Thành phố… bình tĩnh sống

16/08/2020 08:04

Kinhte&Xahoi Đà Nẵng đã bước sang đợt gia hạn tiếp của việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch Covid-19. Trải qua hơn 20 ngày được gọi là “tâm dịch”, người Đà Nẵng gần như không còn chờ đếm những con số về ca mắc mới, những khu vực dân cư vừa bị phong tỏa…

Khu vực Bệnh viện C Đà Năng bị phong toả

Cùng với nỗ lực của bộ máy chính quyền, mỗi người dân lúc nào cũng tìm cho mình những cách thích hợp để chung sức cùng thành phố đẩy lùi dịch bệnh: tình nguyện hỗ trợ tuyến đầu, tuyên truyền trấn an người dân, hay chỉ đơn giản, ở nhà và tuân thủ nghiêm ngặt quy định cách ly...

Những nỗ lực không mệt mỏi

0h ngày 28/7, trạng thái cách ly xã hội đặc biệt chỉ còn “đơn độc” có mỗi Đà Nẵng. Các chuyến bay, đoàn tàu, xe cũng đã “lướt qua” thành phố này. Trước dịch bệnh đe dọa trực tiếp đến sức khỏe, tâm lý lo lắng của người dân khó tránh khỏi. 

Nhưng cũng chính thời khắc Đà Nẵng bước vào cuộc chiến mới, lập tức trên mạng xã hội, người dân kêu gọi nhau điềm tĩnh, tin tưởng tuyệt đối vào nỗ lực của chính quyền thành phố và vào sự chỉ đạo từ Trung ương.

Không khó để tìm thấy bằng chứng sinh động từ một học sinh tiểu học đã hoàn toàn biết quy trình, phương pháp sát khuẩn, đeo khẩu trang y tế đúng, giữ khoảng cách bảo đảm an toàn khi tiếp xúc và hạn chế tập trung đông người... Về các khu phố, không thấy cảnh người người chen lấn nhau đi mua gạo, mì ăn liền, thực phẩm đóng hộp...

Từ tối 26/7, các trang cá nhân của người dân Đà Nẵng ngập tràn những dòng chia sẻ khích lệ tinh thần, động viên nhau chống dịch Covid-19. Thông điệp “Đừng hủy tour - Đừng hủy khách sạn. Hãy đổi ngày khởi hành! Hãy cùng Đà Nẵng chúng tôi vượt qua Covid-19”… được truyền đi nhanh chóng trong cộng đồng mạng.

Cùng với đó, bức tranh đôi bàn tay vững chãi nâng niu một con thuyền vẽ mô hình TP. Đà Nẵng với dòng chữ “Có thành phố vượt qua bao bão tố”, được nhiều đoàn viên, thanh niên, công chức, người lao động chia sẻ như một lời động viên và truyền cảm hứng đi khắp nơi.

Tính từ ngày 24/7/2020 đến 18h ngày 11/8/2020, Đà Nẵng ghi nhận 283 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 252 trường hợp đang điều trị tại Đà Nẵng (4 trường hợp ra viện ngày 10/8/2020). Đà Nẵng đã xác định được 10.163 các trường hợp F1 (tiếp xúc gần với ca bệnh xác định) 11.138 các trường hợp F2 (tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định). Đó là những con số gây lo lắng và bất an cho cả nước.

Thế nhưng, ở Đà Nẵng, mỗi một con số tăng lên, hàng nghìn tình nguyện viên lại xung phong đăng ký hỗ trợ tại các điểm cách ly tập trung.

Lê Thị Thanh, sinh viên Đại học Đà Nẵng, khi những ca mắc Covid-19 đầu tiên bùng phát, đã quyết định góp sức cùng thành phố chống dịch. Biết Thành Đoàn Đà Nẵng có lời kêu gọi các đoàn viên thanh niên, Thanh đăng ký cả hai lĩnh vực tình nguyện: hiến máu nhân đạo và tham gia phục vụ các khu cách ly.

Ngoài Thanh, Thành đoàn đã nhận được 5.205 lượt đăng ký chỉ sau 1 ngày phát động. Hàng ngàn đoàn thanh niên, học sinh, sinh viên đã hăng hái nhận nhiệm vụ tại các khu cách ly, các chốt trực, các đội tuyên truyền... trên khắp thành phố.

“Mình cùng các bạn phải làm việc và cách ly 14 ngày tập trung tại đây, sau đó về nhà phải tự cách ly thêm 14 ngày nữa. Mỗi người đều đóng góp một đôi tay, cả thành phố sẽ có hàng triệu đôi tay cùng hợp sức chống lại dịch bệnh. Như vậy mới “có một thành phố vượt qua bão giông” như mình tâm đắc”, Thanh chia sẻ.

Không bỏ ai ở lại phía sau

Đến 0h ngày 28/7, 3 bệnh viện lớn nằm trung tâm thành phố đều bị phong tỏa. Từ “điểm nóng” Bệnh viện C Đà Nẵng, nơi đầu tiên phát hiện ca mắc Covid-19, tiếng hát của Bác sĩ Lê Văn Đương, Trưởng khoa Cấp cứu vang lên trong phòng bệnh, vừa giúp bệnh nhân cảm thấy yên lòng, vừa xua tan đi bao nỗi sợ hãi, lo lắng của người thân bên ngoài. Bác sĩ Đương lúc này đã được điều động lên Khoa Nội Hô hấp để điều trị chăm sóc các bệnh nhân cùng phòng với bệnh nhân 416.

Ông Hữu Vân (64 tuổi, đang nằm điều trị tại khoa Nội Hô hấp) nhớ như in, ngày 26/7, đang nằm điều trị gần 1 tuần qua, ông nghe thông tin bệnh nhân 416 dương tính với Sars- Cov-2. Đáng nói, ở Bệnh viện C Đà Nẵng, các bệnh nhân đều lớn tuổi nên rất lo lắng. Nhưng ngay khi có lệnh phong tỏa, bác sĩ vừa đeo ống nghe thăm hỏi bệnh xong, lại cất ống nghe đi lấy cây lau nhà để chùi dọn phòng.

“Mỗi tối, bác sĩ Đương còn vào phòng nhắn nhủ, bảo tôi cố gắng giữ sức khỏe, cứ bình tĩnh và đồng thời cũng động viên bằng những bài hát vui, rồi kêu gọi tất cả cùng hát. Những sinh hoạt này rất có ý nghĩa để động viên tinh thần anh em bệnh nhân đang bị cách ly. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên”, ông Vân xúc động.

 Đà Nẵng xét nghiệm tập trung để truy vết người mắc Covid

“Xuất phát từ tình thương của mình đối với các bác như người cha, trong bối cảnh phòng của các bác là phòng của bệnh nhân 416, các bác rất lo lắng. Hàng ngày tôi vào với các bác khám bệnh, nói chuyện và luôn luôn động viên tinh thần để các bác vững tâm. Mấy bác đôi khi cũng rất buồn vì ở trạng thái, không biết mình có bị lây bệnh chéo. Cho nên lúc nào mình cũng phải tạo không khí cho phòng vui vẻ”, bác sĩ Đương chia sẻ.

Không chỉ tiếng hát của bác sĩ Đương, bác sĩ Nguyễn Quý Thiện, khoa nội tiêu hóa, Bệnh viện C Đà Nẵng vừa đàn vừa hát  “Đà Nẵng ngày bão giông” từ tâm dịch khiến người người như lặng đi. Clip được bác sĩ Trịnh Minh Thế, trưởng khoa gây mê hồi sức Bệnh viện C Đà Nẵng quay và chia sẻ.

Lời bài hát của cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Uyển, giáo viên Trường THPT Phan Châu Trinh, vợ bác sĩ Thế sáng tác trong bối cảnh ngày Bệnh viện C Đà Nẵng nhận lệnh phong tỏa. Vì không thể ra khỏi bệnh viện, vợ bác sĩ Thế  cấp tốc đưa đồ cá nhân đến cổng cho chồng rồi quay về. Cũng từ giây phút xúc động ấy, bà Uyển đã sáng tác bài thơ “Đà Nẵng ngày bão dông”.

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Trọng Thiện, Giám đốc Bệnh viện C Đà Nẵng kể, ông đã có mấy đêm liền không sao ngủ được. Để động viên, khích lệ tinh thần, các bác sĩ phải nhắn đến từng bệnh nhân, rằng chúng ta đều biết Đà Nẵng đã có nhiều kinh nghiệm trong tình huống dịch bệnh Covid-19.

Cả nước cũng đang tập trung cho Đà Nẵng, từ chuyên gia xét nghiệm đến chuyên gia giám sát dịch tễ cộng đồng và chuyên gia điều trị. Cả hệ thống chính trị Đà Nẵng chủ động vào cuộc ngay từ đầu, trước khi ca bệnh được công bố. Nên hãy yên tâm rằng không ai bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến này…

Mong sớm có “cuộc sống bình thường mới”

Trái với nhịp sống sôi động thường ngày của 1 địa phương nổi tiếng về du lịch, Đà Nẵng những ngày này vắng vẻ, nhẹ nhàng, yên tĩnh. “Thành phố bình tĩnh sống” đã thành “chết danh” với cách người Đà Nẵng “gọi yêu” và đùa nhau trong thời gian cách ly xã hội. 

Đã chục ngày nay, ông Phan Minh Đồng, Bí thư Chi bộ khu dân cư Đa Phước 6 (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) có thêm nhiệm vụ tổng kết và báo cáo dữ liệu hoạt động của Tổ phòng, chống dịch cộng đồng khu dân cư Đa Phước 6.

Đây là nhiệm vụ mới, sau 5 năm làm Bí thư Chi bộ của ông Đồng. Khu dân cư Đa Phước 6, nơi thường trú của bệnh nhân số 416.  Ông Đồng cho biết, nhờ kiểm soát tốt, tâm lý bà con ổn định, thoải mái nên trong thời gian cách ly xã hội, khu dân cư Đa Phước 6 vẫn yên ả, bình dị như các khu khác ở Đà Nẵng.

Tổ dân phố 37 (phường Thạch Thang, quận Hải Châu) lại có hoàn cảnh khác. Tổ dân phố này có hơn 30 hộ nằm trong khu vực bị phong tỏa vì sát với Bệnh viện Đà Nẵng, nơi phát hiện nhiều ca mắc Covid-19 nhất cho đến thời điểm này.

Từ khi nằm trong khu phong tỏa, gia đình anh Nguyễn Thành Nhân nghiêm túc ở nhà, chỉ ra ngoài khi lấy lương thực, thực phẩm gửi người quen mua giúp. Anh Nhân trải lòng: “Thời điểm nhận lệnh, ai nấy nghĩ sẽ hoang mang, nhưng chúng tôi đều thấy việc phong tỏa khu phố hết sức bình thường. Chúng tôi biết, cách ly ở nhà vẫn còn rất thoải mái khi so với các bác sỹ đang làm việc trong khu cách ly của bệnh viện, vì chống dịch nên không được bật điều hòa, họ phải mở hết cửa và mặc quần áo bảo hộ cả ngày.”

Trong khi đó, tại phương Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), chị Lê Thị Thanh chu toàn việc chăm con, để cho chồng yên tâm làm việc tại Bệnh viện Đà Nẵng. Chị Thanh cũng như phần lớn người dân Đà Nẵng hiểu rằng, chống dịch không chỉ  công việc của lực lượng y tế, của chính quyền, mà còn có nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân.

Chị Thanh ở nhà, hạn chế ra ngoài, hạn chế tiếp xúc với người lạ và hướng dẫn phòng dịch đúng cách cho các con. Chị cũng rất hạn chế gọi điện thoại cho chồng, để anh dành thời gian chăm sóc các bệnh nhân và nghỉ ngơi dưỡng sức. “Đây là lần thứ 2 đi chống dịch, anh đã có sẵn kinh nghiệm và kiến thức tự bảo vệ bản thân, nên mình tin tưởng anh ở trong đó sẽ ổn. Đây là giai đoạn mà mỗi người dân cần tin tưởng tuyệt đối vào Chính quyền, đảm bảo sức khỏe bản thân và mong chờ vào sức mạnh của tập thể.”

Chị cũng hẹn anh khi hoàn thành nhiệm vụ, sẽ làm một bữa hải sản thật ngon đãi cả nhà. Chị tin, gia đình mình nhanh chóng trở về với “trạng thái bình thường mới”, khi anh, khi người Đà Nẵng, khi cả Việt Nam một lần nữa ngăn chặn thành công đại dịch Covid-19. 

Vũ Vân Anh - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thanh-pho-binh-tinh-song-d132341.html