Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh bàn các giải pháp đột phá phát triển thành phố

15/07/2023 15:05

Kinhte&Xahoi Sáng 15-7, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh họp hội nghị lần thứ 22, sơ kết đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2020-2025.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai dự hội nghị.

Tham dự hội nghị có các đại biểu Trung ương: Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí đại diện một số ban, ngành Trung ương.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên chủ trì hội nghị. Theo đó, ngoài việc đánh giá kết quả đạt được, chưa được, tìm nguyên nhân và phương hướng, các đại biểu dự hội nghị cũng soát lại các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cho sát với tình hình thực tế nhằm thực hiện thắng lợi các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Quốc hội và Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh: Mục đích hội nghị giữa nhiệm kỳ là đánh giá, kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh và chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Qua đó, hội nghị thống nhất các nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ 2020-2025.

Cùng với đó, hội nghị bàn những giải pháp có tính đột phá, linh hoạt, sáng tạo để thích ứng với tình hình mới. Qua đó, tiếp tục tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, huy động mạnh mẽ các nguồn lực cho đầu tư phát triển; giải quyết cơ bản những vấn đề tồn đọng và phát sinh trên địa bàn thành phố.

“Đây là hội nghị rất quan trọng, là dịp để nhìn lại, đánh giá lại một cách hệ thống, khách quan, toàn diện tình hình, kết quả, những mặt làm được, chưa được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân. Đồng thời, dự báo bối cảnh, thời cơ và thử thách”, đồng chí Nguyễn Văn Nên nói.

Quang cảnh hội nghị.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi thông tin: Nửa nhiệm kỳ qua, kinh tế thành phố có lúc đạt tăng trưởng hai con số, cao gấp 1,5 - 1,6 lần so với bình quân chung của cả nước nhưng cũng có lúc đã suy giảm đến mức thấp nhất trong 10 năm qua với điểm chạm đáy ở quý I-2023. Nguyên nhân chủ yếu do cơ chế kinh tế chậm tái cơ cấu, thể chế quản lý đô thị còn bất cập.

Cũng trong nửa nhiệm kỳ qua, ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực của thành phố đều có điểm nghẽn, tác động tiêu cực đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Vị trí đầu tàu của thành phố đang có xu hướng giảm.

Tính đến tháng 6-2023, trong số 22 nhóm chỉ tiêu kinh tế - xã hội với 31 chỉ tiêu thành phần, có 10 chỉ tiêu chung, chỉ tiêu thành phần đạt và vượt cả nhiệm kỳ. Có 2/8 chỉ tiêu kinh tế đạt và vượt rõ, 2 chỉ tiêu cơ bản đạt và 4 chỉ tiêu ước khó đạt. Nhóm chỉ tiêu văn hóa - xã hội ước đạt và vượt. 5/9 nhóm đô thị - môi trường sẽ đạt, 1 chỉ tiêu chưa có cơ sở dự báo và 3 chỉ tiêu dự báo khó đạt; nhóm cải cách hành chính và an ninh trật tự dự báo sẽ đạt nhưng sẽ khó khăn.

Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị.

“Tuy nhiên, với những cơ chế, chính sách mới của Trung ương và sự nỗ lực của thành phố, dự báo kinh tế địa phương sẽ được phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn thời gian tới; dự báo tái tạo đỉnh vào năm 2025”, đồng chí Phan Văn Mãi nhận định.

Về các nhiệm vụ trọng tâm trong nửa nhiệm kỳ còn lại, thành phố sẽ tiếp tục phát triển đô thị đa trung tâm. Trong đó, thành phố Thủ Đức là đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông. Huyện Cần Giờ là đô thị sinh thái biển. Đô thị khu Nam với Phú Mỹ Hưng là trung tâm. Đô thị Tây Nam gồm Bình Chánh và một phần các địa phương liên quan. Đô thị Tây Bắc gồm huyện Củ Chi và một phần địa phương liên quan.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng tập trung tái cơ cấu kinh tế, định vị trở thành Trung tâm tài chính quốc tế, Trung tâm thương mại quốc tế, Trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế, Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực...; định vị lại chiến lược công nghiệp theo hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu.

Theo chương trình, chiều 15-7, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị quán triệt, triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Các hội nghị nhằm tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ được giao, để đưa thành phố Hồ Chí Minh phát triển nhanh, bền vững trong tương lai.

Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhận xét, trong nửa nhiệm kỳ qua, Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực, vượt qua những vấn đề liên quan đến an ninh phi truyền thống, môi trường, tội phạm, dịch Covid-19… để đạt những kết quả vượt bậc; thực hiện tốt những nghị quyết, quy chế, quy định của Trung ương; cụ thể hóa triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với Nghị quyết XI của Đảng bộ thành phố.

Tuy nhiên, thành phố sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn khi thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XI đã đặt ra. Cùng với đó, tiếp tục triển khai các mặt công tác mới phù hợp với tình hình thực tế.

Đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu ngoài 3 chương trình mục tiêu quốc gia, thành phố Hồ Chí Minh cần bổ sung Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, con người. Trong đó, chú trọng phát triển mạng lưới an sinh xã hội tốt, giúp người dân có thể vượt qua những khó khăn như từng xảy ra trong thời gian dịch Covid-19.

Cùng với đó, thành phố cần tiếp tục gắn kết chặt chẽ giữa thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong nửa nhiệm kỳ còn lại với Nghị quyết số 31-NQ/TƯ ngày 30-12-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nghị quyết của Quốc hội. Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm; phát hiện, đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ... 

“Thước đo quan trọng nhất của hiệu quả công tác Đảng là người dân có cuộc sống tốt hơn; là sự đồng thuận, niềm tin của người dân đối với Đảng. Đây là mục tiêu phấn đấu quan trọng của Đảng nói chung và của Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh nói riêng", đồng chí Trương Thị Mai nói.

Đồng chí Trương Thị Mai bày tỏ tin tưởng nửa nhiệm kỳ còn lại, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát huy truyền thống, kết quả đã đạt được, đoàn kết, nhất trí chung sức, chung lòng, quyết tâm, nỗ lực xây dựng thành phố trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.

 Nhóm Phóng viên - Hà Nội mới

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/thanh-uy-thanh-pho-ho-chi-minh-ban-cac-giai-phap-dot-pha-phat-trien-thanh-pho-635158.html