Thị trường tài chính, BĐS và tăng trưởng kinh tế như kiềng 3 chân

03/11/2022 16:12

Kinhte&Xahoi Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội cho hay, đề nghị có giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.

Theo Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, 14h00 chiều 03/11/2022, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội tiến hành Phiên họp Chất vấn và trả lời chất vấn vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng.

Theo đó, sau phát biểu khai mạc Phiên họp của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành chất vấn Nhóm vấn đề thứ Nhất thuộc lĩnh vực xây dựng: (1)- Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam nhất là ở các thành phố lớn. Việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội; (2)- Quản lý thị trường bất động sản; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản; (3)- Việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn. (4)- Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng, ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản. Việc kiểm soát giá và bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị chịu trách nhiệm trả lời chất vấn. Cùng với đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng kiểm toán Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn về những vấn đề có liên quan.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội

"Thị trường tài chính, thị trường bất động sản và tăng trưởng kinh tế giống như 3 chân kiềng, có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong dự báo thế giới có thể rơi vào nguy cơ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế", Đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.

Vậy với tư cách là cơ quan chức năng quản lý thị trường bất động sản, Bộ trưởng cho biết dự báo về xu thế phát triển thị trường bất động sản ở Việt Nam trong thời gian tới như thế nào? Và những khó khăn, vướng mắc, những tồn tại đang gặp phải trong phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam thời gia qua, Bộ trưởng dự kiến có những giải pháp như thế nào để khắc phục những tồn tại, khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản trong thời gian tới?

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn tại Quốc hội

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị thừa nhận thị trường bất động sản nước ta hiện nay còn một số hạn chế, tồn tại như: hệ thống pháp luật liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và một số vi phạm pháp luật khác vẫn còn tồn tại, bất cập cần phải sửa đổi.

Liên quan đến xây dựng sai phép, không phép, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, các vi phạm về xây dựng là vi phạm rất khó khắc phục hậu quả, do đó giải pháp phát hiện, khắc phục phòng ngừa là giải pháp ưu tiên. Theo Bộ trưởng, pháp luật về quản lý trật tự xây dựng tương đối chặt chẽ và đồng bộ theo hướng tăng nặng xử phạt và buộc phá dỡ các công trình vi phạm. Theo báo cáo mới đây, tỷ lệ vi phạm về xây dựng đã giảm hàng năm…

Việc triển khai đầu tư xây dựng dự án bất động sản tại hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn, dẫn đến nguồn cung bất động sản sụt giảm, khiến số lượng dự án được chấp thuận mới khởi công xây dựng và hoàn thành đúng thời gian còn hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu nhà ở thương mại, nhà ở thương mại có giá phù hợp cho người thu nhập thấp, thu nhập trung bình, đặc biệt là nhà ở xã hội, công nhân. Cơ cấu sản phẩm bất động sản tiếp tục bất hợp lý, trong đó thiếu trầm trọng nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp.

Giá bất động sản cao hơn nhiều so với thu nhập của người dân. Công tác quản lý quy hoạch xây dựng, quản lý sử dụng đất và thị trường bất động sản tại địa phương còn bất cập. Việc kiểm soát dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản còn chưa chặt chẽ, còn tiềm ẩn rủi ro…

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết thị trường bất động sản có biến động do chịu tác động của tình hình kinh tế vĩ mô, các kênh đầu tư khác không ổn định so với kênh đầu tư bất động sản, nguồn cung các loại bất động sản quá thiếu hoặc quá thừa so với nhu cầu, chính sách tài chính tín dụng cho bất động sản bị hạ thấp hoặc thắt chặt, thiếu sự can thiệp kịp thời, hợp lý của Nhà nước đối với thị trường bất động sản…

Nhận định tình tình thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị dự báo tình hình thị trường thời gian tới sẽ tiếp tục gặp khó khăn, nguồn cung tiếp tục hạn chế, cơ cấu sản phẩm có cải thiện nhưng vẫn còn chưa phù hợp trong khi nhu cầu của người dân đối với nhà ở, phân khúc thu nhập thấp, thu nhập trung bình, nhà xã hội và công nhân còn rất lớn…

Bộ trưởng khẳng định, thời gian tới thực hiện đồng bộ, quyết liệt trách nhiệm các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đề ra như: giải pháp liên quan hoàn thiện hệ thống pháp luật; giải pháp về kiểm soát cơ cấu tín dụng bất động sản đảm bảo sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro; tiếp tục tạo điều kiện cho vay lĩnh vực bất động sản theo đúng quy định pháp luật; ưu tiên cho vay dự án nhở xã hội nhờ công nhân, nhà ở có giá phù hợp với đối tượng thu nhập thấp; huy động vốn trên thị trường chứng khoán; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các dự án đang triển khai về thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch xây dựng để tạo nguồn cung cho thị trường…

 Quang Vũ - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hà Nội xem xét dự thảo Nghị quyết về phát triển thanh niên TP Hà Nội giai đoạn 2021-2030

Sáng 3/11, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn chủ trì phiên họp UBND thành phố thường kỳ tháng 11/2022 (lần thứ hai) để xem xét một số nội dung trình kỳ họp thứ mười, HĐND thành phố và Chương trình công tác của UBND thành phố.

9 nhóm chính sách lớn trong hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Đến ngày 2-11, trên cơ sở tiếp thu ý kiến tại các hội nghị, hội thảo xin ý kiến do Bộ Tư pháp tổ chức và qua các đợt khảo sát, trao đổi kinh nghiệm tại một số tỉnh, Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội đã rà soát, tổng hợp, hoàn thiện và kết cấu lại thành 9 nhóm chính sách lớn trong hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/thi-truong-tai-chinh-bds-va-tang-truong-kinh-te-nhu-kieng-3-chan-d186165.html