Thí điểm xét xử trực tuyến các vụ án dân sự, hành chính

26/08/2021 16:39

Kinhte&Xahoi Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trước hết nên áp dụng hình thức xét xử trực tuyến trong các vụ án dân sự, tranh chấp thương mại, hành chính là chủ yếu và một số vụ án hình sự cần thiết, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương phát biểu tại phiên họp (Ảnh: TTXVN)

Sáng 26/8, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đã họp Phiên thứ 13 dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo.

Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo thảo luận, cho ý kiến về kết quả thực hiện Đề án: “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế Nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” và "Báo cáo xin ý kiến về chủ trương ban hành Quy chế tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến tại Tòa án", do Ban Cán sự Đảng Tòa án Nhân dân Tối cao trình.

Phát biểu kết luận tại Phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Nhà nước ta là Nhà nước của dân, vì dân, đặc biệt là cần phát huy quyền làm chủ của Nhân dân nhưng phải thực hiện đúng Hiến pháp và có tính khả thi cao, sát thực tiễn; Tiếp tục quan triệt mục tiêu đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII mà trước hết là hệ thống tư pháp.

Việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là xu thế tất yếu, cần thiết trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ 4 diễn ra như vũ bão trên toàn cầu và sự đe dọa của dịch Covid-19; Phù hợp với các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia và đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Xét xử trực tuyến chỉ là biểu hiện cụ thể của xét xử trực tiếp với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và đảm bảo yêu cầu tuân theo pháp luật của phiên tòa.

Chủ tịch nước cho rằng, đây là vấn đề mới cần những bước đi thận trọng, chặt chẽ, tránh xảy ra sơ suất. Do đó, trước hết nên áp dụng trong xét xử các vụ án dân sự, tranh chấp thương mại, hành chính là chủ yếu và một số vụ án hình sự cần thiết, vừa làm vừa rút kinh nghiệm.

"Yêu cầu đặt ra là bảo đảm thuận lợi nhưng không ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đương sự có liên quan các chủ thể trong phiên tòa", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Chủ tịch nước đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao hoàn thiện Đề án bảo đảm không trái với đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Về thẩm quyền xác định khái niệm xét xử trực tuyến, các ý kiến đóng góp đưa ra nhiều phương án, Chủ tịch nước yêu cầu Tòa án Nhân dân Tối cao có hướng dẫn cụ thể, phối hợp với các cơ quan tố tụng thống nhất phương án báo cáo Thường vụ Quốc hội có ý kiến chính thức.

Về Đề án “Đổi mới và hoàn thiện cơ chế Nhân dân tham gia xét xử tại Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp”, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương đánh giá, việc triển khai áp dụng cơ chế Hội thẩm Nhân dân tham gia xét xử đã được tiến hành từ nhiều năm qua và đã làm tốt. Tuy nhiên, quá trình lựa chọn cho vị trí Hội thẩm Nhân dân, tổ chức hoạt động của Hội thẩm… còn một số vấn đề cần quan tâm, khắc phục để làm tốt hơn nữa trong thời gian tiếp theo.

Chủ tịch nước chỉ đạo cần triển khai các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng của Hội thẩm Nhân dân. Theo đó, yêu cầu đặt ra là cần có đội ngũ Hội thẩm Nhân dân tốt nhất cả về số lượng và chất lượng; Bảo đảm quyền lợi chính trị và nâng cao tinh thần trách nhiệm của Hội thẩm Nhân dân; Khắc phục hạn chế trong việc lựa chọn chưa đúng, chưa đủ.

Chủ tịch nước chỉ đạo đưa nội dung này vào Chương trình xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, trong đó có vấn đề cải cách tư pháp để báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định.

 Anh Đức - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/thi-diem-xet-xu-truc-tuyen-cac-vu-an-dan-su-hanh-chinh-175125.html