Hộ gia đình ông Đinh Duy Điệp (đội mũ) ở phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) đã được vay vốn để phục hồi sản xuất.
Góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh
Ngay sau khi được ủy thác nguồn vốn (ngày 27-4-2020), Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội đã khẩn trương phối hợp với chính quyền, hội đoàn thể nhận ủy thác các cấp rà soát, bình xét việc cho vay bảo đảm đúng đối tượng, đúng mục đích, tránh trùng lắp với các chương trình hỗ trợ khác có liên quan của Trung ương và thành phố để phân bổ vốn kịp thời. Việc giải ngân nguồn vốn hỗ trợ của thành phố đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đang được thực hiện khẩn trương, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, mở ra nhiều cơ hội mới cho các đối tượng được thụ hưởng.
Gia đình chị Vũ Thị Hồng Yến, thôn Thuận An, xã Thái Hòa (huyện Ba Vì) thuộc hộ cận nghèo. Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kinh tế của gia đình càng khó khăn hơn vì chồng chị làm nghề xây dựng phải nghỉ vì thực hiện cách ly và giãn cách xã hội, không có thu nhập. “Qua bình xét từ cơ sở, gia đình tôi được vay 50 triệu đồng với lãi suất 0,6%/năm, thời gian trả nợ trong 3 năm. Với số tiền được vay, tôi dự định sẽ mua bò, lợn sinh sản để mở rộng chăn nuôi…” - chị Yến phấn khởi nói.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Tiến, đội 6, thôn Vĩnh Trung, xã Đại Áng (huyện Thanh Trì) có xưởng may nhưng thời gian vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sản xuất đình trệ, không có đơn hàng. Vui mừng nhận số tiền vay 50 triệu đồng từ Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thanh Trì, anh Tiến cho biết: “Tôi sẽ mua thêm máy may công nghiệp, mở rộng sản xuất, từ đó nâng cao năng suất lao động, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.
Gia đình anh Đinh Duy Điệp ở phường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) có 2 mẫu trồng hoa hồng. Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong tháng 3 và 4 vừa qua, toàn bộ hoa hồng phải cắt bỏ, không bán được. Hiện, việc tiêu thụ hoa đã được nối lại nhưng giá bán rất thấp nên người trồng hoa gặp nhiều khó khăn. "Gia đình tôi được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận Bắc Từ Liêm cho vay 50 triệu đồng. Với số tiền này, tôi sử dụng để mua giống, phân bón gieo trồng lứa hoa mới" - anh Điệp cho biết thêm.
Khẩn trương giải ngân gói hỗ trợ
Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội quận Bắc Từ Liêm Dương Thị Nga cho biết: "Chúng tôi đã điều tra, khảo sát mức độ ảnh hưởng của từng gia đình, sau đó, Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội cùng với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội của quận phân bổ vốn đến đúng đối tượng bị ảnh hưởng. Đến nay, quận đã cơ bản hoàn thành giải ngân 15 tỷ đồng đến tay các hộ vay vốn của 13 phường. Việc hỗ trợ vốn vay kịp thời đã giúp các hộ dân nhanh chóng khôi phục lại sản xuất".
Ông Hoàng Văn Tứ, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ba Vì cho biết thêm, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương và các đoàn thể nhận ủy thác hoàn thiện hồ sơ giải ngân cho 315 hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn với số tiền là 15,75 tỷ đồng. Dự kiến, đầu tháng 6-2020, đơn vị sẽ hoàn thành 100% kế hoạch cho vay với tổng số tiền khoảng 48 tỷ đồng.
Về tiến độ giải ngân nguồn vốn hỗ trợ của thành phố, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội Phạm Văn Quyết cho biết: Với sự vào cuộc khẩn trương của các bên liên quan, việc giải ngân vốn vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác để phục hồi sản xuất sau dịch Covid-19 đang được thực hiện nhanh chóng. Tính đến ngày 16-5, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố đã giải ngân cho 2.003 khách hàng với số tiền hơn 96 tỷ đồng. Dự kiến, Chi nhánh sẽ hoàn thành giải ngân gói hỗ trợ 650 tỷ đồng trong đầu tháng 6-2020. Mặt khác, Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện thường xuyên chỉ đạo hội, đoàn thể nhận ủy thác, chính quyền cấp xã, các tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở cần tổ chức bình xét cho vay công khai, đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng, hiệu quả tín dụng chính sách...
Việc đẩy nhanh giải ngân gói hỗ trợ nêu trên mang đến cơ hội phục hồi sản xuất, kinh doanh cho nhiều hộ khó khăn. Giám đốc Sở NN&PTNT Chu Phú Mỹ nhận định: Gói hỗ trợ trực tiếp, kịp thời đã giúp nhiều hộ khó khăn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, ngành nghề nông thôn một cách hiệu quả để sớm ổn định cuộc sống và vươn lên.