bi-hai-ho-ngheo-that-nhin-ho-can-ngheo-gia-nhan-tien-covid-19-d127213.html