Không biết tại sao và từ bao giờ, 5% tiêu cực phí được mặc nhiên công nhận trong các chi phí vận tải (Ảnh trong bài "Nườm nượp cảnh kẹp tiền, đưa - nhận tại Hải quan Hải Phòng" đăng trên LĐO ngày 9.4.2018 do PV Báo Lao Động điều tra, thực hiện)
Nhưng đó chỉ là một ví dụ mà thôi.
Chẳng hạn, còn có thêm những chuyện “thật như đùa” khác. Chi phí vận chuyển từ TP.HCM đi Vũng Tàu đắt hơn sang Singapore.
Con số được Tuổi trẻ dẫn từ các DN đây: 1 container từ Cảng Container quốc tế Việt Nam (VICT) ở quận 7, TP.HCM, chuyển đi Vũng Tàu chỉ 120 km nhưng tốn đến 5,2 triệu đồng. Riêng vé cầu, vé BOT 1,2 triệu đồng. Trong khi cũng container đó chuyển sang Singapore chỉ 1-2 triệu đồng. Và sang Thái Lan chỉ 5-10 USD/container.
Và hôm qua, tại hội nghị Giải pháp cắt giảm chi phí logistics, lại là câu chuyện 1 container tôm từ TP.HCM ra Hà Nội tốn tới 80 triệu đồng, trong khi chi phí chuyển 1 container tôm từ Việt Nam sang Mỹ chỉ 40 triệu đồng, Việt Nam sang Nhật là 15 triệu đồng.
Rất vô lý! Quá vô lý. Vô lý đến không thể chịu nổi.
Nhưng ba câu chuyện, 3 ví dụ về sự vô lý, ở 3 thời điểm, đang cho thấy là việc giảm chi phí logistics ở Việt Nam đang như húc đầu vào đá, khi mà BOT chằng chịt thiên la địa võng. BOT kiểu thảm qua chút mặt nhựa chặn đường thu cả tuyến. BOT, ngay cả trên những đường độc đạo vốn là của Nhà nước, của người dân. Và BOT, thu cả đối với những phương tiện ngay cả khi không đi một mét đường BOT nào.
Sự vô lý ấy, kéo dài năm này qua năm khác và hôm nay, nó bùng nổ sự bức xúc khi DN đã cạn kiệt sức lực, đã bị dịch bệnh bóp nghẹt những đồng doanh thu ít ỏi cuối cùng.
Hiệp hội Vận tải TP.HCM từng tính đếm: Từ các cảng ở quận 7, TP.HCM đi Vũng Tàu, chi phí nhiên liệu khoảng 750 ngàn đồng cho 60 lít dầu, nhưng phí cầu đường lên tới 800 ngàn đồng.
Hiệp hội Logictics Việt Nam từng công bố trong các chi phí, thì nhiên liệu chiếm 30-35%, phí BOT dao động từ 15-30% (BOT Bắc Nam chiếm 15%; BOT Hà Nội- Hải Phòng 30%). Và trong các chi phí, còn có 5% phí tiêu cực.
Cho nên, cái kỷ lục buồn chi phí logistics ở mức 20,9% GDP, cao hàng đầu thế giới là rất dễ hiểu.
Trở lại với phát ngôn đánh dấu chấm than của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Vậy thì làm sao chúng ta cạnh tranh nổi!!
Đã 3 năm kể từ nỗi băn khoăn “Hải Phòng về Hà Nội đắt gấp ba lần so với từ Hàn Quốc, Trung Quốc”. Đến giờ, vẫn là TP.HCM đi Hà Nội đắt gấp đôi từ Việt Nam sang Mỹ.
Thế thì chỉ có thể cạnh tranh bằng miệng hay trên giấy mà thôi.
Anh Đào - Theo Báo Lao động