Hộp thuốc Nhà xe Vân Anh vận chuyển với giá 250,000vnđ từ Thanh Hóa ra Hà Nội
Gửi một hộp thuốc nhỏ nhà xe Vân Anh 'chém' 550.000 đồng
Ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có nội dung dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng nhưng không hiểu sao nhà xe Vân Anh (chạy tuyến Thanh Hóa-Hà Nội và ngược lại) vẫn “ vô tư” hoạt động bất chấp những nỗ lực của các cấp chính quyền và của toàn dân, toàn quân trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid–19.
Nhà xe Vân Anh hợp đồng với khách hàng vận chuyển một hộp thuốc nhỏ từ Thanh Hóa ra Hà Nội vào khoảng thời gian 19h26 phút ngày 06/4/2020 với cước phí 250.000 đồng người gửi trả tiền, nhưng khi ra tới Hà Nội nhà xe Vân Anh lại bắt người nhận nộp thêm 300.000 đồng, tổng cộng người gửi và người nhận thanh toán cước phí cho nhà xe 550.000 đồng.
Sau khi nhận được phản ảnh của bạn đọc, phóng viên đã liên lạc qua số điện thoại 02378888*** của nhà xe Vân Anh để tìm hiểu sự việc và được xác nhận đúng thời điểm trên có nhận vận chuyển hộp thuốc như bạn đọc đã phản ánh.
Không những 'chặt chém' về cước phí vận chuyển hàng, khách hàng còn tố nhà xe Vân Anh vận chuyển khách từ Thanh Hóa ra Hà Nội phải trả tiền quá cao. Hành khách có việc phải đi trong đợt dịch Covid-19 này phải trả tiền vé 1.500.000 đồng/người/lượt từ Thanh Hóa ra Hà Nội.
Vì sao nhà xe Vân Anh vẫn vô tư nhận chở khách từ Thanh Hóa ra Hà Nội, mặc dù đã có lệnh dừng hoạt động vận chuyển hành khách? Trong vai hành khách có nhu cầu đi xe, phóng viên đã liên hệ qua tổng đài để đặt vé đi Hà Nội. Qua trao đổi phóng viên nắm được chiêu trò của nhà xe Vân Anh, bằng cách không chở khách bằng loại xe 45 chỗ hoặc 9 chỗ mà thay vào đó chở khách bằng loại xe 4 chỗ nhằm qua mặt các cơ quan chức năng, một lượt đi nhà xe Vân Anh thu của khách là 1.500.000 đồng/người.
Từ 1/4, khi Chỉ thị 16 yêu cầu cách ly xã hội trên toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực, người dân đã nghiêm chỉnh chấp hành.
Theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, người dân ở trong nhà, chỉ được ra ngoài trong các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, mua thuốc men, mua lương thực, thực phẩm...
Thế nhưng việc nhà xe Vân Anh vẫn tổ chức xe chở khách trong thời điểm này là coi thường các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản khác của tỉnh Thanh Hóa.
Về việc này chúng tôi sẽ có cuộc làm việc với các ngành của tỉnh Thanh Hóa nhằm ngăn chặn kiểu 'chặt chém' của nhà xe Vân Anh.
Để đảm bảo an toàn, tránh lây lan dịch bệnh trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Tổng cục Đường bộ chỉ đạo các Sở GTVT tham mưu UBND các tỉnh, thành phố trong 15 ngày (từ 1 đến 15-4), dừng hoạt động vận chuyển các tuyến hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe du lịch, taxi, xe buýt tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ hoặc các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia các doanh nghiệp chuyển chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hoá.
Theo đó, Sở GTVT Thanh Hóa đã ra thông báo số 1196/TB-SGTVT về việc yêu cầu các đơn vị, cá nhân vận tải khách dừng hoạt động vận chuyển hành khách của các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh, nội tỉnh, các hoạt động vận tải của xe hợp đồng, xe buýt, xe du lịch, xe taxi, xe điện 4 bánh hoạt động thí điểm trên địa bàn tỉnh kể từ 00 giờ ngày 1-4-2020 đến hết ngày 15/4/2020.
Nhà xe Vân Anh
Trường hợp các xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách nêu trên hoạt động chở khách, mà không có Quyết định điều động của cơ quan có thẩm quyền trong thời gian từ ngày 01 tháng 04 năm 2020 đến ngày 15 tháng 04 năm 2020, thì xem như hoạt động không có phù hiệu, biển hiệu theo quy định. Đồng thời các cơ quan chức năng sẽ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông với hành vi: Xe chở khách không có phù hiệu, biển hiệu theo quy định tại Nghị định số 100/2019/ND-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 Chính phủ quy định xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường Bộ, đường Sắt.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc.